09:15
"Ông lớn" nhà nước đang tuỳ tiện chia tiền
Dư luận đang xôn xao vì giám đốc, các chức
danh chủ chốt của 3 công ty công ích tại TP. HCM nhận mức lương cao vút, tới
hơn 200 triệu đồng/tháng (2,6 tỷ đồng/năm). Cho dù số tiền đang được thu lại,
nhưng điều này bộc lộ việc quản lý tiền lương, tài chính tại các DN này
"có vấn đề".
Trả lương theo cơ chế nào?
Với các doanh
nghiệp (DN) cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối, DN có vốn đầu tư
nước ngoài và DN tư nhân, việc trả lương thế nào là chuyện riêng của DN.
Đối với DN 100%
vốn nhà nước, việc chi lương phải theo các quy định cụ thể với mục đích nhằm
bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước trong DN. Các công ty do nhà nước
giữ cổ phần chi phối từ 51% trở lên cũng có quy định cụ thể và nhà nước thông
qua người đại diện phần vốn do mình cử tại các DN để yêu cầu DN và các cổ
đông khác tuân thủ.
Bởi vậy, theo
ông Đặng Như Lợi, chuyên gia về tiền lương, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban các
vấn đề xã hội của Quốc hội, DN nhà nước không thể tuỳ tiện chia tiền.
Hiện tại, các
công ty TNHH Một thành viên như mô hình hoạt động của ba DN trên, việc chi
lương được thực hiện theo Thông tư 27 ngày 14/9/2010 do Bộ Lao động- thương
binh và xã hội ban hành. Theo đó, quỹ lương thưởng của người lao động và quỹ
lương thưởng của lãnh đạo DN (bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty,
Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và Kiểm soát viên) tách bạch
với nhau.
Cụ thể, quỹ
lương thưởng của người lao động sẽ được tính dựa trên đơn giá tiền lương và
khối lượng công việc do nhà nước đặt hàng các công ty này. Quỹ tiền lương
cũng được xây dựng dựa trên định mức lao động của người lao động. Nếu năng
suất lao động cao thì tiền lương của người lao động cao.
Quỹ tiền lương
của các lãnh đạo DN tách bạch hẳn khỏi quỹ lương thưởng của người lao động.
Những lãnh đạo này được trả lương gắn với lợi nhuận của DN. Hàng năm, DN xây
dựng kế hoạch và đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch của mình để trình cơ quan quản
lý. Mức lương của các lãnh đạo DN được trả theo lợi nhuận kế hoạch. Trong
trường hợp DN đó đạt được lợi nhuận cao hơn kế hoạch thì quỹ lương của các
lãnh đạo DN được tăng theo một tỷ lệ nhất định, nhưng không quá tỷ lệ tăng
lương của quỹ lương người lao động.
Theo khẳng định
của bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà
nước TP HCM tại cuộc họp sáng 29/8 về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM 8
tháng đầu năm, việc lấy quỹ lương thưởng của người lao động trả cho lãnh đạo
DN là sai. Nếu tính theo quy định tại Thông tư 27, mức lương tối đa lãnh đạo
DN trong các công ty này được hưởng cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng,
không thể tới hơn 200 triệu đồng/tháng như vậy.
Nguồn ở đâu để trả lương nhiều thế?
Trong bối cảnh
đa số các DN đang khó khăn, vật lộn để giữ được việc làm cho người lao động,
thì một số DN này lại có mức lãi "khủng". Cụ thể, công ty TNHH Một
thành viên Thoát nước đô thị tăng lợi nhuận từ 18 tỷ đồng năm 2011 lên 64 tỷ
đồng năm 2012, công ty TNHH Một thành viên cây xanh thành phố năm 2012 được
ngân sách "rót" 300 tỷ đồng và 70 tỷ đồng từ doanh thu ngoài...Tuy nhiên,
theo ông Đặng Như Lợi, trong trường hợp các DN này có lợi nhuận cao, việc
quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận trong các DN này cũng phải tuân thủ
theo quy định, không thể tuỳ tiện.
Cụ thể, việc
quản lý tài chính và phân phối lợi nhuận của các DN này được thực hiện theo
Thông tư 117/2010 ngày 5/8/2010 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cơ chế tài
chính trong công ty TNHH Một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và Thông
tư 138/2010 ngày 17/9/2010 hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với công
ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu cũng do Bộ Tài chính ban
hành.
Theo đó, trong
trường hợp DN có lợi nhuận, sau khi bù đắp lỗ của các năm trước theo quy định
của Luật thuế thu nhập DN và nộp thuế thu nhập DN, lợi nhuận sẽ được phân
chia: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng
(nếu có), bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ
vào lợi nhuận trước thuế, trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính (khi số dư quỹ
bằng 25% vốn điều lệ thì không trích nữa), trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi
nhuận sau thuế theo tỷ lệ đã được Nhà nước quy định đối với công ty đặc thù
mà pháp luật quy định phải trích lập.
Số lợi
nhuận còn lại sau khi trừ đi các nội dung quy định được phân
phối theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động bình quân
trong năm. Lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động được phân phối vào quỹ
đầu tư phát triển của công ty, quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công
ty.
Lợi nhuận được chia theo vốn thuộc chủ sở hữu đầu tư tại công ty được sử dụng như sau: Đối với công ty chưa được đầu tư đủ vốn điều lệ thì phần lợi nhuận này được dùng để đầu tư bổ sung cho đủ mức vốn điều lệ của công ty đã được phê duyệt. Nếu công ty đã đủ vốn điều lệ thì số tiền này được báo cáo để đưa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương.
Như vậy ở đây
cơ quan quản lý cần làm rõ, bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của DN có được từ
phần vốn nhà nước và bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ phần vốn DN tự huy
động. Trong trường hợp DN có lợi nhuận từ phần vốn tự huy động, việc trích
một phần lợi nhuận này vào quỹ thưởng Ban quản lý điều hành DN là không sai.
Từ phát hiện
của Sở Lao động- thương binh và xã hội TP HCM về việc trả lương của các DN
công ích này, hé lộ thêm một thực tế khác về việc quản lý tài chính trong các
DN. Việc tuỳ tiện trả lương thưởng không theo quy định cho thấy ở những DN
này hoàn toàn có thể có chuyện quản lý tài chính trong DN bị buông lỏng,
không theo quy định. Ông Lợi cho rằng, trước những nghi ngờ, cần có cơ quan
thanh tra, kiểm toán vào cuộc để làm rõ các vấn đề, mà không nên chỉ dừng ở
việc thu hồi tiền lương đã chi sai quy định.
(Theo TuanVietNam) Tây Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét