14:21
“Thượng đế” là ai ?
TP - Ngay sau khi Bộ Tài chính trao lại
quyền quyết định giá xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối, 22h đêm 20-7 xăng
dầu đồng loạt tăng giá xăng thêm 400 đồng/lít.
Hiện tượng “đồng thanh tương ứng” trên
được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là hệ quả tất yếu của việc thả nổi
giá xăng dầu, trái với quy định của luật giá và luật cạnh tranh.
Việc thả nổi giá trong một thị trường
còn độc quyền là điều hết sức khó hiểu. Hiện thị trường có 13 doanh nghiệp
(DN) đầu mối nhập khẩu song chỉ riêng 3 DN Petrolimex, PV Oil và Petec đã
chiếm tới hơn 90% thị phần, trong đó một mình Petrolimex chiếm hơn 60%.
VietnamNet dẫn lời một đại diện của
SaigonPetro cho hay, là DN nhỏ nên họ đều phải theo “ông lớn” Petrolimex:
“Lúc đăng ký giá thì mỗi DN đều có mức tăng khác nhau. Tuy nhiên, sau khi
nhận được hồi âm của Cục Quản lý giá, chúng tôi phải a lô cho Petrolimex hỏi
tin. Rốt cuộc, tất cả đồng loạt tăng 400 đồng cho xăng và dầu diezen, áp dụng
từ 22h tối”.
Đến đây có thể thấy rõ sự luẩn quẩn
trong cách quản lý giá xăng dầu, sự bất cập của Nghị định 84. Từ khi nghị
định này ra đời (12-2009) đến nay, thoạt tiên các DN đầu mối đã được tự điều
chỉnh giá, sau 3 tháng thực hiện lại thôi, nay lại cho tự quyết. Dư luận đặt
câu hỏi, sau khi rất nhanh chóng nhất loạt tăng giá trở lại, đến khi giá thế giới
giảm liệu các DN có mau mắn tự giác đồng loạt hạ giá cho dân nhờ? Hay lại
điệp khúc cũ, chờ báo chí liên tục lên tiếng, chờ liên Bộ thúc giục mới chịu
giảm nhỏ giọt?
Ngẫm lại, giá điện chỉ tăng không giảm;
giá xăng trước tăng nhanh - giảm chậm, nay “a lô” rủ nhau cùng tăng, tất thảy
đều là những hiện tượng lạ lùng trong nền kinh tế thị trường. Lạ nhưng không
hề khó hiểu, bởi chừng nào điện, xăng còn độc quyền, các DN còn Bộ chủ quản
như hiện nay, chừng đó người tiêu dùng còn bị đối xử bất công, thiếu tôn
trọng. Chỉ khi nào giải quyết được tận gốc vấn đề độc quyền DN, khi đó mới có
cơ chế thị trường thực sự trong lĩnh vực xăng dầu, điện lực.
Đối với người tiêu dùng, việc các DN
vừa đồng loạt tăng giá theo “ông lớn” Petrolimex, có hiệu lực không khác gì
một quyết định hành chính của liên Bộ. Người tiêu dùng vẫn phải móc hầu bao
trả thêm tiền cho mỗi lít xăng dầu mà không tỏ tường vì sao, không có sự lựa
chọn khác.
Vậy thượng đế là ai? Người tiêu dùng
hay DN độc quyền?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét