Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

13:47

Gia Lai: 

Biến tang vật thành nghệ thuật 

Chuyện 'hòn đá bị bắt giam' đang là tang vật của vụ kiện lại được dựng lên làm vật trang trí ở TP.Pleiku (Gia lai) đã khiến dư luận băn khoăn về tính thẩm mỹ của công trình này, cũng như cách xử lý tang vật của cơ quan chức năng.

 Hòn đá
Hòn đá được đem ra trưng bày hiện nay - Ảnh: Trần Hiếu
Đá cảnh chứ đâu phải tượng đài
Theo biên bản bàn giao giữa H.Chư Sê và Bảo tàng Gia Lai, thì đây là loại đá silic chalcedon, kiến trúc vi hạt, hạt tỏa tia, ẩn tinh; có chiều dài 3,2 m, rộng bình quân 1,2 m, chiều cao bình quân 0,85 m. Tuy nhiên, theo giới sưu tập đá cảnh ở Gia Lai, đây chỉ là đá bán quý, không có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, và đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào xác nhận giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ của hòn đá.
Sau khi có biên bản bàn giao trên, Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng Gia Lai đã phối hợp để đưa hòn đá đặt tại trung tâm TP.Pleiku. Trả lời PV Thanh Niên chiều 23.8, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai Phan Xuân Vũ nói: “Việc trưng bày hòn đá là thực hiện theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. Thực ra, việc trưng bày hòn đá là có chủ ý bởi theo ý kiến của tỉnh thì đây là khu vực trung tâm của TP.Pleiku, có đông người qua lại nên muốn giới thiệu hòn đá cho mọi người thưởng lãm. Và lâu dài, ở khu vực này sẽ xây dựng một vườn tượng. Đây cũng là một cách thu hút, là điểm đến tham quan của khách du lịch khi vườn tượng hình thành”.
 
Việc chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đưa tang vật vào sử dụng là chưa đúng với quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Khu vực đặt hòn đá trước đây là nơi dựng tượng anh hùng Núp, người con ưu tú của các dân tộc Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Còn tượng anh hùng Núp được dời đến một địa điểm khác cách đó không xa. Nhà thơ Văn Công Hùng, người nhiều năm sống, làm việc và tâm huyết với nhiều vấn đề ở Gia Lai nói: “Tôi không hiểu tại sao lại trưng bày hòn đá lên cái bệ vốn là bệ tượng của một người rất nổi tiếng là anh hùng Núp? Về mặt thẩm mỹ tôi thấy cũng chưa ổn vì hòn đá không phải là đá quý, thậm chí tại Gia Lai có thể có nhiều hòn đá to và quý hơn. Hơn thế, đây là nơi có nhiều người qua lại, trong đó có cả du khách đến với phố núi, không hiểu họ nghĩ sao!”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật) cho biết: “Tôi đã xem ảnh chụp hòn đá cùng bệ. Nếu coi đây là một tượng đài thì không đúng. Nó chỉ như một hòn đá cảnh thôi. Theo tôi, đá ấy là một dạng đá bán quý. Không phải rẻ, nhưng cũng chưa thành ngọc. Nó có vân xanh đỏ tím vàng song cũng không đắt quá. Nên dù có bệ, đó cũng chỉ là hòn non bộ hoặc đá cảnh thôi. Nếu địa phương định dựng nó và coi nó là tượng đài thì chúng ta nên có ý kiến...”. Ngoài ra, ông Phạm Trung còn khẳng định: “Nhìn chung theo tôi thì đó không thể coi là tượng đài”.
 Hòn đá 2
Hòn đá khi được chuyển về Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Không biết hòn đá là tang vật vụ án!
Điều đáng nói, trong khi việc tranh chấp hòn đá chưa ngã ngũ, tức vào thời điểm vụ kiện đang diễn ra, thì UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn giao hòn đá cho Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng Gia Lai đem về bảo quản, trưng bày tại TP.Pleiku. Cụ thể, bà Trần Thị Sắc (ở xã H'bông, H.Chư Sê) đã gửi đơn kiện vào tháng 6.2012 và đến tháng 10.2012, khi vụ kiện chưa được giải quyết thì hòn đá được chở lên TP.Pleiku để đem ra trưng bày. Trưởng phòng TN-MT H.Chư Sê Nguyễn Đình Viên nói rằng ông chỉ thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND H.Chư Sê và của UBND tỉnh Gia Lai khi đưa hòn đá lên TP.Pleiku.
 
Chúng tôi không biết hòn đá này là tang vật của vụ án nào cả
Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai Phan Xuân Vũ
 “Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh là đưa hòn đá lên phục vụ việc trưng bày trang trí tại quảng trường của tỉnh đang hoàn thiện, UBND H.Chư Sê đã có văn bản chỉ đạo chúng tôi đưa hòn đá lên để phục vụ công tác trưng bày, trang trí. Còn đặt ở đâu và làm gì với hòn đá sau đó không thuộc thẩm quyền của chúng tôi”, ông Viên nói.
Ông Viên còn cho biết thêm, vì khu vực xã H’bông, H.Chư Sê giai đoạn này rộ lên tình trạng khai thác đá về làm cảnh trái phép, nên UBND huyện cũng như UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm. Và khi đoàn kiểm tra liên ngành của H.Chư Sê đi kiểm tra, phát hiện hòn đá của bà Trần Thị Sắc cũng nằm trong đợt này. Trong khi đó, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai Phan Xuân Vũ lại nói: “Chúng tôi không biết hòn đá này là tang vật của vụ án nào cả”.
Chưa đúng quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc tố tụng hành chính khi người dân đang khiếu nại về quyết định hành chính, tức là đang có tranh chấp, thì việc chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đưa tang vật vào sử dụng là chưa đúng với quy định pháp luật. “Giả dụ trong trường hợp này tòa tuyên cơ quan có thẩm quyền sai thì lại thêm cả khoản bồi thường thiệt hại”, ông Hậu nói. 
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép trong vụ án được căn cứ theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định pháp luật thì Chủ tịch UBND huyện có quyền ra quyết định xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Theo điều 35 Nghị định 128/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì việc xử lý tang vật phải được thực hiện theo đúng quy trình thủ tục.
“Đối với hòn đá tang vật trong vụ án này, hiện đã được trưng bày tức là có giá trị về mặt văn hóa thì sau khi UBND huyện ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, việc chuyển giao tang vật phải lập biên bản bàn giao tang vật, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu”, luật sư Hậu phân tích.
(Theo Thanh niên) Trần Hiếu - Thái Sơn - Trinh Nguyễn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét