Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

 08:01

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8:

 GDP tăng 5,4% lạm phát không quá 7%


Trong hai ngày 27 và 28.8, Chính phủ nghe báo cáo của các bộ, ngành về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng, về nhiệm vụ thực hiện cân đối, chi tiêu ngân sách.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như Đề án đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, việc tiếp thu chỉnh lý dự án luật Đất đai sửa đổi…


Năm 2014, đề xuất GDP tăng 5,8%, lạm phát 7%
Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra một số chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014, trong đó đề xuất tăng trưởng GDP khoảng 5,8 - 6%. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu có thể nghiên cứu đưa ra con số tăng GDP 5,8% và lạm phát ở mức 7%. Riêng bội chi, Bộ Tài chính đề xuất khoảng 5,5% GDP, để tăng thêm đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng cho rằng như vậy là quá cao, cần phải nghiên cứu tính toán thận trọng, kỹ lưỡng hơn.

Bức tranh chung của nền kinh tế sau 8 tháng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất khi GDP tăng trưởng dần theo từng quý. Cụ thể, quý 1/2013 tăng 4,76%, sang quý 2 tăng hơn 5% và quý 3 ước tăng 5,46%. Trong quý 4, Bộ KH-ĐT dự báo mức tăng khoảng 5,46%, qua đó đưa GDP cả năm ước tăng khoảng 5,4%. Mức này, thấp hơn một chút so với mục tiêu 5,5% đặt ra.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sau 8 tháng với mức tăng 3,5% so với cuối năm 2012, Chính phủ đánh giá là một sự cố gắng trong điều hành giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt được mục tiêu chủ yếu 2013, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7%, ổn định kinh tế vĩ mô, không được chủ quan. Về tăng trưởng, cố gắng đẩy mạnh đầu tư công, phấn đấu GDP năm nay cao hơn năm 2012. Theo Thủ tướng, năm 2012 GDP tăng 5,25%, năm nay phấn đấu khoảng 5,4%. “Chúng ta khó đạt được mức tăng GDP 5,5% như mục tiêu đề ra, nhưng tinh thần là phải cao hơn 2012, cố gắng ở mức 5,4%”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Giá xăng - điện, “dứt khoát” theo thị trường
Thảo luận về chính sách điều hành giá điện, giá xăng, cũng như các mặt hàng nhà nước còn đang quản lý, Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng cho rằng, không thể để tồn tại mãi tình trạng bao cấp, kìm nén giá các mặt hàng này. Nếu chấp nhận để giá xăng lên, xuống theo thị trường thế giới, có thể chống được nạn buôn lậu, chống được tham nhũng. “Chỉ cần một thông tin tăng giá xăng, một tàu chở dầu găm hàng lại cũng có thể kiếm hàng trăm tỉ đồng ngay. Giá xăng, dầu là giá quốc tế, nếu giá lên thì trong nước cùng lên, còn xuống thì cùng xuống. Chúng ta định hướng giá theo thị trường, đồng thời vẫn lo cho người nghèo, đảm bảo an sinh, nhưng không bao cấp tràn lan”, ông Thăng đề xuất.
Thủ tướng khẳng định dứt khoát phải điều hành giá điện, xăng theo thị trường, nhưng chủ trương chung của nhà nước phải hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách. Khi tăng giá lên mặt bằng hợp lý, buộc các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tiết kiệm, đầu tư có hiệu quả hơn. Hiện tại, đối với điện, nhà nước vẫn đang bao cấp gần 25% tổng sản lượng điện toàn quốc, trong đó, hộ nghèo chiếm 16%. Số hộ này, thời gian tới nhà nước sẽ vẫn dùng ngân sách để hỗ trợ (mỗi hộ 30.000 đồng), nếu hộ nào dùng tiết kiệm, không dùng hết vẫn được hưởng số tiền hỗ trợ. Còn lại 9% tổng sản lượng bao cấp rơi vào các hợp tác xã điện tại nông thôn, và các khu công nghiệp, khu tập thể, thủy nông. Thủ tướng phê bình các đơn vị hợp tác xã, khi nhà nước bán rẻ điện nhưng lại bán ra cho người dân đắt hơn. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khi điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, phải siết lại, tập trung hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, còn chỗ nào cần thu hồi về cho nhà nước thì phải thu hồi, tránh thất thoát. Và quan trọng hơn cả là phải minh bạch, thông báo công khai để người dân được biết.
Bù thiếu hụt điện cho miền Nam
Theo Bộ Công thương báo cáo về dự báo nhu cầu điện cho giai đoạn từ nay đến 2030, đáng chú ý về nhu cầu điện giai đoạn 2016 - 2020, trong khi miền Bắc và miền Trung thừa điện, khu vực miền Nam vào 2017 sẽ thiếu hụt khoảng 228 triệu kWh (bằng 0,21% tổng nhu cầu điện toàn miền Nam); năm 2018 thiếu 2,7 tỉ kWh; năm 2019 thiếu khoảng 1,1 tỉ kWh. Để khắc phục tình trạng thiếu điện của khu vực miền Nam, theo Bộ Công thương phải bổ sung khẩn cấp để đưa vào vận hành trước năm 2017 khoảng 1.500 MW công suất nguồn điện mới.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện khu vực miền Nam gồm: Long Phú 1, Duyên Hải 3 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Cụ thể, đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao Tập đoàn dầu khí (PVN) đẩy nhanh tiến độ đàm phán ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC Nhà máy điện Long Phú 1 để đảm bảo đưa vận hành tổ máy 1 tháng 12.2017 và tổ máy 2 tháng 6.2018. Giao Tập đoàn điện lực (EVN) đẩy nhanh tiến độ dự án Duyên Hải 3, và đầu tư mở rộng để vận hành vào tháng 12.2017. Để đạt được tiến độ, cho phép EVN triển khai ngay dự án theo phương án đàm phán trực tiếp để nhân đôi tổng thầu EPC của Duyên Hải 3…
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Nếu làm được các công việc trên, cơ bản năm 2017 - 2019 khu vực miền Nam không thiếu điện. Ngoài ra, Bộ cũng tính toán có thể tăng truyền tải điện từ miền Bắc vào nhưng thực tế rủi ro lớn hơn, nên cần thêm một phương án an toàn, xin phép Thủ tướng xây dựng trạm 500 kV tại Pleiku”.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các bộ ngành sớm chuẩn bị các phương án, thu xếp nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đề xuất.
Chưa đề xuất lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ chiều nay (28.8), khi Bộ KH-ĐT xin ý kiến Chính phủ về thành lập ủy ban (UB) này nhằm đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. 
Bộ KH-ĐT đề xuất hai phương án: Phương án 1, Chính phủ thành lập UB quản lý, giám sát DNNN làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước quan trọng, bao gồm cả TCT đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC). Còn các DNNN công ích đặc thù khó có thể xã hội hóa được vẫn do Bộ, UBND cấp tỉnh quản lý. Phương án hai, Bộ quản lý thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các TĐ, TCT nhà nước, UBND cấp tỉnh thực hiện đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trực thuộc.
Trong hai phương án này, Bộ KH-ĐT chọn phương án một do có nhiều ưu điểm và mang tính đột phá hơn. 
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định cần thiết phải tách bạch giữa mô hình quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN. Nhưng trước mắt, do mô hình UB này chưa nhận được sự đồng thuận cao, nên tạm thời chưa trình lên Ban Chấp hành Trung ương, mà giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. Thủ tướng lưu ý, đề án này phải làm rõ các vai trò của DNNN là đơn vị đứng ra làm nhiệm vụ nhà nước giao, góp phần điều tiết vĩ mô chứ không chỉ lập ra để kinh doanh có tiền nộp ngân sách. DNNN sử dụng vốn, tiền của nhà nước thì chủ sở hữu có quyền đến đâu, các bộ ngành có quyền đến đâu, rồi cả vấn đề lựa chọn con người trong các bộ máy này… Thủ tướng lưu ý, tư tưởng chung là không bảo thủ nhưng khi làm phải cẩn thận, chặt chẽ.
Liên quan đến ý kiến xây dựng pháp luật quy định DNNN, Thủ tướng chỉ đạo, đã là DNNN phải có luật để điều chỉnh. Các bộ, ngành cân nhắc trao đổi với Bộ Tư pháp có thể ban hành luật riêng hoặc bổ sung một chương trong luật DN sửa đổi sắp tới, nhưng phải đầy đủ các nội dung để quản lý.
(Theo Thanh niên) Anh Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét