10:01
TP - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng
thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc cam
kết giữ lãi suất ổn định ở mức 15%/năm là thừa.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: Về khách
quan, việc Thống đốc cam kết sẽ giữ lãi suất cho vay ổn định ở mức 15%/năm,
ít nhất một năm, hoàn toàn có thể đạt được một cách dễ dàng, trong tầm tay mà
chưa cần tác động ngoại lực.
Thực tế, Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ
Tài chính có thể chọn nhiều nước cờ hay hơn.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, lạm
phát thấp, tín dụng tăng chậm và chính sách vĩ mô đang ổn định... thì hoàn
toàn có thể đưa lãi suất huy động về mức 6-7%/năm, lãi suất cho vay dao động
quanh mức 10%/năm. Mức chênh lệch lãi suất 3-4% là hợp lý.
Tôi cho rằng, ở tầm thống đốc, lẽ ra,
phải đưa ra những quyết sách thông minh và hiệu quả hơn, khiến mọi người phải
thấy ngạc nhiên, thán phục. Chứ cam kết của Thống đốc là hơi khiêm tốn.
Nếu các doanh nghiệp được vay với lãi
suất thấp như thời kỳ 2003-2007 (khoảng 8-9%/năm ), thì sẽ có lợi hơn cho nền
kinh tế.
Nếu ông là Thống đốc,
ông làm thế nào để hạ nhanh được lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh
hiện nay?
Theo tôi, trước hết là giảm lãi suất
tiền gửi ngoại tệ từ 2%/năm xuống 0%/năm (hiện lãi suất tiền gửi của các tổ
chức tài chính là 0,5%/năm, cá nhân là 2%/năm).
Việc giảm lãi suất này không sợ gây bất
ổn thị trường ngoại tệ, cũng không lo người dân rút tiền khỏi ngân hàng.
Nhưng là biện pháp hữu hiệu để chống đô la hóa nền kinh tế, nâng cao giá trị
và sức hấp dẫn của đồng nội tệ, ổn định tỷ giá.
Đây là điều kiện để giảm nhanh lãi suất
cho vay. VAFI cũng từng kiến nghị nhiều lần và NHNN đã giảm lãi suất USD từ
3% xuống 2%/năm.
Thứ hai, áp thuế VAT 10% với kinh doanh
vàng miếng, vàng trang sức thay vì miễn thuế như hiện nay.
Các mặt hàng kinh doanh khác đều đang
chịu thuế VAT, tại sao không điều tiết thuế đối với vàng để có thêm nguồn thu
cho ngân sách, ổn định thị trường vàng.
Nhưng điều quan trọng hơn, đây là một
cách “đắp đập” để ngăn chặn đầu cơ vào vàng, kích thích dân chuyển sang dùng
tiền đồng. Nếu làm được như vậy, hệ thống ngân hàng có thể thu hút thêm 200
nghìn tỷ đồng từ nguồn vàng tích trữ trong dân.
Hiện nay, theo ước tính, lượng vàng
trong dân khoảng 350-400 nghìn tỷ đồng. Nhưng lượng tiền này đang nằm dưới
gầm giường, chôn dưới đất, là dòng vốn “chết”.
Phải có chính sách tốt và ổn định mới
làm người dân tin tưởng, từ đó, dòng vốn mới dịch chuyển được.
Thế còn vấn đề nợ
xấu, ông sẽ xử lý thế nào?
Trước đây, tôi từng tham gia viết đề án
thành lập công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC). Tôi
thấy đây là vấn đề rất phức tạp, nếu lập Cty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC)
như dự định của NHNN càng khó hơn.
Việc soạn thảo cơ chế, khung pháp lý
cho DATC ra đời mất 3 năm, sau đó để triển khai nghiệp vụ mua bán nợ mất thêm
4 năm. Nhưng thực tế số vụ mua bán nợ của DATC chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Công luận hãy theo dõi việc DATC xử lý
các khoản nợ xấu của Bianfishco, chắc sẽ phải mất 3-4 năm. Vậy với hàng ngàn
khoản nợ xấu của ngân hàng, mà xử lý theo cách của DATC thì bao giờ mới xong.
Nếu tiếp tục cho ra đời công ty AMC,
thì nhanh lắm cũng mất 5-7 năm. Đến lúc đó, khéo các ngân hàng phục hồi rồi. Ở
đây có vấn đề, nếu nhà nước mua nợ xấu với giá rẻ thì các ngân hàng có chịu
bán không, hay lại đem bán cho tư nhân với giá cao hơn? Cho nên, việc thành lập
AMC là không khả thi, mà rất có thể lại biến nó thành “bãi chứa rác” khổng
lồ.
Cách đây ít ngày, VAFI đã có đề xuất 10
giải pháp để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, như: Chứng khoán hóa
các khoản nợ khó đòi, chuyển một phần nợ gốc của doanh nghiệp, dự án đầu tư
tốt thành trái phiếu trung hạn, chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần (các ngân
hàng - chủ nợ sẽ trở thành cổ đông lớn trong doanh nghiệp).
Đây là cách thức xử lý khá phổ biến
theo thông lệ thế giới, vừa cứu doanh nghiệp khỏi phá sản, vừa bảo toàn được
nguồn vốn của các NHTM. Sau chuyển đổi, các NHTM cũng dễ dàng tìm được người
mua;
Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước
ngoài trong ngân hàng lên 40%, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà
đầu tư chiến lược nước ngoài lên mức 25- 30%/vốn điều lệ.
Ngoài ra, xem xét cho phép một số ngân
hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị tốt mua lại các ngân
hàng yếu kém; Miễn các loại thuế (thuế VAT, thuế TNDN…) cho các hoạt động mua
bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ tư
nhân…
Cảm ơn ông.
Quỳnh Nga (Tựa đề do Thương Giang đặt)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét