Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

08:48

Nỗi buồn nông dân trả ruộng
SGTT.VN - Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 26.8 đưa tin nghề nuôi gà công nghiệp phía Nam có 1.500 trang trại với vốn đầu tư bình quân 2 tỉ đồng/trại, tổng giá trị đầu tư là hơn 3.000 tỉ đồng đang nằm trong vòng tròn lỗ lớn do giá thành không tăng mà vật tư đầu vào tăng liên tục.
 
Khắp các tỉnh, thành ở miền Trung nông dân rầm rộ trả lại ruộng đất hàng ngàn hecta, với hàng ngàn hộ dân. 
Con số tưởng như là cơ học, nhìn vào có vẻ chưa có ý nghĩa gì với cả nước, nhưng đó là sự cộng hưởng cực kỳ báo động khi nhìn sang sản xuất lúa gạo, càphê, hạt điều, và các nông sản khác trên cả nước.
Thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Việt Nam cùng với Myanmar trở thành tên tuổi lớn của các nhà xuất khẩu lúa gạo thế giới. Rồi vì chiến tranh, hai ngôi sao lúa gạo vụt tắt trên bầu trời xuất khẩu, nhường ngôi cho Thái Lan và các nước khác.
Rồi thời thế đổi mới đến, khoán 10, chỉ thị 100 ra đời, nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam bỗng nhiên vụt sáng, không những đủ ăn mà còn xuất khẩu, sản lượng được đầu tư tăng trưởng khắp các vùng miền của đất nước. Một cường quốc lúa gạo mới được định hình, bản đồ lúa gạo thế giới xem Việt Nam như một “con rồng” xuất khẩu loại lương thực giá rẻ này.
Nông dân như người hùng thầm lặng cứu vực nền kinh tế đói kém, họ có công lớn trong việc chắt chiu để đưa lúa gạo ra với thế giới, thu lại ngoại tệ, phục vụ cho các ngành kinh tế khác. Thế nhưng những người hùng nông dân nay quả thực gặp muôn vàn khó khăn. Lương thực làm ra nhiều, giá giảm, điệp khúc được mùa mất giá cứ xoay vòng mỗi mùa vụ, nông dân chẳng được lợi gì khi các công ty lương thực vận hành, thậm chí bị ép giá. Thu nhập một sào lúa của nông dân cộng trừ các khoản chi phí, cuối cùng dồn lại chưa nhỉnh hơn 100.000 đồng tiền gọi là lãi.
Cả nước đang làm nông nghiệp, khắp các cánh đồng miền xuôi đến những rẫy càphê bạt ngàn miền núi hay những khu hồ tiêu giá trị đến hàng ngàn trang trại chăn nuôi đều được hô hào tăng sản lượng, trong khi không chú trọng đầu ra. Người nông dân sản xuất lúa thú thực họ không hề biết khách hàng của mình là ai, những thị trường nào trên thế giới. Bởi lẽ, các công ty thu mua lương thực đã đảm nhận đầu ra một cách độc quyền.
Sau bao nhiêu năm trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo, nhìn lại nền sản xuất nông nghiệp của đất nước thấy chưa thể yên tâm được khi người nông dân khó có thể sống được bằng nghề. Trong khi đó, đất nước Campuchia sản xuất lúa gạo có giá trị cao hơn đã xuất hiện, họ đã trở thành nhà xuất khẩu lớn với những chuyên sâu các giống lương thực đặc sản, nhắm đến các thị trường khó tính để thu lợi cao cả về chất lượng cả về ngoại tệ.
Khắp các tỉnh, thành ở miền Trung nông dân rầm rộ trả lại ruộng đất hàng ngàn hecta, với hàng ngàn hộ dân. Họ hạch toán bằng đầu ngón tay thấy năm nào làm ra lúa nhiều cũng lỗ khiến cuộc sống bế tắc khi phải chi phí cơm áo, gạo tiền cho con cái đi học, phục vụ đủ thứ sinh hoạt cho gia đình, đó là chưa kể các loại lệ phí khác do xã, thôn đặt ra.
Cán bộ xã, huyện phải đi vận động dân không bỏ ruộng. Những lão nông vốn hiền lành, chất phác cứ thấy cán bộ đến nhà là cầm cuốc đuổi khỏi bờ rào.
Chủ tịch xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Đồng kể với chúng tôi câu chuyện dân bỏ ruộng. Đây là địa phương điển hình về sản xuất lúa gạo cả khu vực Bắc Trung bộ, vậy mà dân bỏ ruộng lên đến cả trăm hecta. Cán bộ xã, huyện phải đi vận động dân không bỏ ruộng, cầm cày, cầm cuốc đi sản xuất lúa gạo. Những lão nông vốn hiền lành, chất phác cứ thấy cán bộ đến nhà là cầm cuốc đuổi khỏi bờ rào. Họ đuổi rồi còn nói, các ông thích thì ra ruộng mà làm, làm một mùa xong cộng trừ nhân chia lời lãi bao nhiêu thì biết nông dân bỏ ruộng là vì sao, đừng vận động suông.
Nền nông nghiệp bước vào thế kỷ 21, kỷ nguyên của công nghệ ở mọi lĩnh vực, ấy mà ở miền Trung, miền Bắc, và cả miền Nam vẫn chi chít những thửa ruộng chia lẻ mấy chục mét vuông mỗi thửa, trâu cũng nhác kéo cày ở các thửa ruộng như thế này, đừng nói máy móc đưa vào chẳng làm được gì. Những nhà hoạch định việc chia ruộng của thế kỷ trước đã trải ruộng manh mún, nay có thêm việc dồn điền đổi thửa như muốn tạo ruộng mẫu lớn để xoá đi tàn tích manh mún, nhưng vẫn khó đả thông tư tưởng ở hộ sản xuất cá thể.
Và cho đến nay, những việc làm liên quan đến ruộng đồng đã thực sự chán nản trong nông dân, sự hứng thú của tinh thần chia ruộng ngày xưa gần như tan biến bởi vòng xoáy thua lỗ ngày càng siết chặt. Và họ chọn con đường đi làm thuê mỗi ngày kiếm được 150.000 – 200.000 đồng, còn hơn dầm mưa dãi nắng.
Đã đến lúc cần có chính sách vĩ mô để giúp nông dân, tái cấu trúc lại các cánh đồng, cũng như tạo lập những phương thức canh tác mới tránh bấp bênh, tránh mất niềm tin lời lãi.
Người ta thấy, khi bất động sản gặp khó, đã có gói giải cứu 30.000 tỉ đồng, trong khi hàng triệu hộ nông dân cả nước khó khăn chồng chất khó khăn thì chưa có phương thức hay gói giải cứu nào đích đáng để giúp đỡ họ. Ngay như hội nông dân có mặt ở khắp các xã, phường, thị trấn, lên huyện tỉnh, thành phố rồi cả hội Trung ương vẫn chưa có động thái nào ngoài mỗi việc hàng năm thống kê năng suất lương thực để báo cáo thành tích. Nỗi buồn sau luỹ tre làng bao giờ được giải là câu hỏi lớn.
(Theo SGTT) QUỐC NAM
Chuyện vui:
Nô lệ
      Mải việc Thiên đình, hôm nay Ngọc Hoàng mới có chút thời gian rảnh rỗi soi kính Viễn Thiên xuống một góc hạ giới xem dân tình ra sao.
      Chợt thấy một cảnh chướng tai gai mắt khiến Ngọc Hoàng bừng bừng nổi giận, truyền lệnh gọi ngay Bắc Đẩu đến để truy vấn cho rõ ngọn ngành. Bắc Đẩu được gọi bất ngờ biết có chuyện chẳng lành, khép nép, rón rén bước vào. Ngọc Hoàng hỏi ngay:
      - Dưới hạ giới nay có còn chế độ nô lệ không?
      Bắc Đẩu thở phào như trút được gánh nặng:
      - Dạ bẩm, chắc Ngọc Hoàng đùa thần! Chế độ chiếm hữu nô lệ thần đã chỉ đạo hạ giới thanh toán xong cách đây mấy trăm năm rồi, nay làm gì còn chuyện ô uế ấy ạ?
      - Ngươi lại đây xem nó là cái gì? - Ngọc Hoàng chỉ Bắc Đẩu đến bên kính Viễn Thiên - Ngươi có thấy một người gầy yếu kia đang khiêng trên vai hai gã béo tốt không?
      - À… dạ bẩm, đấy là ông nông dân mà Ngọc Hoàng. Mấy năm nay kinh tế khó khăn nên sức vóc họ có giảm sút đôi chút, nhưng họ vẫn sống được ạ - Bắc Đẩu giải thích.
      - Thế còn hai cái gã bất lương to béo như hai con lợn kia, chúng là ai mà đè đầu cưỡi cổ người ta như vậy?
      - Chết! Xin bệ hạ đừng miệt thị họ thế, họ là Thương gia và Nhà sản xuất cả đấy, thiếu họ, nông dân chẳng sống được đâu ạ.
      - Ngươi nó rõ hơn xem nào?
      - Ngài Thương gia kia là nhà xuất khẩu gạo đấy ạ. Nhiều năm qua nông dân mình sản xuất được mùa liên miên, gạo xuất khẩu tăng liên tục nên đã vươn lên hàng nhất nhì hạ giới. Chỉ tiếc là giá gạo hạ quá, nông dân làm chỉ đủ hòa vốn thôi ạ. Tuy nhiên, nếu không có ngài Thương gia, nông dân cầm chắc lỗ vốn! Còn Ngài sản xuất kia là nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn gia súc. Nông dân mình phải dựa vào mấy cái hàng dịch vụ này chứ không thể làm tròn hết các khâu được đâu ạ. Dưới hạ giới bây giờ phân công lao động, sản xuất theo chuỗi nên năng suất đã tăng cao. Tuy nhiên, do giá đầu vào cao nên các ngài Thương gia không thể bán lỗ cho nông dân được, họ kinh doanh dứt khoát cần có lãi ạ. Cũng vì những lý do trên, vụ này nông dân đành chấp nhận lỗ một ít ạ. Chắc tình hình năm sau sẽ khá hơn.
      - Không được! Ta thấy người nông dân đổ mồ hôi như tắm thế kia mà chẳng có hiệu quả gì, vậy họ còn sống được sao? Ta không thể chấp nhận! Đúng là cảnh nô lệ! Ngươi cần có ngay giải pháp chấm dứt cảnh này.
       Bắc Đẩu xun xoe vừa đi lùi ra nhanh chóng cáo lui:
      - Dạ, thần sẽ chỉ đạo quyết liệt ạ!
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét