12:11
Đến lượt khối
ngân hàng thấm đòn?
SGTT.VN - Trước
đây, trong khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bi đát, do lãi suất đi
vay cao thì các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn lãi cao. Nhưng quý 2/2012,
lợi nhuận của một loạt ngân hàng bắt đầu giảm mạnh do phải trích lập dự phòng
rủi ro nợ xấu. Vietinbank, Vietcombank và Sacombank đều có những mức trích dự
phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, tương ứng là 1.453 tỉ đồng, 1.088 tỉ đồng,
và 330 tỉ đồng. Các NHTM sẽ còn phải đối mặt với nợ xấu tiếp tục tăng cao trong
những tháng cuối năm. Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi
suất huy động thu hẹp. Đặc biệt, khoản lợi nhuận có được từ mua tín phiếu
ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không còn được duy trì như trong nửa đầu năm
2012.
Được lợi từ tín
phiếu
Trong những tháng đầu năm, do khó khăn trong việc giải ngân tín
dụng, các NHTM đã mạnh tay mua vào tín phiếu NHNN – chứng khoán nợ. Các khoản
mục chứng khoán nợ của nhiều NHTM đều tăng nhanh trong giai đoạn sáu tháng
đầu năm 2012. Vietcombank đã tăng danh mục chứng khoán nợ sẵn sàng để bán của
mình từ mức 25,8 ngàn tỉ đồng ngày 31.12.2011 lên con số 41,13 ngàn tỉ đồng
ngày 30.6.2012. Ngân hàng Quân đội cũng có mức tăng ấn tượng không kém khi
ghi nhận con số hơn 22 ngàn tỉ đồng vào ngày 30.6.2012, tăng gấp đôi so với
cuối năm 2011. Ngân hàng ACB có tỷ trọng nắm giữ chứng khoán nợ sẵn sàng để
bán khiêm tốn với 3,5 ngàn tỉ đồng; tuy nhiên con số này cũng thể hiện tốc độ
tăng rất mạnh so với mức 289 tỉ đồng của đầu năm. Riêng Vietinbank chứng
khoán nợ sẵn sàng để bán chỉ tăng nhẹ nhưng có sự chuyển dịch cơ cấu tăng
nhanh với trái phiếu chính phủ.
Mức tăng khoản mục chứng khoán nợ ở nhiều NHTM phản ánh chính
sách của NHNN trong những tháng đầu năm 2012. Để thiết lập mức lãi suất mới
cho thị trường tiền tệ và duy trì sự ổn định trên thị trường liên ngân hàng,
NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn linh hoạt (28 ngày, 81 ngày và 182
ngày). Tổng giá trị tín phiếu phát hành thành công tính tới cuối tháng 6.2012
đạt 110.487 tỉ đồng. Với mức lãi suất tín phiếu trong những lần phát hành đầu
kỳ hạn 182 ngày lên tới 12,5%/năm vào giữa tháng 3.2012, trong khi trần lãi
suất huy động đã giảm xuống 12% từ giữa tháng 4.2012, và đến cuối quý 2/2012
chỉ còn 9%, các NHTM đã có được một khoản lãi đáng kể từ hoạt động đầu tư này
trong quý 2/2012. Một phần lợi nhuận từ đầu tư tín phiếu sẽ tiếp tục được ghi
nhận trong quý 3/2012, vì phải đến tháng 9.2012 thì hầu hết các tín phiếu mới
đáo hạn.
Nhưng nguồn lợi nhuận từ tín phiếu NHNN sẽ giảm dần và đến quý
4/2012 sẽ hết. Và như vậy, các NHTM sẽ buộc phải quay trở lại với hoạt động
cho vay truyền thống trong nửa cuối năm 2012 để duy trì lợi nhuận.
Rủi ro từ nợ
xấu và các khoản lãi phải thu
Trong sáu tháng đầu năm 2012, tín dụng của hệ thống gần như không
tăng (chỉ tăng 0,76%) so với cuối năm 2011, nhưng cơ cấu nợ của các NHTM thay
đổi mạnh về cách phân loại nợ. Nợ quá hạn tăng nhanh, đặc biệt là nợ cần chú
ý (nhóm 2) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Kết quả công bố kinh doanh của
một loạt các NHTM lớn cho thấy, lo ngại về việc nợ xấu đang đe doạ lợi nhuận
do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro là rất rõ ràng. Đặc biệt, hai NHTM
quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh. Vietcombank trong quý 2/2012 đã ghi
nhận tới 3.900 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn; con số này của Vietinbank là
2.254 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM được công bố đều tăng so với cuối năm
2011. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây vẫn chưa phải các con số cuối cùng do sự
linh hoạt trong cách phân loại nợ, nên các NHTM theo cách hạch toán của riêng
mình có thể vẫn có nhiều khoản nợ chưa chuyển thành nợ quá hạn và nợ có khả
năng mất vốn.
Nếu tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao thì lợi nhuận của các NHTM
trong sáu tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong sáu tháng đầu năm
2012, NHNN liên tiếp hạ trần lãi suất huy động, song trần lãi suất cho vay
lại thả nổi và không có chỉ đạo. Do vậy, nhiều NHTM vẫn có được lợi nhuận
đáng kể nhờ sự chênh lệch này. Tuy nhiên, hiện tại NHNN đã chỉ đạo lãi suất
cho vay về dưới 15%/năm, và ngay cả các khoản cho vay cũ cũng điều chỉnh lãi
suất cho vay xuống 15%. Đặc biệt vì tình hình nợ xấu tăng cao, nhiều NHTM chủ
động hạ lãi suất cho vay để thu hút khách hàng vay vốn có chất lượng.
Thêm vào đó, một yếu tố lớn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của
các NHTM chính là các khoản lãi và phí phải thu có thể chưa thu được do các
doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không trả được gốc và lãi. Mặc dù so với quý
4/2011, các khoản lãi và phí phải thu quý 2/2012 đã giảm khoảng -0,17%. Nhưng
đây thuần tuý là vấn đề chu kỳ, vì thông thường trong các tháng cuối năm
thanh khoản tiền mặt của doanh nghiệp căng thẳng hơn, khiến cho các NHTM chấp
nhận cho các doanh nghiệp trả lãi và phí chậm.
Nếu so với cùng kỳ quý 2/2011 thì giá trị các khoản lãi và phí
phải thu tăng tới 25,59%. Và quan trọng hơn, các tỷ lệ “lãi và phí phải thu
trên thu nhập từ lãi” cũng như “lãi và phí phải thu trên thu nhập lãi thuần”
cũng đều tăng lên. Điều này có nghĩa là nhiều khoản lãi phải thu mà các NHTM
có thể rất khó thu được, cũng đã được các NHTM hạch toán vào thu nhập từ lãi
để làm tăng lợi nhuận trong quý 2 vừa rồi.
(SGTT) Nguyên
Minh Cường
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét