Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012


15:13

Cảnh sát 'tương kế tựu kế' bắt giang hồ


Bị bắt sau 10 năm trốn truy nã về tội giết người, Đinh Văn Ty mới bẽ bàng khi nhận ra mình giết oan một mạng người vô tội, chỉ vì muốn trả thù cho anh trai. 'Giang hồ bãi đá' Đinh Văn Ty đã phải trả một cái giá đắt với bản án tù chung thân và nỗi ân hận, giày vò đeo bám suốt cuôc đời.

Giết oan một mạng người vì muốn trả thù cho anh trai

Đinh Văn Ty người gốc ở Từ Liêm – Hà Nội, sinh ra trong một gia đình nông dân hiền lành. Từ nhỏ, Đinh Văn Ty đã có bản tính “đầu đội trời, chân đạp đất”, tính cách ngang tàng, bướng bỉnh, nhưng cũng rất khảng khái. Tuy là trai Hà Nội, nhưng khi trưởng thành, Đinh Văn Ty lại gia nhập lực lượng biên phòng. Quãng thời gian ở trong lực Iượng bộ đội biên phòng, Ty làm nhiệm vụ ở vùng biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận tỉnh Sơn La. Sau khi xuất ngũ, Đinh Văn Ty lấy vợ là một cô giáo ở vùng cao Phù Yên - Sơn La.

Thời đó ở Sơn La đang rộ lên phong trào đào vàng. Đinh Văn Ty cũng gia nhập đội quân đào vàng, vốn ngang tàng, không sợ sệt nên dân giang hồ bãi vàng ở Sơn La rất nể sợ Ty. Sau này, khi Ty đã “giải nghệ” trở về sống với vợ con ở Phù Yên, nhiều đàn em ở bãi vàng khi nhắc đến Ty vẫn tỏ ra sợ sệt. Danh tiếng của Ty vẫn nổi tiếng khắp vùng Phù Yên, Bắc Yên của tỉnh Sơn La và lan sang cả Yên Bái.

Sau một thời gian đi đào vàng, có một chút vốn liếng, Đinh Văn Ty về Phù Yên mua một trang trại, định bụng sống cuộc đời an phận, tu chí của một ông chủ trang trại ở vùng cao. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi cho đến một ngày, Đinh Văn Ty nhận được điện thoại của người chị dâu báo tin anh trai bị Công an huyện Từ Liêm bắt giữ vì tội đánh bạc. 


Đinh Văn Ty vốn là người sống rất tình nghĩa, rất thương anh chị em trong nhà. Anh trai Ty sống ở Từ Liêm, mở một lò gạch để kiếm sống, sẵn máu me cờ bạc, mỗi tối anh trai Ty thường mở chiếu bạc ngay tại lò gạch, cùng với mấy công nhân trong nhà và mấy người trong xóm sát phạt, sự việc này đã được Công an huyện Từ Liêm nắm rõ. Đêm hôm đó, trong chuyến đi tuần tra an ninh ban đêm, Công an huyện Từ Liêm đã bắt quả tang anh trai của Đinh Văn Ty về tội đánh bạc.

Sau khi chồng bị bắt, người chị dâu của Ty vội gọi điện cho em chồng. Dù không có bằng chứng gì, nhưng người chị dâu của Ty vẫn một mực khẳng định với Ty rằng chính người hàng xóm cạnh nhà đã báo cho Công an đến bắt chồng mình. Chị này cho rằng nếu không phải người hàng xóm báo, thì Công an không bao giờ biết anh trai Ty đang đánh bạc mà đến bắt.

Khi nghe những lời kể lể, khóc lóc của chị dâu, Đinh Văn Ty rất giận dữ. Máu yêng hùng nổi dậy, Ty lẳng lặng đi mài dao rồi bắt xe về Hà Nội. Trước khi đi, Ty còn dặn dò vợ con vì biết chuyến này đi có thể là một chuyến đi rất dài.

Ty về đến Hà Nội lúc trời đã tối khuya rồi bắt xe về nhà anh trai ở Từ Liêm. Nhưng thay vì vào thăm chị dâu và các cháu, Ty lại gõ cửa nhà người hàng xóm của vợ chồng anh trai. Khi người hàng xóm vừa ra mở cửa, chưa kịp nói câu nào, đã bị Ty lạnh lùng đâm một nhát dao chí mạng vào bụng. Người hàng xóm đó gục xuống, chết ngay tại chỗ. Còn Ty, sau khi giết người, lập tức bỏ trốn, không kịp cả về từ biệt vợ con.

Không khó để lực lượng Công an phát hiện ra hung thủ thực sự của vụ án chính là Đinh Văn Ty. Nhưng khi xác định được nguyên nhân khiến Ty giết người, tất cả đều xót xa. Người ân hận nhất có lẽ chính là chị dâu của Ty, bởi sau này, khi sự việc được làm rõ, chị dâu Ty mới biết mình đã nghi oan cho người hàng xóm vô tội, khiến một mạng người chết oan, và cũng khiến người em chồng của mình trở thành hung thủ giết người.

"Điệu hổ ly sơn" bắt giang hồ trốn truy nã

Sau khi bỏ trốn, Đinh Văn Ty lưu lạc vào trong miền Nam, làm đủ nghề để kiếm sống. Không dám xuất đầu lộ diện ở những nơi thị trấn, thị xã hay những khu dân cư đông người, Đinh Văn Ty quyết định vào bãi vàng, nơi vốn chẳng xa lạ gì với Ty sau một thời ngang dọc ở đất Tây Bắc. Bãi vàng là một nơi có tình hình an ninh rất phức tạp, với nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, là nơi che giấu thân phận rất tốt cho Tỵ. 

Nhưng cũng vì thế, mà khi thấy Ty xuất hiện, muốn giở thói “ma cũ bắt nạt ma mới”, nhiều tay anh chị giang hồ trong bãi vàng đã giở trò cướp bóc, uy hiếp Ty. Chúng không ngờ rằng Ty chẳng phải tay vừa. Có lần, vì bị một tay giang hồ bắt nạt, Ty đã chẳng nói chẳng rằng, chỉ bằng một động tác nhẹ, bẻ gẫy tay tên này và lạnh lùng thách thức tất cả những tên còn lại. Kể từ đó, danh tiếng của Đinh Văn Ty ở bãi vàng nổi như cồn. Tất cả đều xếp Ty vào hạng “đàn anh" và không còn dám động vào Ty nữa.

Sau khi nổi tiếng khắp bãi vàng và kiếm đủ vốn liếng, Ty tìm một mỏ đá rồi trở thành một ông chủ mỏ đá. Cuộc đời lưu lạc, trốn truy nã của Ty thấm thoắt đã 10 năm. Trong thời gian đó, Ty không nguôi nỗi nhớ vợ, thương con ở quê nhà. Thương vợ một mình nuôi con nhỏ, thương con cái không có sự chăm sóc của cha, Ty chỉ biết thỉnh thoảng lén viết thư và gửi tiền về cho vợ con dưới một cái tên khác. Nhờ một nguồn tin báo, các trinh sát truy nã của C52 đã có được thông tin này. Khi kiểm tra những dấu tem bưu điện trên thư, các trinh sát khoanh vùng được nơi Ty đang sinh sống.

Vào Tây Nguyên tìm Ty, sau một thời gian tìm kiếm thông tin, các trinh sát đặc biệt chú ý đến một ông chủ bãi đá nói giọng Bắc, đã sống ở đây nhiều năm, không vợ con, không gia đình, tính cách rất giang hồ và được đàn em nể sợ. Các trinh sát lập tức nhận định đó chính là Đinh Văn Ty chứ không phải ai khác.

Hôm đó, Thượng tá Đào Trọng Sơn đã vào tận bãi đá để tiếp cận Đinh Văn Ty. Khi xác định Đinh Văn Ty chính là đối tượng truy nã mà mình tìm suốt 10 năm nay, Thượng tá Đào Trọng Sơn lập tức nghĩ đến kế hoạch bắt Ty. Nhưng ở bãi đá, xung quanh rất đông tay chân của Ty. Nếu bắt Ty ở đây, có thể sẽ bị đàn em của Ty chống lại, và Ty sẽ có khả năng trốn thoát.

Là người từng có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều giang hồ cộm cán, Thượng tá Đào Trọng Sơn biết được một điều, các đối tượng giang hồ tuy hung hãn, nhưng cư xử rất trọng nghĩa, và là những người dám làm dám chịu, đặc biệt rất ghét nếu người khác đổ oan cho mình. Vì thế Thượng tá Đào Trọng Sơn đã “tương kế tựu kế”, lợi dụng đặc điểm này của những đối tượng anh chị để tiếp cận Đinh Văn Ty. Khi gặp Ty, Đào Trọng Sơn lập tức “vu oan” cho Ty là kẻ đã nợ tiền mình rồi quỵt nợ. 

Đang yên đang lành bỗng bị một kẻ không quen biết nói mình là người quỵt nợ, Ty rất giận dữ và cảm thấy mất mặt với đám đàn em, vì cả đời Ty chưa bao giờ ăn quỵt của ai một đồng nào. Ty đã một mực phải “làm rõ trắng đen” với “chủ nợ” của mình và khăng khăng mình bị nhầm với người khác. Nắm lấy cơ hội đó, Thượng tá Đào Trọng sơn liền đề nghị: nếu đúng anh không phải là người nợ tôi, nếu đúng là tôi nhầm, anh hãy ra ủy ban xã làm một cái giấy cam đoan, tôi sẽ tin anh nói thật. Ty lập tức cùng Thượng tá Đào Trọng Sơn ra ủy ban xã mà không hề biết rằng mình đã mắc kế “điệu hổ ly sơn”.

Khi ra đến trụ sở Công an xã, Thượng tá Đào Trọng Sơn nói: “Không phải anh nợ nần gì tôi đâu. Tôi chỉ muốn lấy cớ gọi anh ra đây để hỏi xem anh có phải là anh Đinh Văn Ty không? Chúng tôi đã đi tìm anh 10 năm nay”. Đến lúc này thì Ty lặng người. Ty biết ngày đền tội của mình đã tới. Trước mặt các trinh sát truy nã, Đinh Văn Ty không hề tỏ ra côn đồ, hung hãn, mà lặng lẽ cúi đầu nhận tội. Ty được di lý về Hà Nội sau 10 năm trốn chạy.

Sau này, khi nghe Thượng tá Đào Trọng Sơn kể chuyện Ty đã vội vàng, nóng nảy mà giết oan một mạng người, Đinh Văn Ty tỏ ra rất ân hận, vừa ân hận vì giết người vô tội, vừa ân hận vì Ty đã khiến cả gia đình Ty và gia đình nạn nhân của Ty rơi vào cảnh ly tán. Nhưng sự ân hận đó đã quá muộn màng, Ty đã phải đền tội bằng bản án tù chung thân.
Theo Pháp luật & Cuộc sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét