Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

15:25

 Vụ sân bay Long Thành:

Bài học lý tưởng từ Singapore

(ĐVO) - "Tôi tin là Cục hàng không dân dụng nhìn vào lượng chuyến bay lên xuống qua các thời gian tại Sân bay Tân Sơn Nhất đều sẽ thấy là có thể tăng số lượng lên được".
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không - Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã chia sẻ với Đất Việt như vậy về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không Việt Nam.
PV: - Thưa Tiến sĩ, trong khi bàn về chuyện sân bay Long Thành, ông có đưa ra ý kiến hiện nhu cầu chưa có, tương lai không chắc mà quy mô sân bay lớn quá, đầu tư xây dựng sân bay Long Thành trong thời điểm này là chưa phù hợp. Vậy dựa trên cơ sở nào để ông đưa ra luận điểm này? Xin ông phân tích kỹ hơn?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: - Tôi nói như vậy là có cơ sở. Thực sự chúng ta chưa khai thác hết sân bay Tân Sơn Nhất. Người ta tính toán, với hai đường băng hiện tại, trung bình khoảng cách giữa các chuyến, số máy bay có thể đáp xuống nhiều hơn hiện nay rất là nhiều.
Thứ hai nữa, việc sử dụng tối đa sân bay không phải chuyện cất cánh, hạ cánh mà là các nhà ga bị thiếu.
Tôi tin là Cục hàng không dân dụng nhìn vào lượng chuyến bay lên xuống qua các thời gian đều có thể thấy là có thể tăng số lượng lên được vì hiện tại phải tới 30 phút hoặc hơn thế mới có một chuyến bay.
Ví dụ có những giờ đáp khuyến khích họ đáp chuyến bay vào ban đêm nhiều hơn, hay tránh những giờ cao điểm.
Còn nếu thụ động, không có kế hoạch mà ngồi chờ các hãng đặt chuyến bay thì đôi khi bị nghẽn trên bầu trời là như vậy.

Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất 
Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất
Những sân bay lân cận trên tinh thần sân bay quốc tế như Cần Thơ, các máy bay từ Singapore, Malaysia có thể đáp xuống Cần Thơ hơn là xuống TP. Hồ Chí Minh.
Hiện có nhiều khách ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng do họ không tổ chức chuyến bay nên buộc phải bay về TP. HCM.
Ngay cả các sân bay nội địa cũng nên tăng cường chuyến bay đáp xuống Cần Thơ để phân bổ cho phù hợp.
Khai thác sân bay nội địa thì cần những chuyến bay ít người thì số lượng chuyến bay sẽ nhiều hơn thay vì là phải chờ đủ khách rồi lâu lâu mới có một chuyến. Như thế cũng thuận tiện cho khách đi lại.
Tôi nghĩ hàng không quốc gia Việt Nam đang thiếu những máy bay khoảng 19-20 người, trong khi các nước có rất nhiều những máy bay để tổ chức những chuyến bay như vậy để phục vụ những đoạn đường ngắn và lượng khách ít.
Trên bình diện máy bay quốc tế đến Việt Nam có sân bay Liên Khương (Đà Lạt, Cần Thơ, Cam Ranh, sắp tới có cả Phú Quốc nữa).
Như vậy tính tổng khả năng của các sân bay này sẽ thấy sẽ còn những khoảng trống mà chúng ta chưa khai thác hết.
Nói như vậy để thấy trên tổng thể khả năng tiếp nhận các máy bay quốc tế tại Việt Nam còn rất là nhiều.
PV: - Thưa ông, như Singapore -  sân bay Changi còn nhỏ hơn rất nhiều nhưng lượng vận tải hành khách lại vượt trội. Đây là một trung tâm vận tải quốc tế chính, với hơn 135.000 lượt khách ghé qua mỗi ngày. Năm 2012 đón tới 51 triệu lượt khách. Vậy điều gì khiến Changi làm được như vậy? Liệu có thể áp dụng với Tân Sơn Nhất không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: - Có thể nói sân bay Changi là một mẫu hình lý tưởng để học tập. Với tổng diện tích 75.000m2, tương đương 10 sân bóng đá và hơn 330 cửa hàng bán lẻ và dịch vụ cùng với 120 quầy hàng F&B, Changi giờ đây không chỉ là sân bay mà đã trở thành khu mua sắm lớn thứ hai của Singapore (chỉ sau VivoCity).
 Changi giờ đây không chỉ là sân bay mà đã trở thành khu mua sắm lớn thứ nhì Singapore
Changi giờ đây không chỉ là sân bay mà đã trở thành khu mua sắm lớn thứ hai Singapore
Theo công bố chính thức của tập đoàn sân bay Changi (CAG), doanh số bán lẻ tại Changi trong năm ngoái đạt 1,8 tỉ đô la Singapore, tăng 12% so với năm 2011 - chiếm 50% tổng doanh thu của CAG.
Điều này có được là nhờ số lượng hành khách đến sân bay Changi hàng năm đều tăng với 51 triệu hành khách trong năm 2012, tăng 10% so với năm 2011 (46,5 triệu).
Sân bay này có 4 nơi để đáp máy bay cho khách ra và khoảng cách của các nhà ga xa nhau, vận chuyển bằng xe điện. Tại đây cứ 2 - 3 phút lại có một chuyến bay đáp, hạ.
Những người ở vị trí quản lý nên tham khảo cách làm này để áp dụng cho Tân Sơn Nhất. Nên đầu tư, cải tiến để tăng khả năng tiếp nhận máy bay cũng như các dịch vụ để thu hút hành khách nhiều hơn.
Riêng Tân Sơn Nhất có thể điều chỉnh điều hành không phận, các chuyến bay quốc tế thì số lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ cao hơn.
PV: - Với tư cách là một chuyên gia ông có tư vấn gì cho Chính phủ?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: - Tôi nghĩ rằng nếu thực sự Chính phủ muốn làm điều tốt nhất cho sự phát triển chung thì nên lắng nghe nhiều chiều.
Đề nghị Bộ GTVT công khai đầy đủ số liệu về lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất và tính toán về lượng khách trong tương lai để xem cụ thể đến thời điểm nào thì sân bay Tân Sơn Nhất thực sự sẽ không thể đáp ứng nhu cầu.
Sau đó thông tin đến cho cử tri và người dân cũng như các đại biểu biết, bàn luận cho kỹ để có thể lắng nghe được nhiều nhất.
Từ đó Chính phủ có thể chọn được phương án tốt nhất, tiết kiệm mà vẫn mang lại cho lợi ích cho quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét