19:47
"Ngồi mát" ăn lương khủng, tố tham nhũng thưởng "bèo"
Hai câu chuyện trái ngược nhau này khiến người ta không khỏi suy nghĩ về chuyện áp dụng cơ chế và cái tâm: Tâm của người quyết định thưởng với số tiền “bèo” và tâm của người tự “chia” cho mình số tiền quá lớn.
Khi nỗi bức xúc về mức thưởng quá “bèo” - 320.000 đồng cho người đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng chưa kịp dịu xuống thì dư luận lại "bùng lên" nỗi bức xúc về chuyện lương của lãnh đạo công ty thoát nước lên mức “khủng” 2,6 tỷ đồng/năm.
Có người đã đặt câu hỏi: Khi trao phong bì thưởng 320.000 đồng cho chị Nguyệt, lãnh đạo ngành Y tế có cảm thấy áy náy hay không? Còn một người khác thì viết: Khi "ngồi mát" mà nhận mức lương "khủng", lãnh đạo của công ty có thấy xấu hổ với những người lao động đang ngày đêm vất vả chui dưới cống để nhận mức lương "bèo" hay không?
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ông Bùi Sỹ Lợi, chưa thể đánh giá đằng sau chuyện sếp DN công ích được trả lương khủng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, nhưng rõ ràng đây là một cơ cấu tiền lương không thực chất, không đánh đúng năng suất lao động, không phản ánh đúng cơ cấu tiền lương theo giá thành sản phẩm. Nó cũng chưa thể hiện sự công bằng giữa lao động quản lý và lao động sản xuất.
"Tiền lương phải phản ánh giá trị lao động. Nếu tiền lương lớn như vậy thể hiện đánh giá giá trị lao động như thế nào và có cân bằng với người lao động trực tiếp không? Chênh lệch tiền lương giữa người quản lý và người lao động quá lớn. Rõ ràng, xét về mặt bản chất thì giá cả sức lao động là đúng, nhưng giá cả sức lao động trong điều kiện một đất nước có năng suất lao động như thế này thì lương như vậy quả là “khủng”" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.
Vậy, theo ông "lỗ hỏng" đây là gì?
Có hai việc, một là các cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét lại hệ thống định mức, đơn giá tiền lương, cách thức trả lương, cơ cấu giá thành để xem xét trả lương một cách hợp lý. Hai là tuy tiền lương phải được cải thiện, phải được nâng lên, đảm bảo yêu cầu của người lao động, nhưng nó phải thể hiện được giá thành của sản phẩm. Nếu kết cấu tiền lương lớn quá thì giá thành sản phẩm sẽ cao, người tiêu dùng sản phẩm sẽ phải chịu chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng quá lớn trong giá thành sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu xem xét, làm sao cho tỷ trọng tiền lương trong giá thành sản phẩm phải hợp lý, sản phẩm tiêu thụ mới đáp ứng được nhu cầu mà không làm ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.
Nhưng lãnh đạo DN công ích thanh minh rằng, vì DN lãi nhiều nên họ đáng được hưởng lương cao?
Theo tôi, kể cả công ty sản xuất kinh doanh có lãi, nhưng không thể có lãi nào mà tiền lương lại “khủng” như thế, mà tiền lương này lại chỉ nằm ở một bộ phận quản lý chứ không nằm ở tất cả người lao động để nói rằng hiệu quả lao động cao.
Nếu xét về bản chất của tiền lương thì rõ ràng, phía sau thu nhập “khủng” này chưa được minh bạch. Cơ chế tiền lương của đất nước chúng ta không thể cao đến như vậy. Cần phải xem xét lại giá trị tiền lương được trả cho người quản lý này có hợp lý hay không.
Trong khi các lãnh đạo của DN công ích lợi dụng cơ chế lương sơ hở, "ngồi mát" lĩnh hàng tỷ mỗi năm thì ngàng Y tế lại cho rằng, do cơ chế không cho phép họ chi số tiền thưởng cao hơn mức 320.000 đồng cho các bác sỹ lăn lộn với người bệnh, chống tham nhũng tiêu cực. Hai hình ảnh đối lập này có gợi cho ông suy nghĩ gì về "cơ chế" lương, thưởng hiện nay?
Dù có cơ chế gì đi chăng nữa thì để có mức lương quá lớn như vậy, cũng không có gì bù đắp được trừ anh chuyển từ khoản nọ sang khoản khác. Thu nhập kiểu đó không thể gọi là minh bạch.
Còn theo quy định của nhà nước thì mức khen thưởng là như vậy. Nhưng bản chất ở đây là khen thưởng cho đối tượng chống tham nhũng, chống tiêu cực. Người ta đã dám đứng ra để bảo vệ lẽ phải thì mức thưởng phải thỏa đáng với công sức, khả năng, quyết tâm và ý chí của người đó để còn tuyên truyền vận động người khác tham gia vào đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu máy móc quá mà thưởng ở mức quá “bèo bọt” thì người ta sẽ thấy rằng cái mất và cái được không cân bằng.
Nếu làm như vậy (khen thưởng mức “bèo” - PV) thì sẽ rất khó nhân rộng để trở thành một điển hình và sẽ khiến cho không còn ai muốn tham gia. Người ta đã mất rất nhiều, bây giờ người ta còn đang bị quay trở lại để tố. Nếu mình khuyến khích khen thưởng mà không đạt được ở mức độ khích lệ thì làm sao thúc đẩy được quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng được. Nghị quyết Trung ương 4 đang thực hiện cuộc cải cách phòng chống tham nhũng và đấu tranh chống tiêu cực mà với những điển hình như vậy, chúng ta lại không vận dụng một cách linh hoạt. Nếu cảm thấy cấp khen thưởng chưa đáp ứng với thành tích cũng như chưa bù đắp xứng đáng với công sức của họ thì mình cần đề nghị lên cấp cao hơn để có mức thưởng cao hơn.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Infonet) Tuệ Khanh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét