Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

09:42

 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Muốn có lợi ích, phải nhìn toàn diện

SGTT.VN - Nếu không biết phối hợp những lợi ích cũng như yêu cầu từ các khu vực kinh tế đan xen nhau thì chúng ta có thể sẽ quá quan tâm về hiệp định này, lại bỏ quên điểm mạnh ở hiệp định khác, và có khi doanh nghiệp Việt Nam chẳng thụ hưởng được gì.

 
65% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện do đóng góp của đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt NamẢnh: Minh Phúc

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhận định trên tại toạ đàm cập nhật đàm phán TPP do Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online và trung tâm WTO thuộc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 21.8 tại TP.HCM.
Theo bà Lan, một diễn biến rất đáng quan tâm đối với doanh nghiệp Việt Nam là trong khi TPP đang thúc đẩy tiến trình đàm phán thì các đối tác riêng lẻ của Asean là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand cũng tiến tới đàm phán thiết lập hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Asean + 6 (RCEP), quyết định thúc đẩy làm sao trong năm 2015 sẽ hoàn tất.
Câu chuyện chính: giá trị gia tăng
TPP theo đuổi cái chính là chất lượng của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, kế đến là đưa ra những tiêu chuẩn thống nhất cho hoạt động kinh doanh giữa các nước và cải cách thể chế của các nước cho thuận lợi, phù hợp với yêu cầu chung. Mong muốn RCEP đang hướng tới là tự do hoá thương mại tiếp để các nước mở cửa thị trường cho nhau, tiếp theo là thuận lợi hoá thương mại, kết nối mạng lưới kinh tế trong khu vực. Mục tiêu hai nhóm có khác nhau, nhưng lợi ích bổ sung cho nhau nếu như Việt Nam là thành viên của cả hai bên. Nếu không cẩn thận thì tất cả lợi ích từ mở cửa thị trường được kết nối bên này sẽ làm cho các nước không phải là thành viên TPP tận dụng vị thế của Việt Nam, khi đó Việt Nam danh nghĩa thì có nhưng lợi ích thì không bao nhiêu.
Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn tăng trưởng, nhưng 65% xuất khẩu của Việt Nam là trong tay các nhà đầu tư nước ngoài và không biết trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào. Cách đây ba năm, doanh nghiệp trong nước vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, hai năm nay các nhà đầu tư nước ngoài vượt lên, ngày càng lấn sâu về xuất khẩu của Việt Nam và đang vào cả thị trường nội địa.
Tỉnh táo nhìn toàn diện các đối tác. Đối với Việt Nam, câu chuyện chính vẫn là làm sao nâng cao được giá trị gia tăng của mình. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất cần, nhưng làm thế nào dung hoà lợi ích, không để Việt Nam biến thành cứ điểm thương mại của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không còn chỗ đứng.
Hy vọng cú hích mới
Thế giới đang nhìn lại giá trị của những dịch chuyển thương mại xuất nhập khẩu và trao đổi hàng hoá, dịch vụ, trước hết là sự phân phối lại các giá trị gia tăng là chủ yếu, chứ không phải là kim ngạch, là số lượng. Bản chất thương mại toàn cầu hiện nay là phân phối lại giá trị gia tăng. Rất khó tách biệt giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Nếu như WTO chia ra thành những hiệp định khác nhau để đưa ra những điều kiện tự do hoá thương mại thì bây giờ tất cả hàm lượng của công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đan xen nhau. Trong sản phẩm nông nghiệp phải có hàm lượng công nghiệp, dịch vụ thì mới có sức cạnh tranh. Về xuất xứ hàng hoá cũng phức tạp hơn, tách bạch hàm lượng từ đâu, là bao nhiêu.
Định hướng công nghiệp hoá của Việt Nam vào năm 2020 sẽ là gì đây, phải cần xem lại theo cách hiểu của thế giới hiện nay.
Câu hỏi lớn nhất về TPP đối với Việt Nam, là Việt Nam sẽ có một TPP với kết quả như hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) với Mỹ vào năm 2002, hay như kết quả với WTO vào năm 2007.
Nhìn lại, nền kinh tế Việt Nam đang ở đỉnh cao năm 1996 khi có chính sách đổi mới, nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính trong khu vực nên đi xuống. Năm 1999, có những thay đổi rất mạnh trong nước bằng việc luật Doanh nghiệp được ban hành và thực hiện từ năm 2000, đã tạo cơ sở cho khu vực kinh tế tư nhân bùng nổ và tạo sức ép cho các doanh nghiệp nhà nước tự cải cách mình. Nhờ đó bắt nhịp được thời cơ BTA, thị trường Mỹ mở ra cho Việt Nam, nền kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Cùng với BTA, Nhà nước quyết định tăng cường đàm phán với WTO và đưa ra một loạt cải cách tiếp, sửa đổi các luật thuế, đưa ra hơn 20 luật. Đến năm 2006, các nước thành viên WTO đều chấp nhận là luật pháp Việt Nam đã tương ứng được yêu cầu của WTO và chấp nhận cho Việt Nam gia nhập.
Cải cách rất mạnh của trong nước về thể chế thời gian đó đã đi cùng sự phát triển của doanh nghiệp, thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, đến lúc vào được WTO rồi thì dường như không chỉ doanh nghiệp ngộ nhận mà cả những người điều hành nền kinh tế cũng nhầm lẫn nghĩ tất cả đều tốt lắm rồi, các cải cách bị chậm lại và những năm sau này còn bị giảm xuống. Thay vì phải tiếp tục đổi mới doanh nghiệp thì Nhà nước cho những tập đoàn kinh tế ra đời, bơm ra những gói kích cầu mạnh mà không có kiểm soát, để thị trường bất động sản bị đẩy lên vô tổ chức để lại hậu quả hiện nay. Tất cả những điều đó làm cho kinh tế Việt Nam sau WTO lại đi xuống.
Giờ đến cột điểm mới được trông chờ – TPP, hy vọng sẽ là một cú hích, quan trọng là có những thế thua có thể nhìn thấy trước thì cố gắng chạy lên, đừng để phần thua về mình.
CÁC NGỌC (GHI)
Đang thiếu thông tin ảnh hưởng của TPP đến ngành nông nghiệp
Hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam” do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ diễn ra chiều ngày 22.8.2013.
TS Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng đồng bằng sông Cửu Long có ba mặt hàng chủ lực là lúa gạo, thuỷ sản và trái cây, gần như hội thảo nào, hội nghị nào về chủ đề này cũng rất nóng, và thực tế đến nay ba mặt hàng này đang rất lao đao. “Nên có những hội thảo bàn sâu về sự ảnh hưởng của TPP đối với những mặt hàng này để vùng ĐBSCL dễ tiếp cận. Có thể lồng ghép chung để giải quyết vấn đề thu hút FDI vào ĐBSCL đang quá thấp như hiện nay không?”, ông Dũng đề xuất.
Ông Lê Minh Trượng, giám đốc công ty lương thực Sông Hậu thừa nhận: “Thông tin về TPP còn mang tính chung chung, doanh nghiệp còn mơ hồ. Thật sự, chúng tôi rất cần những thông tin cụ thể cho mặt hàng lúa gạo sẽ gặp thuận lợi gì, khó khăn gì thì mới có thể dựa trên cơ sở đó để có thông tin phản hồi”.
Ngọc Bích
Thực chất TPP?
Những cuộc thương thảo trước tới nay về TPP đều diễn ra trong vòng bí mật, ngay cả Quốc hội Mỹ cũng không được biết, dù có yêu cầu. Tuy nhiên, về phía các chính phủ, bí mật là cần thiết trong thương lượng các thoả thuận; và, các chính phủ cũng không muốn từ bỏ các mục tiêu của mình. Có vẻ như bí mật không phải là mối quan tâm thực sự. Cái chính là bản chất của các thoả thuận.
Chúng ta nghĩ gì về những quy định sẽ đưa ra trong thoả thuận này? Không may thay, câu trả lời không luôn luôn là đồng ý hay không đồng ý. Quan điểm về các thoả thuận thương mại có thể biến động tuỳ theo phương diện đặc thù của thoả thuận. Hãy có một quan điểm về những chủ đề có thể được đưa ra.
Vượt lên trên thuế quan về hàng hoá, giải phóng thương mại và dịch vụ mới là một phần quan trọng của TPP. Giải phóng dịch vụ phức tạp hơn tự do thương mại về hàng hoá. Thuế quan dịch vụ đã giảm trong những năm gần đây, nhưng tạo những cơ hội to lớn để mở cửa những nền công nghiệp lâu nay vẫn đóng kín với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Chẳng hạn như dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ pháp lý và bảo hiểm…
K.T (NYT)
Liệu TPP có là “trái ngọt”
Trong khi chưa rõ cái lợi của TPP thì nhiều người đã biết có một cái trái ngọt, xưa nay dùng “miễn phí” thì sắp tới sẽ phải trả tiền, đó là tiền bản quyền, sở hữu trí tuệ (chủ yếu là các sản phẩm nước ngoài). Người dân sẽ phải móc hầu bao không ít.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét