Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

11:45

Bà nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thao túng ngành Dược:  

Quyền lực bà Phạm Khánh Phong Lan: "Một tay che cả bầu trời"… 


Ngày 28/5/2010, Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kí công văn gửi Cơ quan Điều tra Quận 1 yêu cầu làm rõ việc Phó Giám đốc Sở Phạm Khánh Phong Lan kí khống và kí cấp 350 giấy chứng nhận giả. Nhưng không ngờ, 4 tháng sau (ngày 1/9/2010) BS Châu bị mất chức Giám đốc Sở Y tế, còn bà Phong Lan vẫn ngồi vững trên ghế Phó Giám đốc Sở, còn được UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen có công trong việc triển khai nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (quyết định số 5939/QĐ-UBND ngày 30/12/2010 do Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận kí)...
“Lấy thúng úp voi”
Sở dĩ BS Nguyễn Văn Châu đề nghị Cơ quan Điều tra làm rõ hành vi của bà Phong Lan là vì ngày 17/4/2010 Thanh tra Bộ Y tế có biên bản yêu cầu Thanh tra Sở Y tế làm rõ việc này. Ngày 18/5/2010, BS Châu thành lập Tổ kiểm tra xác minh vụ việc nhưng Tổ kiểm tra chỉ xác minh với các phòng chức năng, không dám làm việc với bà Phong Lan, song với bằng chứng rành rành, Thanh tra Sở xác định có 350 giấy chứng nhận giả và khống do bà Phong Lan kí, đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra xem có hay không yếu tố vụ lợi trong hành vi cố ý làm trái của bà Phong Lan.
Trước đó, đầu tháng 1/2010, Chi cục Quản lí Thị trường bất ngờ kiểm tra 16 cửa hàng của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu (trong đó có 8 nhà thuốc được cấp GPP) phát hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng, không có giấy đăng kí lưu hành (hơn 86.000 đơn vị dược phẩm). Ban Văn hóa Xã hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã chất vấn: "Chất lượng GPP của các nhà thuốc có vấn đề, vì khi thanh tra, kiểm tra, một số nhà thuốc GPP đã sai phạm về bán thuốc hết đát, thuốc không hóa đơn, chứng từ... Có thông tin cho rằng, một nhà thuốc muốn có GPP phải nộp 20 triệu đồng cho tập huấn, "mua" giải pháp vận hành... Và có hiện tượng "cò" trong việc cấp GPP?".
Bà Phong Lan giải trình tỉnh bơ: "Không có sự bắt tay, móc ngoặc gì cả! Việc các nhà thuốc, công ty bỏ tiền ra mua hệ thống vận hành nhà thuốc GPP không phải là chủ trương của Sở Y tế. Về kinh phí tổ chức các lớp tập huấn GPP, trong vòng ba năm qua đã có 4.000 người hành nghề được tập huấn hoàn toàn miễn phí. Nói thu hàng chục triệu đồng chi phí khác là không đúng". Bà Phong Lan biết việc giám sát của HĐND thành phố chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" trong khi UBND thành phố ủng hộ bà và Cơ quan Điều tra Quận 1 không vào cuộc.


Nhà thuốc GPP Thùy Dung, 187 Lê Đức Thọ, 
quận Gò Vấp (DS Lương Đăng Triều) không
 bật điều hòa, độ ẩm không đạt 70 - 75%, cửa mở.
Ngày 2/8/2010, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về tham nhũng (C48) có công văn số 250 đề nghị Sở Y tế cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP, hồ sơ đăng kí lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho các công ty, nhà thuốc đạt chuẩn GPP và kết quả thanh tra xác minh của Sở Y tế. Ngày 6/8/2010, BS Châu có công văn xin ý kiến UBND thành phố về việc cung cấp hồ sơ cho Công an. Ngày 19/8/2010, Văn phòng UBND thành phố có văn bản trả lời: "Thanh tra thành phố sẽ có kết luận chính thức báo cáo Thường trực UBND thành phố việc cấp giấy chứng nhận GPP vào cuối tháng 8/2010. Vì vậy, giao Sở Y tế có văn bản gửi Cục C48 trả lời sẽ báo cáo cho Cục bản kết luận chính thức về vụ việc nêu trên". Mặc dù cùng ngày (19/8/2010) Thanh tra thành phố đã báo cáo kết quả thanh tra.
Nhờ “bùa hộ mệnh”
Ngày 24/8/2010, UBND thành phố chủ trì cuộc họp nghe Thanh tra thành phố báo cáo kết luận thanh tra về việc cấp giấy chứng nhận liên quan đến tập huấn thực hành tốt nhà thuốc. Ngày 27/8/2010, Văn phòng UBND thành phố có thông báo số 516: "UBND thành phố phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở Y tế và bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế vì đã không chỉ đạo, kiểm tra kịp thời trong việc tổ chức các lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn về thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Trong thiếu sót này có phần trách nhiệm của Văn phòng Sở Y tế là chưa chặt chẽ trong việc đóng dấu cấp giấy chứng nhận mà chưa điền tên học viên lớp tập huấn".
Công văn không dám dùng từ "cấp khống" và "cấp giả" giấy chứng nhận, nhưng lại giao trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Văn phòng Sở thu hồi 79 giấy chứng nhận đã hoàn tất khóa đào tạo chuyên viên tư vấn về thực hành GPP. Thật oan cho Văn phòng Sở Y tế khi bị UBND thành phố quy trách nhiệm đóng dấu 79 giấy chứng nhận mà chưa điền tên học viên. Bởi vì, trước đó 2 năm, ngày 16/7/2008, ông Bùi Thanh Phong (thư kí bà Phong Lan) mang giấy chứng nhận đã có chữ kí của bà Phong Lan, nhưng không điền tên học viên cho công ty Julilig Pharma Việt Nam, yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Đào (nhân viên Văn phòng Sở giữ con dấu) đóng dấu. Bà Đào không chịu đóng dấu, ông Phong phải làm biên bản sẽ chịu trách nhiệm, thì bà Đào mới đóng dấu. Văn phòng Sở đã báo cáo việc này với BS Châu, nhưng BS Châu bị UBND thành phố phê bình nghiêm khắc và ngày 1/9/2010 mất ghế Giám đốc Sở Y tế và BS Phạm Việt Thanh lên thay.
Ngày 30/11/2010, BS Nguyễn Đức An, cựu Chánh Thanh tra Sở Y tế tố cáo những hành vi tiêu cực của bà Phạm Khánh Phong Lan lên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo chuyển đơn cho Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm. Ngày 10/3/2011, Cục C48 gửi công văn số 29/CV-C48 (P8) cho Sở Y tế thông báo mời một số cán bộ có liên quan đến làm việc, Sở Y tế có công văn số 1478/SYT-VP trả lời: "Do thời gian gấp gáp, cán bộ công chức được mời không thể bố trí, sắp xếp được công việc để có mặt theo yêu cầu. Vì vậy xin được bố trí vào dịp khác".
Ngày 22/3/2011, UBND thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 1212/UBND-VX gửi lãnh đạo Bộ Công an và C48 đề nghị "Không cần phải tiến hành điều tra lại vụ việc". Đây là công văn nội bộ, nhưng chỉ hai ngày sau một tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước ở TP Hồ Chí Minh lại đăng tin "Đề nghị không điều tra lại vụ "nhà thuốc GPP" của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Cục Điều tra Tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an đề nghị cơ quan này không cần phải điều tra lại vụ kí khống các giấy chứng nhận liên quan đến tập huấn về thực hành tốt nhà thuốc (GPP) tại Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Theo UBND thành phố, năm 2010 tình hình nội bộ Sở Y tế có biểu hiện mất đoàn kết, có nhiều đơn thư tố cáo gửi đến các cơ quan Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có đơn tố cáo PGS,TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế kí khống các giấy chứng nhận liên quan đến tập huấn về GPP".
Bà Phong Lan coi bản tin này là lá bùa hộ mạng, nhưng C48 Bộ Công an đã có kết quả điều tra ở 8 công ty dược, xác nhận 8 công ty này đã xuất hàng chục hóa đơn tổng cộng: 5.080.481.765 đồng, 411.482 Baht Thái Lan, 10 máy tính và 2 máy in nộp cho Sở Y tế, hoặc chi trả cho các công ty du lịch nhưng bà Phong Lan không hạch toán đưa vào quỹ của Sở Y tế theo số quyết định 19/2006/QĐ-BTC. Báo cáo của C48 cũng xác nhận mục đích của 9 tour du lịch nói trên là đi ăn chơi, chứ không phải tập huấn kiến thức GPP và kết luận bà Phong Lan đã kí cấp 79 giấy chứng nhận giả khóa đào tạo "chuyên viên tư vấn thực hành tốt nhà thuốc" (GPP) với nội dung sai sự thật. Đồng thời, bà Phong Lan kí khống 271 giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn GPP, trong khi chưa điền tên người được cấp


Phạm pháp như thế, có còn xứng đáng đại biểu của dân?


Chúng tôi thống kê được 274 bài báo mạng và báo giấy đăng về việc bà Phạm Khánh Phong Lan cấp 350 giấy chứng nhận giả và khống, 8/16 nhà thuốc được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GPP vẫn bán thuốc quá đát không rõ nguồn gốc. UBND thành phố buộc Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu làm rõ ai lộ tin cho báo chí. Ngày 3/7/2010, bác sĩ (BS) Châu giải trình "không có cơ sở để cho rằng Sở Y tế để lọt thông tin nội bộ ngành cho báo chí. Ngày 20/7/2010, UBND thành phố có công văn số 3504 yêu cầu Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh xác minh làm rõ ai cung cấp thông tin cho báo chí?...
Làm trái lại được khen
Theo chúng tôi, nên làm rõ ai đã cung cấp cho báo chí công văn số 1212/UBND-VX, ngày 22/3/2011 của UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi lãnh đạo Bộ Công an và C48 đề nghị "Không cần phải tiến hành điều tra lại vụ việc", thông tin về bà Phong Lan kí khống và giả giấy chứng nhận, thu của 8 hãng dược 4.707.132.965 đồng và 411.482 Baht, 10 máy tính, 2 máy in mà không nộp và quỹ của Sở là một sự thật hiển nhiên.
Sau khi BS Nguyễn Văn Châu ngậm ngùi rời ghế Giám đốc Sở Y tế, ngày 30/12/2010 bà Phong Lan và 13 người cùng cánh với bà trong việc kí khống và kí giả giấy chứng nhận và đi du lịch bằng tiền của các hãng dược được UBND thành phố kí quyết định 5939/QD-UBND tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc thực hiện triển khai Nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" trong 3 năm (2008 - 2010). Từ “lá bùa” này, bà Phong Lan coi những cán bộ chống lại việc tiêu cực của bà là chống đường lối, chủ trương cấp giấy chứng nhận GPP của Sở Y tế, rồi buộc những cán bộ đó lần lượt rời khỏi chức vụ như BS Nguyễn Minh Hùng (Chánh Thanh tra Sở), DS Lê Tuấn Anh (Thanh tra viên), LS Chu Văn Tần (Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh)…
Trong Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra, các cán bộ phụ trách Thanh tra Y tế quận huyện phát biểu: 15 nhà thuốc có chứng nhận GPP đều bảo quản thuốc không đúng tiêu chuẩn GPP, có 5 nhà thuốc bán thuốc hết đát, 3 nhà thuốc bán thuốc không rõ nguồn gốc, 5 nhà thuốc bán thuốc kém chất lượng. Lập tức, bà Phong Lan ra lệnh: "Không được đụng đến các nhà thuốc đạt GPP". Cán bộ Thanh tra Y tế quận, huyện sợ ngoài mặt, nhưng cung cấp tin cho Quản lí Thị trường đồng loạt kiểm tra 16 nhà thuốc hệ thống Mỹ Châu mới lòi ra, nhà thuốc đạt GPP để "thực hành xấu nhà thuốc".


Hiệu thuốc số 20.412 XVNT Phường 25, quận Bình Thạnh. DS Mai Thị Lan. 
Không có cửa kính, không có khu vực riêng để bán, quầy thuốc bày bán cùng khu
 vực sinh hoạt gia đình. Sắp xếp rất lộn xộn, không DS đứng quầy, không có điều
 hòa. Diện tích phần bán thuốc khoảng 7m2
Nhà thuốc trong Bệnh viện 115 được bà Phong Lan cấp chứng nhận đạt chuẩn GPP đầu tiên và Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Văn Báu kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện 115, Chủ tịch Hội đồng thuốc Bệnh viện 115 và ông Báu cũng nhận được Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nguyên tắc tiêu chuẩn GPP của UBND thành phố. Vậy mà, ông Báu để các bác sĩ Bệnh viện 115 kê toa "theo chỉ định của trình dược viên" và để nhà thuốc Bệnh viện 115 bán thuốc giá “cắt cổ”. Mãi đến tháng 3/2013, lực lượng chức năng đã đột nhập vào nhà thuốc Bệnh viện 115 và kho trữ thuốc, phát hiện có bán 15 loại thuốc quá đát, trong đó thuốc cũ nhất có hạn dùng tháng 2/2010 (quá đát 3 năm), thuốc "mới" nhất có hạn dùng tháng 12/2012 (quá đát 3 tháng). Giấy chứng nhận đạt GPP là lá bùa che đậy sự gian xảo trên tính mạng người bệnh.
Có được xem xét như Nghị quyết Trung ương IV
Khen bà Phong Lan xuất sắc, TP Hồ Chí Minh còn đưa bà ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Ngày 7/4/2011, Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm có công văn số 43/CV-C41 (C48) gửi Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thông báo những sai phạm của bà Phạm Khánh Phong Lan và một số cán bộ Sở Y tế, đề nghị ông Chủ tịch chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Cơ quan Điều tra tiếp tục làm rõ, nhưng không nhận được sự phối hợp từ UBND thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế.
Ngày 6/5/2011, C48 đã có báo cáo số 88/CV-C48(P8) gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (TU về PCTN) nói rõ những sai phạm của bà Phong Lan, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục giới thiệu bà Phong Lan ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Ngày 11/5/2011, Văn phòng Ban chỉ đạo TU về PCTN có báo cáo số 206/VPBCĐ.V.III với Tiểu ban Thường trực chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kì 2011 - 2016 (gọi tắt là Tiểu ban Thường Trực chỉ đạo).
Ngày 16/5/2011, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã có báo cáo số 114/BC-C41 (C48) gửi Tiểu ban Thường trực chỉ đạo để báo cáo kết quả xác minh đơn tố cáo bà Phạm Khánh Phong Lan có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 19/5/2011, C48 có báo cáo số 123/BC-C48 để báo cáo chi tiết những sai phạm trong việc nhận tài trợ và đi tham quan du lịch của bà Phạm Khánh Phong Lan gửi Tiểu ban Thường trực chỉ đạo. Báo cáo số 123/BC-C48 kết luận như sau:
“- Bà Phạm Khánh Phong Lan đã có hành vi làm trái công vụ: Tập huấn không có chương trình, cấp giấy chứng nhận tập huấn không đúng quy trình, thủ tục.
- Không minh bạch trong việc sử dụng tiền, vật chất tài trợ, không hạch toán đầy đủ các khoản tài trợ theo đúng chế độ kế toán, vì tài sản của các đơn vị tài trợ phải được hạch toán như ngân sách Nhà nước cấp.
- Lợi dụng tập huấn mà đi du lịch, tham quan trong nước và ngoài nước, rồi cấp giấy chứng nhận GPP khống cho các đơn vị tài trợ. Không những vi phạm 19 điều cấm đối với đảng viên, mà còn có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự.
- Do đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an kiến nghị xem xét xóa tên ứng cử Đại biểu Quốc hội của bà Phạm Khánh Phong Lan là có căn cứ.
- Đề xuất: Tiếp tục xác minh, điều tra củng cố chứng cứ; đề xuất xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật và tiếp tục kiến nghị Tiểu ban Thường trực chỉ đạo xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội để đưa ra khỏi danh sách trúng cử, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và lấy lại lòng tin đối với nhân dân".
Ngày 25/5/2011, Tiểu ban Thường trực chỉ đạo triệu tập cuộc họp gồm: Toàn thể Ban chỉ đạo, Bộ Công an, C48, Bộ Y tế, Văn phòng Ban Chỉ đạo TU về PCTN, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh, Thanh tra TP Hồ Chí Minh… do đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Thường trực chỉ đạo chủ trì. Sau khi nghe báo cáo kết quả xác minh của C48-BCA, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đều thống nhất kết luận: "Hành vi của bà Phạm Khánh Phong Lan đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần xóa tên trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Nhưng vì Luật Bầu cử Quốc hội đã quy định trong vòng 10 ngày trước ngày bầu cử chỉ được xóa tên trong trường hợp: Bị bắt, bị chết, không có năng lực hành vi, tự rút tên ra khỏi danh sách ứng cử. Do đó, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo thống nhất, nếu bà Phạm Khánh Phong Lan không tự rút tên thì tiếp tục bầu cử vì thời hạn quá cận kề. Nếu trúng cử thì Tiểu ban sẽ kiến nghị Ủy ban Bầu cử Trung ương xem xét tư cách đại biểu và xóa tên Đại biểu Quốc hội đối với bà Phạm Khánh Phong Lan. Trước mắt, từ nay đến trước ngày 21/7/2011 yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẩn trương xác minh làm rõ những sai phạm của bà Phạm Khánh Phong Lan theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo; yêu cầu Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Điều tra làm rõ những sai phạm”.
Với chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể như trên, nhưng Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh không phối hợp với Cơ quan CSĐT để làm rõ những sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Phạm Khánh Phong Lan và Tiểu ban Thường trực chỉ đạo cũng không kiến nghị Ủy ban Bầu cử Trung ương xem xét tư cách đại biểu và xóa tên Đại biểu Quốc hội đối với bà Phạm Khánh Phong Lan như kết luận của cuộc họp ngày 25/5/2011.
Tác hại nghiêm trọng là những giấy chứng nhận đào tạo chuyên viên tư vấn thực hành tốt nhà thuốc (GPP) cho hàng loạt nhà thuốc trong nước, nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh lợi dụng, tiếp tục bán thuốc quá đát, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả… đến nay vẫn tràn lan, không khắc phục được, ai là người chịu trách nhiệm? Ai là người mưu mô, thanh trừng loại bỏ Giám đốc Sở và một số cán bộ trung kiên có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng?
Đơn kiến nghị của các cựu chiến binh đặt một câu hỏi thấm thía: "Giữa một Đại biểu Quốc hội có hành vi như Phạm Khánh Phong Lan và một tên tội phạm thì có khác gì nhau hay không?". Vận dụng Nghị quyết Trung ương IV, Khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trường hợp bà Phạm Khánh Phong Lan sẽ được xem xét, xử lí như thế nào?
(Theo Người cao tuổi) Mai Bá Kiểm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét