Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

19:40

 CNN "bắt mạch" 5 lý do để Mỹ đánh Syria

 

Dân Việt - Frida Ghitis- chuyên gia phân tích chính trị thế giới của hãng tin CNN, đã đưa ra 5 lý do để Mỹ “phải” can thiệp vào Syria, dựa trên tinh thần : “Không hành động là nguy hiểm hơn”.

                                    
Theo Frida Ghitis, thế giới đang nín thở dõi theo những bước đi của Mỹ trong việc có can thiệp quân sự vào Syria hay không. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, Mỹ không có cảm giác “ngon miệng” cho chiến dịch quân sự ở nước ngoài (nếu có) lần này. Đối với những người cực lực phản đối việc can thiệp này thì lý do rất đơn giản: Syria quá xa xôi, chẳng phải việc của nước Mỹ!

Những người hoài nghi đã đúng một phần khi nói rằng, hành động can thiệp quân sự sẽ để lại những hậu quả không lường trước được. Nhưng như vậy không có nghĩa là “không làm gì”. Những người ủng hộ sự can thiệp thì cho rằng:

“Không hành động là nguy hiểm hơn. Và thông minh hơn là hành động hạn chế để tránh rủi ro. Trên thực tế, Syria có vẻ xa xôi, nhưng mỗi ngày trôi qua, những đau đớn, thiệt hại, chết chóc và tàn phá ở quốc gia Trung Đông này đang trở thành vấn đề của thế giới, trong đó, với vị trí là siêu cường số 1, Mỹ không thể làm ngơ". 

Dưới đây là 5 lý do mà Frida Ghitis đưa ra để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao Mỹ lại “phải” tấn công Syria?”.
Nhiều nước đang "nín thở" theo dõi
Khi Tổng thống Mỹ nói rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học là vi phạm đến “vạch đỏ”, điều đó có nghĩa, những chính phủ khác đang nằm trong diện nghi vấn cũng phải suy xét và đặt sự chú ý cao độ về những diễn biến ở Syria. Tổng thống Obama nói rằng, nếu vượt qua “vạch đỏ”, chắc chắn Mỹ sẽ cho một bài học bởi như vậy là đe dọa đến lợi ích của Mỹ và an ninh khu vực trong tương lai.
Thông điệp và cảnh báo này có thể được bỏ qua ở rất nhiều nước khác, tuy nhiên, ở những quốc gia như Iran, Triều Tiên- nơi mà chương trình hạt nhân đang còn nhiều tranh cãi, những diễn biến ở Syria có thể sẽ giúp định hình được những chính sách và cách hành động của Mỹ đối với họ.
Không để tạo cơn sốt vũ khí hóa học
Nếu không “dằn mặt”, nhiều khả năng vũ khí hóa học sẽ được sử dụng tràn lan trong các chiến trường trong thời gian tới, đó là cảnh báo của các chuyên gia. 

Theo Frida Ghitis, nếu như, đã xác định chắc chắn rằng, Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, thì Mỹ bắt buộc phải có hành động để “dằn mặt” và ngăn chặn những hành động sát hại dân thường kinh khủng như vậy trong tương lai. 

Hơn 100.000 người dân Syria đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến, trong khi đó còn có rất nhiều người đang đau đớn với di chứng của chiến tranh… những nỗi thống khổ của người dân trong cuộc chiến này đang thức tỉnh lương tâm của nhân loại.
Trên thực tế, trong những năm qua, nhiều quốc gia đã xích lại gần nhau hơn trong việc phát triển các lệnh cấm quốc tế về vũ khí hủy diệt này.
Nếu bỏ qua cho Syria, khi đã chắc chắn rằng ông Assad đã vượt qua “vạch đỏ”, thì đây không phải là lần cuối mà thế giới biết rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc chiến. Và điều đó cũng có nghĩa rằng trong những chiến trường khác trong tương lai, loại vũ khí này cũng sẽ không xa lạ gì.
Vũ khí hóa học không chỉ hấp dẫn các nhà lãnh đạo không muốn từ bỏ quyền lực, mà còn hấp dẫn các nhà lãnh đạo hiếu chiến khác và đặc biệt là vũ khí lý tưởng cho các nhóm khủng bố trên toàn cầu.
Cuộc chiến tranh đang lan rộng, các lựa chọn đang ngày càng xấu đi
Mỹ đã hầu như giữ khoảng cách của mình trong cuộc nội chiến Syria 2 năm trước, Tổng thống Obama tuyên bố rằng Tổng thống Bashar al-Assad phải đi. Một năm trước, ông Obama đã vẽ ra khái niệm “vạch đỏ” như một lời cảnh báo, nhưng thực tế, tình hình không tốt lên mà lại có phần tồi tệ hơn.
Mỹ đã phải cung cấp tài liệu và trợ giúp hậu cần cho nhóm đối lập. Nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng phe đối lập bị yếu thế, trong khi mục tiêu để ông Assad từ chức càng xa vời. Chưa kể đến việc nếu “túng quá”, phe đối lập Syria sẽ cần đến viện trợ từ các nhóm khủng bố như Al Qaeda.
Trong khi đó, chiến tranh đang bùng nổ bên ngoài biên giới Syria.Hàng triệu người Syria đã rời bỏ nhà cửa của họ để chạy sang Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và thậm chí cả Israel, khiến cho các quốc gia này cũng trở nên khó khăn. Cuộc chiến tranh đe dọa nhấn chìm khu vực Trung Đông- khu vực dễ bất ổn nhất của thế giới. Trong khi nơi đây cũng lại là nguồn cung cấp dầu chính cho toàn thế giới và nó nằm tại “ngã tư” của thương mại toàn cầu.
Không hành động sẽ trao chiến thắng cho al-Assad
Chính quyền Obama bị giằng co trước quyết định về một cuộc tấn công chống lại Syria nhằm trừng phạt Tổng thống Syria al-Assad và gửi một thông điệp tới toàn thế giới, chứ không phải tìm cách thay đổi quá trình của cuộc nội chiến này.
Tuy nhiên, với những người có quan điểm hiếu chiến thì cho rằng, nếu Obama không hành động, điều đó đồng nghĩa với việc Assad đã thắng!.
Thù hận sẽ kéo dài thảm kịch
Cuộc nội chiến ở Syria đã diễn ra trong 2 năm rưỡi. Trong thời gian đó, sự tàn sát, bạo lực và tàn phá không ngưng nghỉ. Đặc biệt là sự phân chia sắc tộc, bè phái càng trở nên sâu sắc và khó hàn gắn ở quốc gia Trung Đông này.
Ban đầu, tất cả chỉ là một cuộc nổi dậy hòa bình đòi hỏi một nhà lãnh đạo lâu đời phải từ chức và cho phép một chính phủ dân chủ đại diện cho các tôn giáo khác nhau và các dân tộc ở Syria. Nhưng rồi, cuộc nổi dậy đã biến thành bạo loạn và tình trạng càng rối ren hơn khi nó biến hẳn thành một phe đối lập với vô vàn sự thù hận từ những người mang sắc tộc khác nhau như người Sunni, người Shiite, Allawites, các Kitô hữu, người Kurd và những người khác.

Trên thực tế, không có cái gì nguy hiểm và dai dẳng hơn là sự thù hằn sắc tộc, nó âm ỉ cháy từ thời đại này, qua thời đại khác để rồi bùng thành một cuộc chiến tranh khi có thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét