VỤ cấm GHI HÌNH CẢNH SÁT GIAO
THÔNG, LUẬT SƯ HÀ ĐĂNG (ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI):
Cần hủy bỏ văn bản 1042/C67-P3 của Cục
CSGT
Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh văn bản số
1042/C67-P3 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt gửi CSGT các địa phương vi phạm
Luật Báo chí và quyền tự do của người dân, Đại tá Trần Sơn Hà - người ra văn
bản và đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng đều đã có trả lời báo chí,
cho rằng Cục CSGT không cấm báo chí và người dân quay phim, chụp ảnh CSGT, dư
luận đã hiểu sai nội dung công văn.
Vậy nội hàm của văn bản có đúng như lời giải thích của hai lãnh
đạo Cục CSGT hay không?
Theo luật sư Hà Đăng - Giám đốc Cty Luật Hà Đăng (Đoàn LS Hà Nội) - thì việc giải thích như vậy chỉ xoa dịu dư luận. Văn bản ghi rõ: “Kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Đọc văn bản này ai cũng hiểu là khi nhà báo, người dân muốn quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT đang làm nhiệm vụ thì phải được sự đồng ý của CSGT. “Theo giải thích thì văn bản này chỉ mang tính chỉ đạo nội bộ ngành và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì về mặt hình thức văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có hiệu lực bắt buộc chung đối với nhà báo và người dân. Nhà báo và người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ không cần phải tuân theo văn bản này. Tuy nhiên về mặt nội dung nó lại dùng để điều chỉnh hành vi của lực lượng CSGT, vì vậy nó lại có những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật” - luật sư Hà Đăng nêu ý kiến. Theo LS Hà Đăng thì cứ theo văn bản 1042/C67-P3, lực lượng CSGT sau khi xét hỏi người quay phim, chụp ảnh mà phát hiện người quay phim, chụp ảnh: “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu là giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ...” CSGT sẽ phân chia đối tượng quay phim, chụp ảnh thành hai loại là nhà báo và không phải nhà báo. Nếu là nhà báo thì “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, quy định này bấy lâu nay được nhiều người và ngay cả một số CSGT hiểu rằng đó là việc CSGT “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản báo chí”. Nếu như vậy là trái với Luật Báo chí và cũng trái với Luật CAND vì Luật CAND không quy định chức năng nhiệm vụ của CSGT như vậy...
“Vấn đề này cũng theo giải thích của lãnh đạo cục là nhằm làm “trong sạch bộ máy”, việc nhà báo quay phim chụp ảnh CSGT ở nơi công cộng là quyền của họ theo Luật Báo chí, CSGT lấy quyền gì để xét hỏi giấy tờ của họ xem có phải là nhà báo hay không? Việc làm trong sạch lực lượng là phải xuất phát từ nhận thức của từng cán bộ, chiến sĩ CSGT, vì vậy việc báo cáo cấp trên khi có nhà báo quay phim đâu có thể làm trong sạch được đội ngũ”- LS Hà Đăng lập luận. Với quy định: “Trong trường hợp người đó không phải là nhà báo thì “tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý...”. LS Hà Đăng phát biểu: “Tôi không thấy quy định nào cho phép lực lượng CSGT được tạm giữ đối với người quay phim, chụp ảnh. Tôi cũng không thấy điều luật nào cấm người quay phim, chụp ảnh CSGT làm việc. Văn bản này rõ ràng là bất hợp pháp và cần hủy bỏ”.
(Theo Lao động)
|
Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013
09:32
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét