Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

07:34

 Sự nghiệp của Đảng dài hơn đời người


TT - Mở đầu cho bài này, tôi xin khẳng định điều đầu tiên: tôi đã từng công tác chung với anh Lê Hiếu Đằng từ những ngày ở trong rừng, sau này lại tiếp tục gắn bó với nhau trong những vị trí công tác ở TP.HCM.
Tôi với anh, cũng như với các anh khác đã, đang và vẫn luôn luôn là những người bạn thân thiết, đã từng có những bữa uống rượu, bàn chuyện đời quên trời quên đất.
Nay, đọc bài anh viết trên giường bệnh, cả các bài anh trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, tôi cảm thấy Lê Hiếu Đằng hôm nay khác xa với Lê Hiếu Đằng hôm qua, khi chúng ta cùng nhau xuống đường, trải qua những trận đàn áp khốc liệt, cùng vác balô vào rừng chịu đựng bao gian khổ, bao trận càn dữ dội, kể cả khi hòa bình anh đứng trên bục giảng cho học viên bao điều khoa học, tâm huyết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam...
Tôi rất chia sẻ với anh những tâm sự của một người rất tâm huyết với đất nước, đã dấn thân vì nước từ những ngày còn rất trẻ.
Chúng ta đều là trí thức, từ ngày cùng nhau bước vào con đường cách mạng, ai cũng đã thấu hiểu mình đấu tranh, hi sinh cho một lý tưởng: lý tưởng cộng sản, không có mục đích nào khác là xả thân cho Tổ quốc, nhân dân.
Con đường ấy chúng ta đi, có thăng có trầm. Cách mạng không phải một đường thẳng. Những sai lầm trong quản lý kinh tế, trong chính sách, chủ trương sau năm 1975 là có thật, rất nghiêm trọng, đã được nhìn nhận đầy đủ.
Sai lầm ấy đã được sửa chữa và chúng ta đã đi đến đường lối đổi mới. Không nên nhìn quá cực đoan mà cần nhìn trong tinh thần xây dựng.
Chúng ta phải cùng nhau sát cánh đấu tranh để mạnh hơn, cùng nhau vượt qua những sai lầm, những khó khăn, phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để có thái độ ứng xử đúng đắn thì mới có thể tiếp tục cùng nhau đi tới.
Tôi thật buồn khi đọc những dòng anh viết: “Tôi xin “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam và với bản thân cuộc đời của tôi”. Anh Đằng ơi, ừ thì khi về già, ta có thể nhìn lại cuộc đời mình, có thể tính sổ cuộc đời mình, chứ sao lại tính sổ với Đảng.
Đảng của chúng ta từ ngày ra đời đến nay đã 83 năm, so với tuổi thọ của một người vẫn còn chưa được coi là dài, nhưng Đảng đã cùng nhân dân kiên cường vượt qua biết bao phong ba, bão táp, đương đầu với mọi kẻ thù, chịu đựng bao gian khổ, hi sinh.
Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường và trong lao tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình - độc lập - thống nhất cùng 27 năm đổi mới đất nước như hôm nay. Những thành tựu ấy đều mang ý nghĩa lịch sử đáng tự hào. Lịch sử của Đảng, sự nghiệp của Đảng là do, và phải do nhiều người, nhiều thế hệ vun bồi chứ đâu thể đòi hỏi phải tính những thành bại gọn trong một đời người.
Chúng ta không thể đánh mất những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được bằng xương máu của chính mình, của đồng đội mình và của cả dân tộc.
Anh hãy nhớ lại lịch sử: 68 năm trước, khi thành lập Chính phủ độc lập, Bác Hồ đã mời nhiều đảng, nhiều nhân sĩ trí thức với những xu hướng chính trị khác nhau cùng tham gia chính quyền, cùng chống Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình độc lập, thống nhất đất nước.
Ngày càng về sau, đối mặt với chiến tranh khốc liệt, với sống chết, nhiều đảng đã rời bỏ cuộc kháng chiến, thậm chí có đảng còn quay lưng lại, chống phá cách mạng, chống lại nhân dân.
Không ai phủ nhận sự đóng góp của những người ngoài Đảng, của các phái khác như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh... nhưng Đảng Cộng sản vẫn là nổi bật nhất, một mực trung thành với nhân dân, với lý tưởng, xả thân hi sinh vì nước vì dân, xứng đáng làm ngọn cờ hiệu triệu hàng triệu người để bảo vệ đất nước.
Tôi và nhiều đảng viên khác cũng nhìn thấy rõ những sai lầm, những tiêu cực trong Đảng như anh, kể cả cấp cao nhất là Tổng bí thư cũng đã thừa nhận, nhưng chúng tôi vẫn đứng trong Đảng để đấu tranh, sửa chữa chứ không quay lưng chống lại Đảng. Ví von một cách hình ảnh: khi trong nhà có rác, hay tường, cột kèo có hư hỏng, chúng ta nên chọn giải pháp quét rác đi, sửa chữa chỗ dột, chỗ mục nát hay là đập bỏ, đốt nhà xây mới?
Tôi có gặp một số trí thức Việt kiều và bàn về vấn đề này. Không phải ai cũng tán thành chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhưng họ đều nói: “Anh em không ở ngoài nên không thấy sự ổn định chính trị của Việt Nam là vô cùng quý giá. Chúng tôi chỉ mong ổn định chính trị để về nước đầu tư, có thời gian xây dựng sự nghiệp và đất nước”.
Tôi là người trong cuộc, anh em mình đã từng kề vai sát cánh bên nhau nên tôi rất hiểu. Chúng ta lớn tuổi rồi, nhìn lại thấy mơ ước của mình chưa thành hiện thực, sốt ruột lắm.
Nhưng chúng ta đã được nhìn thấy ngày nay: vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm, xưa thế giới biết Việt Nam vì chiến tranh, nay biết Việt Nam vì có thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng, trình độ học vấn ngày một cao, mức sống cũng tăng lên nhiều lần.
Ta đã có hòa bình, độc lập, tự do và đang từng bước thực hiện quá trình dân chủ. Những thành quả ấy là vinh quang chứ, trong đó có cả phần của anh Đằng. Đã sốt ruột vì đất nước trì trệ, nếu không chung tay gánh vác sẽ còn trì trệ hơn.
Tôi cũng có một bài thơ viết cho cuộc đời sóng gió của mình, xin chép ra đây tặng anh:
Đời
Đời với ta tuy hai mà một
Ta với Đời tuy một mà hai
Đường đời còn lắm chông gai
Sao ta cứ mãi mê say với Đời
Ta nhờ người nên đời nên vóc
Đời cho ta trí óc thông minh
Cho ta chân cứng đá mềm
Cho lòng ta vững như kiềng ba chân
Ta với Đời mười phần trọn vẹn
Đời với ta như kiếm như gươm
Ta đưa Đời đến vinh quang
Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao
Đời làm ta lao đao lận đận
Không bao giờ ta hận với Đời
Đời gieo trăm đắng ngàn cay
Lòng ta vẫn mãi yêu Đời, Đời ơi.
Tôi rất xúc động khi đến thăm anh trên giường bệnh, nhìn gương mặt anh, thấy rõ tâm anh bất tịnh. Đức Phật đã nói: “Tâm bất tịnh thì thân thọ khổ”. Với tình đồng đội sống chết với nhau năm xưa, tôi nghĩ anh phải cố gắng giữ cho tâm được tịnh, để tâm hồn thanh thản hơn, sức khỏe tốt hơn và sẽ có cơ hội làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho đất nước ở tuổi “cổ lai hi” của chúng mình.
Cuối cùng, chắc anh Đằng vẫn nhớ lời hẹn cùng nhau uống rượu ngâm bao tử nhím với tôi sau khi trị bệnh chứ?
NGUYỄN CHƠN TRUNG (Sáu Quang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét