Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012


07:11
Cán bộ ta bận lắm


TP - Bản tin thời sự của VTV tối 20-7, trong phóng sự về bộ máy công quyền và hiệu quả, đưa bình luận đại ý “có vẻ cán bộ đều đang bận họp, định hỏi cô nhân viên xem cuộc họp bao giờ kết thúc nhưng thấy cô hình như cũng đang bận, lại thôi”.

Đi kèm lời bình này là hình ảnh cô cán bộ đang xem màn hình máy tính trên đó có đôi nam nữ làm tình.
Phài à lên một tiếng. Ngỡ ngàng không phải vì phóng viên nhà đài tinh tế hay những tình tiết cay đắng, mà vì sự bận rộn của nhiều cán bộ hóa ra là vậy.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phóng viên: Người dân không được hưởng lợi từ sự bận rộn của cán bộ, thì cán bộ cần gì phải bận rộn.
Ông Dũng nói câu đó với cái cười tủm tỉm, nhưng quả là sâu cay và trúng. Có những xã vài ngàn dân, 200 cán bộ. Có những xã nghèo thì gần 300 cán bộ. Cồng cà cồng kềnh, tốn ngân sách, và không phải vì bận mà người dân bớt nghèo đói hơn, không phải vì đông mà những yêu cầu về thủ tục hành chính của họ được giải quyết nhanh hơn.
Một số người lúc gặp dân, gặp báo chí đều có chung câu cửa miệng: Bận lắm. Bận, nhưng ngày đầu đi làm sau Tết nguyên đán năm nào công sở cũng khóa im ỉm.
Bận, nhưng là bận chơi game như PV Tiền Phong từng chụp được cảnh cô cán bộ tỉnh V. ngồi chơi Picachu, phía trên là cái đồng hồ to đùng chỉ 10h sáng.
Bận, nhưng là chơi cờ tướng trên mạng lúc 3h chiều như anh thanh tra xây dựng của một quận ở Hà Nội mà báo chí quay được. Bận, nhưng là xem hình sex như trong phóng sự của VTV.
Không chỉ cán bộ, nhiều người Việt có bệnh “bận lắm”. Ra đường phố Hà Nội và TPHCM, thấy ai cũng tỏ ra bận rộn, lao xe vun vút.
Bám theo sẽ thấy sau đó họ ngồi chém gió ở quán trà đá trà chanh vỉa hè... Có ca sỹ 30 tuổi nhưng đã 10 lần ra Trường Sa, nhưng cũng nhiều ca sỹ nhà nước bận chạy sô hát hội nghị, không thèm so đo giữa nhiệm vụ chính trị và đồng tiền. Bận thế không biết sẽ lợi gì cho chuyên môn và người dân.
Chưa có khảo sát nào cho thấy những người có bệnh ấy làm được/không làm được gì có ích trong một ngày. Nhưng chắc chắn là không nhiều. Người bận thật sự ít khi nói “bận lắm” - đó chỉ là chữ nói cho sướng miệng.
Trần Thanh (Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét