Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

22:01

Cuộc đảo chiều của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng


Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Theo một báo cáo của quỹ đầu tư Bridgewater Associates LP lớn nhất thế giới và được biết đến qua những phân tích về kinh tế toàn cầu, lần đầu tiên kể từ giữa năm 2007, các nền kinh tế phát triển - trong đó có Nhật Bản, Mỹ và châu Âu - đang cùng nhau đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu (có quy mô 74.000 tỷ USD) nhiều hơn các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, khi chiếm khoảng 60% trong xấp xỉ 2.400 tỷ USD sản lượng tăng thêm của kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Điều đó cho thấy vai trò đầu tàu tăng trưởng mà nhóm nước mới nổi đảm đương kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 đang được trả lại cho khối kinh tế phát triển.
Các trung tâm kinh tế mạnh đang trở lại
Một trong những lực đẩy cho sự dịch chuyển đó trong kinh tế toàn cầu là sự hồi sinh của nước Nhật sau nhiều năm là điểm yếu của kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý II/2013 tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức đã được điều chỉnh là 3,8% trong quý Một. Tuy nhiên, đây vẫn là những con số có ý nghĩa lớn đối với một nền kinh tế đã trải qua nhiều năm trì trệ.
Gần đây, kinh tế Nhật Bản đón nhận những dấu hiệu rất đáng mừng. Trong tháng Sáu, giá tiêu dùng đã chuyển hướng tăng cao hơn lần đầu tiên trong 14 tháng, mang đến hy vọng cho nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài trong gần hai thập niên.
Trong khi đó, tiêu dùng - đóng góp khoảng 60% GDP - tăng thực tế 0,8% trong quý II/2013, quý tăng thứ ba liên tiếp, trong lúc lòng tin tiêu dùng được cải thiện khi giá cổ phiếu tăng cao.
Đồng thời, xuất khẩu trong quý vừa qua tăng 3%, quý tăng thứ hai liên tiếp, với sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách thúc đẩy kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng đã làm giảm giá đồng yen.
Trong khi đó, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ được ví như đợt triều dâng, nâng các nền kinh tế khác cùng đi lên.
Trong quý Hai vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 1,7%, tăng so với các mức 1,1% trong quý Một và 0,1% trong quý Tư năm ngoái, một phần lớn nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng.
Người tiêu dùng Mỹ đã là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu suốt thập kỷ qua cho tới khi suy thoái kinh tế bắt đầu năm 2007 khiến nhu cầu sụt giảm. Chi tiêu dùng tại Mỹ vẫn giữ đà tăng từ đầu năm tới nay bất chấp thuế tăng, tăng trưởng việc làm, lương ở mức vừa phải.
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay, đạt khoảng 2,5%, khi tăng trưởng việc làm ổn định, giá nhà tăng, thị trường ôtô phục hồi mạnh và tình hình tại châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác sáng sủa hơn.
Thị trường ôtô Mỹ trong tháng 7/2013 đã đạt mức trước khủng hoảng, với doanh số bán xe đạt mức cao nhất trong vòng bảy năm qua.
Trong khi đó, giá nhà ở tại Mỹ trong tháng Năm vừa qua tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2012, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2006. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Bảy vừa qua giảm xuống 7,4%, mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Trong khi đó, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử, khi các số liệu công bố ngày 14/8 cho thấy GDP của 17 nền kinh tế thành viên tăng 0,3% trong quý Hai vừa qua.
Bên cạnh đó, không khí lạc quan cũng trở lại với châu Âu nhờ một loạt chỉ số kinh tế tích cực như thất nghiệp giảm, sản xuất công nghiệp tăng và lòng tin kinh doanh được cải thiện. Là khu vực thương mại lớn nhất thế giới, những dấu hiệu phục hồi dù là nhỏ nhất tại châu Âu cũng là điềm lành đối với kinh tế toàn cầu trong thời gian từ nay tới hết năm.
Nhóm nước mới nổi có triệu chứng "hụt hơi"
Người ta bắt đầu nói đến chuyện kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không giữ vững được đà tăng trưởng trong những năm gần đây.
Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sụt giảm dần, xuống đến 9,3% năm 2011 và sau đó là 7,8% năm 2012, mức tăng chậm nhất trong 13 năm qua.
Sang năm nay, nền kinh tế này tiếp tục giảm tốc, từ 7,7% trong quý Một xuống 7,5% trong quý Hai, quý thứ chín trong 10 quý trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc yếu đi. Những số liệu kinh tế này cho thấy một thực tế là thời kỳ tăng trưởng trung bình trên 9% trong ba thập niên qua của Trung Quốc dường như đã đi vào dĩ vãng.
Về nguyên nhân tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, có rất nhiều yếu tố như sức sản xuất giảm kéo theo tỷ lệ đầu tư đi xuống, tình hình kinh tế thế giới ảm đạm cũng như một số nước thực hiện chính sách nới lỏng định lượng khiến đồng Nhân dân tệ tăng giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu, trong khi chi phí nhân công tăng.
Việc Chính phủ Trung Quốc chủ động điều chỉnh mô hình tăng trưởng, ổn định hệ thống tài chính cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ở một nền kinh tế mới nổi khác là Brazil, tăng trưởng kinh kế trong quý I/2013 thấp một cách đáng thất vọng là 0,6%, sau khi chỉ đạt mức 0,9% trong năm 2012, so với con số 2,7% trong năm 2011 và 7,5% năm 2010.
Brazil đang cảm nhận được những tác động từ sự suy giảm kinh tế tại Eurozone, sự phục hồi chậm chạp tại Mỹ và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, trì trệ một phần vì nhu cầu của Trung Quốc với các mặt hàng của nước này như quặng sắt giảm đi.
Kinh tế Nga trong quý II/2013 chỉ tăng trưởng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng trưởng vốn đã thấp 1,6% trong quý I/2013 cũng như mức dự báo tăng 1,9% của Bộ Kinh tế Nga.
Theo ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, mức tăng trưởng của quý II vừa qua là thấp nhất kể từ quý IV/2009 và là quý thứ sáu liên tiếp đà tăng trưởng kinh tế của Nga suy giảm. Ngân hàng này cho rằng nguyên nhân là do tình trạng chậm lại trong cả tiêu thụ, đầu tư và xuất khẩu.
Còn tại Ấn Độ, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5% trong năm tài chính 2012-2013 (kết thúc ngày 31/3/2013), mức thấp nhất trong vòng một thập niên.
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài như sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, nguyên nhân của việc tăng trưởng giảm xuống thấp còn là do tình trạng “thắt cổ chai” trong cơ cấu kinh tế, lòng tin kinh doanh, nguồn vốn đầu tư sụt giảm, khi lạm phát, thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn cao.
Trong tình hình hiện nay, tiến triển rất đáng hoan nghênh ở các nền kinh tế phát triển là tin tốt lành, có thể giúp các nền kinh tế mới nổi ổn định tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu. Xuất khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ tăng trở lại trong tháng Bảy, sau khi giảm trong tháng Sáu. Xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ và châu Âu tăng mạnh, củng cố nhận định rằng nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển sẽ kéo các thị trường mới nổi lên.
Mọi chuyện vẫn có thể thay đổi
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ các nước phát triển sẽ không giúp ích nhiều cho tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi dựa vào xuất khẩu như trước đây.
Trước hết là nhu cầu của người Mỹ với hàng nhập khẩu không mạnh như trước và sự phục hồi của kinh tế Mỹ không chỉ nhờ tiêu dùng mà còn nhờ những lĩnh vực ít liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa như bất động sản.
Tiếp theo đó, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản gắn liền với sự xuống giá mạnh của đồng yên, khiến cho hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn và có nghĩa người Nhật Bản sẽ có xu hướng chọn mua hàng nội địa nhiều hơn. Đồng thời, sự phục hồi mới bắt đầu của châu Âu chưa làm cho hoạt động thương mại gia tăng như kỳ vọng của các nền kinh tế mới nổi.
Bên cạnh đó, khi các nền kinh tế lớn như Mỹ phục hồi, chính sách tiền tệ được thắt chặt, lãi suất tăng lên thì sức hấp dẫn của các thị trường mới nổi sẽ giảm và các dòng vốn sẽ chuyển hướng quay về Mỹ.
Trong vòng hai tháng qua, các quỹ nước ngoài đã rút 11,58 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu Ấn Độ. Những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm chấm dứt chương trình mua trái phiếu có trị giá lên tới 85 tỷ USD/tháng đã khiến đồng tiền của các nước mới nổi, trong đó có đồng rupee Ấn Độ, bị mất giá nghiêm trọng.
Hơn thế nữa, dù tình hình đã ổn định, các nền kinh tế phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm. Với Mỹ, nền kinh tế dù đang tiếp tục tăng trưởng song mức tăng vẫn dưới 2%, quá thấp để có thể hạ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.
Với Nhật Bản, việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong quý Hai gây nghi ngại liệu nước này có tiến hành tăng thuế tiêu dùng theo lộ trình đã đề ra nhằm giảm nợ công đang ở mức tồi tệ nhất trong số các nước phát triển.
Tại châu Âu, tăng trưởng chỉ mới trở lại và còn rất thấp, trong lúc một số quốc gia thành viên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp quá cao. Khi việc thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết nhưng đầy khó khăn vẫn đang trong giai đoạn đầu, khu vực này vẫn còn "một chặng đường rất dài ở phía trước.
Vì thế, sự xoay chuyển cục diện trong nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể bị đảo ngược nếu các nền kinh tế mới nổi tăng tốc trở lại kể cả là không nhiều. Nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dù không được như trước đây. Mục tiêu tăng trưởng cả năm chính thức ở mức 7,5% của Trung Quốc là thấp nhất kể từ năm 1990, nhưng vẫn vượt xa so với tốc độ tăng trưởng khoảng 2% của Mỹ.
Có lẽ cũng cần phải nhắc lại rằng trước đây cũng đã từng xuất hiện những dấu hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhưng sau đó sức phục hồi đã bị mất dần. Đó là vào thời điểm đầu năm 2011, khi các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu đã có tín hiệu cải thiện, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone vẫn ngày một tồi đi. Hai đợt nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu khi đó đã bóp nghẹt tín dụng, đặc biệt là tại Nam Âu, gây khó khăn cho các nền kinh tế khu vực./.
                                               Lê Minh (TTXVN) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét