09:57
SGTT.VN - Với tư duy đột phá về “pháp nhân công quyền”, nội dung cơ bản của đề án Chính quyền đô thị của TP.HCM hứa hẹn mang lại chất lượng dịch vụ công tốt hơn cho dân. Tuy nhiên, người dân sẽ dễ hình dung hơn, thu được ích lợi nhiều hơn, nếu như dự thảo đề án có vài điều chỉnh về thuật ngữ. Các thuật ngữ này không làm thay đổi tính chất của mô hình, song nó có thể có những tác động không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của người dân.
“Thành phố” trong thành phố?
Một điểm khác biệt lớn giữa TP.HCM so với Hà Nội trong cách đặt tên đường, tên quận, tên phường (thường đánh theo số) rất ngắn gọn, mang lại tiện lợi cho người đang sống. Truyền thống này cần tiếp tục phát huy, khi lựa chọn tên gọi cho các “thành phố vệ tinh”.
Hiện nay, bốn thành phố vệ tinh được đề án đặt tên lần lượt là: Thành phố Đông, Thành phố Tây, Thành phố Bắc, Thành phố Nam. Theo tôi, nên rút ngắn lại là: Phố Đông, Phố Tây, Phố Bắc, Phố Nam. Việc rút ngắn tên gọi có ý nghĩa rất lớn trong các giao dịch thương mại, giấy tờ hành chính hiện nay. Mặt khác, từ Phố Đông, Phố Nam... sẽ giúp người dân dễ dàng phân biệt thành phố vệ tinh, với một thành phố thông thường theo cách hiểu của người Việt bấy lâu nay; tránh được thắc mắc “thành phố trong thành phố”, cũng tránh được hiện tượng “thành phố Hà Đông trở thành thị xã Hà Đông” như Hà Nội gặp phải.
Đổi tên “Uỷ ban hành chính quận”/huyện thành “Văn phòng hành chính quận”/huyện
Tên gọi uỷ ban hành chính (UBHC) như đề án sử dụng hiện nay có hai điểm bất cập:
Thứ nhất, khi dùng từ “uỷ ban” thường được hiểu là một cơ quan có thẩm quyền độc lập, có cơ chế thảo luận, biểu quyết... Trong khi đó từ “văn phòng” thường được hiểu là cơ quan đại diện, “thường trú”, “chi nhánh”, “đại lý” của một cơ quan khác, không có thẩm quyền độc lập mà chỉ thừa hành theo sự uỷ quyền của tổ chức mẹ. Từ “Văn phòng hành chính” sẽ phù hợp hơn với bản chất của “cánh tay nối dài” của chính quyền thành phố; tránh người dân nghi ngại “đề án chẳng giảm được cấp hành chính nào”.
Thứ hai, trong quá khứ (Hiến pháp 1946) và trong tương lai, từ “UBHC” được dùng thay thế từ UBND hiện nay. Nên nếu trong tương lai sửa đổi hiến pháp lần tiếp theo, phương án đổi tên UBND thành UBHC được chấp nhận, thì từ “UBHC cấp quận” theo mô hình CQĐT của đề án đề xuất sẽ lại gây sự hiểu nhầm hơn nữa.
Đổi tên “Uỷ ban hành chính cấp phường” thành “Văn phòng công dân”
Trong chu trình ra quyết định, tiếp nhận, xử lý hồ sơ hành chính, UBHC phường (theo đề án) là cổng giao tiếp đầu tiên, gần gũi dân nhất. Vì vậy, cơ quan này nên đặt tên là “Văn phòng công dân”. Việc đặt tên “Văn phòng công dân” sẽ phản ánh đúng chức năng của bộ phận này. Mặt khác, tên gọi này giúp phân biệt rõ chức năng của “cánh tay nối dài cấp cơ sở” và “cánh tay nối dài” ở cấp quận, phân biệt rõ với cổng giao tiếp cuối cùng là UBND xã ở vùng nông thôn.
Thực tiễn một số mô hình đô thị trên thế giới cũng thường gọi “cánh tay nối dài” (cấp cơ sở) này là Văn phòng công dân (Bürgeramt ở Đức/Citizen Center ở Hoa Kỳ).
(Theo SGTT)
Đây mới nói về chính quyền đô thị. Nhà nước ta vẫn là Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Vậy các tổ chức Đảng nằm ở đâu trong cơ cấu chính quyền đô thị?
Thương Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét