Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012


16:05

 Phòng khám chữa bệnh:

Báo động đỏ


Sau vụ bệnh nhân tử vong tại Phòng khám đa khoa Maria, vấn đề thầy thuốc nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, vi phạm quy định khi hành nghề tại Việt Nam càng trở nên đáng lo ngại.

 Tại cuộc họp chiều 18.6 giữa Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội với đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan, ban ngành liên quan bàn về thực trạng hoạt động của các phòng khám Đông y có yếu tố người nước ngoài ở VN, nhiều ý kiến đề nghị phải siết chặt tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề y dược của người nước ngoài tại VN, trong đó phổ biến là người Trung Quốc.
Dù có hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng thầy thuốc Trung Quốc, phòng khám Maria vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi có bệnh nhân tử vong tại đây - Ảnh: Ngọc Thắng
Thanh tra 8 thì 7 cơ sở sai phạm
Báo cáo thực trạng hành nghề của thầy thuốc Trung Quốc tại VN ở các phòng khám chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT - gọi tắt là Đông y) hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Sơn cho biết đến nay cả nước có 41 thầy thuốc Đông y Trung Quốc được cấp phép đang hành nghề KCB bằng YHCT tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 11 người, hành nghề tại 8 cơ sở; kế đến là Hà Nội có 7 người hành nghề ở 5 cơ sở, TP Hải Phòng có 4 người, TP Cần Thơ có 4 người, các tỉnh, thành phố khác chỉ có 1 - 2 người.



“Chỉ có cách đóng giả bệnh nhân đi vào các cơ sở đó mới phát hiện được”


Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền

Cũng theo ông Sơn, vì số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các Phòng khám YHCT có thầy thuốc nước ngoài hiện nay ngày càng ít (thông thường chỉ 4 - 5 bệnh nhân mỗi ngày) nên xu hướng các phòng khám YHCT đang chuyển hướng sang phòng khám đa khoa, như Phòng khám đa khoa Đầm Sen, Phòng khám đa khoa Trung Nam, Phòng khám Đông Dương (TP.HCM), Phòng khám đa khoa Khương Trung, Phòng khám đa khoa Maria (Hà Nội).
Đáng chú ý, qua kết quả tổng hợp của các lần thanh, kiểm tra, các Sở Y tế báo cáo cho thấy, rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm, với những lỗi vi phạm thường gặp như: hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý cho phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền khám và chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, có thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo chất lượng; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng nội dung đã được ngành y tế phê duyệt; đơn thuốc không được dịch ra tiếng Việt; và phiên dịch chưa đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện quy định.
Ông Sơn cho hay tại TP.HCM, thanh tra 8 cơ sở thì có đến 7 cơ sở có vi phạm. Trong đó, hành nghề quá phạm vi chuyên môn có 4 cơ sở (ngoài phạt tiền, Sở Y tế TP đã rút giấy phép hoạt động 12 tháng của 4 cơ sở này); 5 cơ sở sử dụng người phiên dịch không đảm bảo trình độ phiên dịch theo quy định (ngoài phạt tiền, Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy phép hành nghề của người nước ngoài vì người phiên dịch không đủ điều kiện quy định); 3 cơ sở hành nghề không phép; 3 cơ sở sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành; 2 cơ sở nghi sử dụng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo giả.


Chấn chỉnh
Chiều qua, trao đổi với PV Báo Thanh Niên về sai phạm ở các PK có yếu tố người Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết Sở vừa báo cáo cho Bộ Y tế về tình hình kiểm tra, xử phạt đối với các PK loại này trên địa bàn TP (các sai phạm Báo Thanh Niên đã thông tin). Hiện ở TP.HCM có 7 PK có người Trung Quốc có đăng ký với cơ quan chức năng. Sở Y tế TP sẽ họp với Thành ủy, UBND TP về việc chấn chỉnh, quản lý đối với các PK có người Trung Quốc.
Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, kể từ nay, Sở sẽ thường xuyên tổ chức tái kiểm tra đối với các PK có người Trung Quốc đã được cấp phép, nhằm sớm phát hiện những sai trái của các PK này. Được biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN (TP.HCM) cũng đề nghị Sở Y tế báo cáo về tình hình các PK có người Trung Quốc ở TP.HCM.
Thanh Tùng

Còn tại TP Hà Nội, trên địa bàn TP chỉ còn 5 cơ sở KCB Đông y với 7 thầy thuốc Trung Quốc được cấp phép tham gia hành nghề KCB nhưng có đến 4 cơ sở vi phạm (trong đó có Phòng khám đa khoa Maria vừa xảy ra vụ bệnh nhân tử vong) với tổng số tiền phạt 53.750.000 đồng.
Chủ cơ sở bao che
Báo cáo chung của đại diện Bộ Y tế và Sở Y tế cho thấy nổi lên vấn đề: nhiều khó khăn trong công tác thanh kiểm tra, lập biên bản xử phạt các vi phạm tại những phòng khám có sử dụng bác sĩ, người hành nghề y dược Trung Quốc bởi sự bao che của chủ cơ sở KCB vì mục tiêu lợi nhuận.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn dẫn ví dụ từ thực tế thanh kiểm tra các cơ sở KCB YHCT, đó là thông thường các cơ sở KCB này thuê nhiều tầng của một ngôi nhà, ví dụ chỉ đăng ký địa điểm khám chữa bệnh 2 tầng nhưng thực tế vẫn khám cả ở tầng thứ 3. Khi cơ quan kiểm tra đến, họ rút hết các hoạt động không có trong danh mục cấp phép lên tầng 3, coi như đó là sinh hoạt gia đình của chủ nhà nên việc bắt quả tang, lập biên bản rất khó khăn. “Chỉ có cách đóng giả bệnh nhân đi vào các cơ sở đó mới phát hiện được. Bình thường họ cứ đường hoàng khám chữa bệnh, khi bị kiểm tra họ cởi áo bờ lu ra, giả vờ là người quen của bác sĩ đến chơi, đến thăm nhau, rất khó xử phạt”, ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn thì ngoài việc thẩm định chặt chẽ hồ sơ cấp phép cho các cơ sở KCB Đông y sắp tới, sẽ bắt buộc các cơ sở KCB này niêm yết công khai ảnh, chức danh, chuyên môn nghiệp vụ của các thầy thuốc Trung Quốc tại chính cơ sở KCB đó. Khi thực hiện KCB phải đeo thẻ để thanh tra, đoàn kiểm tra đến hay bất kỳ người bệnh nào cũng có thể đối chiếu, phát hiện người KCB cho mình có đúng như hình ảnh, tên tuổi đã niêm yết ở cơ sở KCB đó hay không.
Kết luận phiên họp với tư cách chủ trì, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh cần kiểm soát vấn đề KCB có người nước ngoài hành nghề chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Dẫn ví dụ đau lòng tại phòng khám Maria (Hà Nội) gây chết người mới đây, ông Tiên cho rằng ngoài việc truy cứu trách nhiệm chủ cơ sở, dư luận  cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Theo ông Tiên, hầu hết các vấn đề, vụ việc báo chí nêu gần đây về sai phạm của phòng khám Đông y vừa qua là do người VN làm chủ tiếp tay vì lợi ích kinh tế. Trách nhiệm chính ở đây là thanh tra ngành y tế cần phải tìm ra cách xử lý những nhóm vấn đề nóng.
Phạt thì phạt, nhưng chưa thể tước giấy phép
Hôm qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết trong hồ sơ cấp phép hoạt động cho phòng khám (PK) Maria (ngày 30.12.2010) tại Sở Y tế Hà Nội không có danh sách thiết bị laser leep trong danh mục kỹ thuật triển khai tại phòng khám. Về nhân sự chỉ có 6 bác sĩ người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố người nước ngoài. Đến ngày 4.11.2011, Sở Y tế cấp thẻ đeo cho hai người mang quốc tịch Trung Quốc với nhiệm vụ giúp việc cho bác sĩ người VN. Đứng tên quản lý điều hành PK Maria là bác sĩ người VN Đỗ Y Na.
Thuốc, dịch truyền toàn chữ Trung Quốc, không phép lưu hành tại các phòng khám Trung Quốc ở TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Theo Sở Y tế HN, trong quá trình hoạt động, PK Maria đã liên tục có các vi phạm bị phát hiện, cụ thể:
Ngày 9.5: Thanh tra Sở Y tế phát hiện một người Đài Loan tham gia hành nghề khi chưa có phép, đã xử phạt PK 5 triệu đồng.
Ngày 29.6.2011, PK Maria tiếp tục bị phạt 7,5 triệu đồng vì có người mang quốc tịch Trung Quốc hành nghề khi chưa có phép.
Ngày 16.11.2011: Thanh tra Sở Y tế HN lại xử phạt PK này vì nhà thuốc vắng mặt dược sĩ; bác sĩ siêu âm của phòng khám không có chứng chỉ đào tạo, phạt 5 triệu đồng.
Ngày 27.6.2012: Bị xử phạt 11,5 triệu đồng vì quảng cáo không đúng nội dung cấp phép, một số dịch vụ y tế không niêm yết giá công khai.
Ngày 14.7.2012: Xảy ra ca tử vong tại PK này và cũng có người mang quốc tịch Trung Quốc hành nghề khi chưa được cấp phép.
Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế: việc PK Maria đã để cho người mang quốc tịch Trung Quốc chưa được cấp phép hành nghề và sử dụng kỹ thuật laser leep điều trị là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Ông Trần Quý Tường khẳng định: việc xử lý các sai phạm tại PK Maria là hoàn toàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng về lý do vì sao PK Maria đã nhiều lần sai phạm nhưng vẫn tồn tại, dẫn đến vụ việc gây chết người, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường nói: "PK này đã 4 lần bị xử phạt, mỗi lần một lỗi khác nhau, nhưng không lỗi nào đủ để tước giấy phép KCB theo luật định".
Nam Sơn
(TNO) Bảo Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét