Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

15:33

 Vì đâu chiến lược Trung Đông của Mỹ thất bại?

SGTT.VN - Tháng này, Trung Đông có vẻ trở lại thời hỗn mang: Iraq tiếp tục chia tách, nội chiến Syria vẫn ầm ào đẩy bạo lực lan sang Lebanon và những cáo buộc tấn công vũ khí hóa học, trong khi Ai Cập ở bờ vực nội chiến khi quân đội đàn áp Anh em Hồi giáo và đám đông đốt phá nhà thờ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi bạo lực Ai Cập là do người Do Thái; trong khi khá nhiều người khác qui trách nhiệm cho Mỹ.
Theo phân tích trên Wall Street Journal của Walter Russell Mead, giáo sư Đối ngoại và Nhân văn tại ĐH Bard, chiến lược Trung Đông của Mỹ đã thất bại.
Mỹ dự kiến hợp tác với những nhóm Hồi giáo ôn hòa như là Đảng AK của Thổ Nhĩ Kỳ và Anh em Hồi giáo của Ai Cập để làm cho Trung Đông dân chủ hơn.
 
Bạo lực tại Syria có nguy cơ lan sang các nước láng giềng. 
Đây sẽ là một mũi tên nhắm ba đích. Đầu tiên, bằng cách thỏa hiệp với các nhóm này, chính phủ Obama sẽ thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và cánh giữa ôn hòa trong thế giới Hồi giáo. Thứ hai, khi chứng tỏ cho người Hồi giáo thấy rằng những đảng phái ôn hòa có thể đạt kết quả, Mỹ sẽ cô lập và đẩy phe khủng bố và cực đoan ra ngoài lề thế giới Hồi giáo. Cuối cùng, những đảng phái ôn hòa với sự ủng hộ của Mỹ có thể mang lại dân chủ cho nhiều nước ở Trung Đông, cải thiện kinh tế xã hội, dần dần hủy diệt cái xấu và nỗi bất bình từng đẩy một số người tham gia các tổ chức khủng bố.
GS Mead ghi nhận năm sai lầm chiến lược của Nhà Trắng: hiểu sai sự trưởng thành chính trị và năng lực của các nhóm Hồi giáo mà Mỹ ủng hộ; hiểu sai chính trường Ai Cập; hiểu sai tác động của chiến lược đối với hai đồng minh quan trọng nhất khu vực (Israel và Saudi Arabia); không nắm động lực mới của các phong trào khủng bố và cuối cùng là đánh giá thấp hậu quả của việc không hành động ở Syria.
Chính sách Trung Đông của Mỹ trong vài năm qua dựa trên lòng tin rằng các phong trào Hồi giáo chính trị tương đối ôn hòa trong khu vực đã trưởng thành về chính trị và có năng lực điều hành tốt và khôn ngoan. Nhận định này tỏ ra chỉ đúng phân nửa trong trường hợp đảng AK của Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến gần đây, cho dù có những sai lầm, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan có vẻ đang cai trị Thổ Nhĩ Kỳ một cách hiệu quả vừa phải và dân chủ vừa phải. Nhưng dần dần, chính phủ Erdogan đe dọa truyền thông, bắt bớ nhà báo, truy tố không minh bạch những đối thủ chính trị và đàn áp thô bạo người chống đối.
Tình hình trở nên gay gắt đến nỗi Thủ tướng Erdogan, từng được xem là một trong năm lãnh đạo thế giới thân với Obama nhất, giờ đây bị chính phủ Mỹ lên án là bài Do Thái và đứng sau vụ lật đổ TT Mohammed Morsi của Ai Cập.
Tuy nhiên, so với Morsi, ông Erdogan vẫn còn cai trị hiệu quả và khôn ngoan hơn. Morsi và Anh em Hồi giáo không sẵn sàng cho “giờ vàng”, không hiểu những giới hạn của quyền lực, lóng ngóng xoay sở với một nền kinh tế vỡ vụn, quản lý kém cỏi và được chăng hay chớ, đến nỗi hàng chục triệu người dân Ai Cập phải quay sang ca ngợi cuộc đảo chính lật đổ.
Một sai lầm lớn khác của Nhà Trắng là hiểu sai bản chất biến động chính trị của Ai Cập, khi cho rằng những gì đã xảy ra ở Ai Cập là một “sự chuyển tiếp sang dân chủ”. Thực tế điều này không bao giờ xảy ra.
Cái đã xảy ra ở Ai Cập là quân đội tin rằng một TT Hosni Mubarak già nua đang cố gắng sắp xếp con trai kế vị, biến Ai Cập từ một nền cộng hòa quân sự sang một nước phong kiến. Các tướng lĩnh chống đối, khi bất ổn nổ ra thì quân đội tránh né, mặc Mubarak sụp đổ. Vốn mạnh mẽ hơn phe tự do dễ kích động hay Anh em Hồi giáo vụng về, quân đội giờ đây hành động để khôi phục hình thức chính phủ mà Ai Cập đã có kể từ thập niên 1950. Phần lớn những người tự do giờ đây có vẻ hiểu rằng chỉ quân đội mới có thể bảo vệ họ trước Hồi giáo, và người Hồi giáo đang hiểu rằng quân đội vẫn còn quyền lực, trong khi người Mỹ và người châu Âu vẫn luôn bận rộn và cố gắng thúc đẩy một giai đoạn chuyển tiếp dân chủ không hề tồn tại.
Vấn đề kế tiếp là chính phủ Obama hiểu sai tác động của chiến lược đối với quan hệ với IsraelSaudi Arabia.
Nhiều người Mỹ không hiểu người Saudi không thích nhóm Anh em Hồi giáo và người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào. Không phải tất cả người Hồi giáo đều hòa thuận, người Saudi từ lâu xem Anh em Hồi giáo là một đối thủ nguy hiểm trong thế giới Hồi giáo Sunni. Thủ tướng Erdogan khao khát hồi phục thời vàng son Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ khi trung tâm của Hồi giáo Sunni ở Istanbul, và mong muốn này là mối đe dọa trực tiếp cho vị thế đứng đầu của Saudi. Việc Qatar và hãng tin Al Jazeera hăng hái hỗ trợ tiền, ngoại giao và quảng cáo cho người Thổ và Ai Cập chỉ làm Saudi giận dữ hơn. Khi người Mỹ ủng hộ trục này, tất yếu Saudi muốn giảm bớt ngoại giao với Mỹ.
Vấn đề khác là chính phủ Mỹ đánh giá quá thấp sức sống và khả năng thích nghi của các phong trào khủng bố. Cái chết của Osama bin Laden là một chiến thắng quan trọng, nhưng ngăn chặn hiệu quả tổ chức al Qaeda ở AfghanistanPakistan chỉ là một cú nốc ao tạm thời. Ngày nay có thể nhìn thấy phong trào khủng bố hồi sinh trên mặt trận Libya-Mali, bắc Nigeria, Syria, Iraq, Yemen và những nơi khác. Việc Mỹ đóng cửa 20 sứ quán trong tháng này là một thắng lợi tinh thần của phe khủng bố, chứng tỏ các nhóm này đã lấy lại khả năng tác động đến hành động của Mỹ.
Cuối cùng, do lo ngại cái giá phải trả nếu can thiệp vào Syria, chính phủ Mỹ không hiểu được đủ sớm là sẽ phải tốn kém hơn bao nhiêu nếu không hành động. Khi chiến tranh kéo dài, tổn thất nhân mạng tăng lên, lòng căm thù dâng tràn giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc gần như bảo đảm kéo theo làn sóng đàn áp đẫm máu và bất ổn lan tràn từ Syria vào Iraq, Lebanon và cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, việc Mỹ không thể can thiệp sớm ở Syria đã trao những chiến thắng quan trọng cho các nhóm khủng bố và cả trục Nga-Iran. Nga và Iran ủng hộ Bashar al-Assad, trong khi Obama kêu gọi lật đổ Assad nhưng không thành. Đối với những người dân Trung Đông có đầu óc thực tế, đây là bằng chứng thuyết phục rằng tổng thống Mỹ hiển nhiên kém cỏi.
Chiến tranh Syria kéo dài cũng tạo điều kiện để các nhóm khủng bố xây dựng lực lượng. Các nguồn tài trợ ở vùng Vịnh nối lại liên hệ với các nhóm chiến binh Hồi giáo. Hàng ngàn kẻ cực đoan được huấn luyện để rồi trở về quê hương với kỹ năng mới, ý tưởng mới và quan hệ mới. Sự phát triển lực lượng này chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với chiến binh Hồi giáo gốc ở Afghanistan. Afghanistan là một nơi chốn hoang dã và xa xôi (như nhiều người dân Trung Đông vẫn tin) trong khi Syria là trung tâm của khu vực.
VÕ PHƯƠNG (WSJ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét