Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012


07:31
 Bệnh nhân liên tiếp bị nạn tại phòng khám Trung Quốc
Cơ quan chức năng không thể phủi trách nhiệm


1. Tưởng như sau chiến dịch thanh tra, truy quét các phòng khám (PK) Trung Quốc dỏm trên cả nước cách đây một tháng, ngành y tế Việt Nam đã lập lại được trật tự để người dân nhờ. Nào ngờ chỉ trong tuần qua, vấn đề lại được hâm nóng sau cái chết của một bệnh nhân tại PK Maria ở Hà Nội và một bệnh nhân nguy kịch sau khi cắt trĩ tại PK Huê Hạ ở TP.HCM. Cả hai PK này đều có “bác sĩ” Trung Quốc khám chui!
Theo dõi vụ việc trên các phương tiện đại chúng tuần qua, người dân nào cũng lắc đầu ngao ngán trước cách hành xử của cơ quan chức năng. Ở Hà Nội, trách nhiệm như “trái bóng” được chuyền từ bộ Y tế sang sở Y tế, đến chủ doanh nghiệp, rồi cuối cùng là chủ PK. Trả lời báo giới, giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận khó kiểm soát được bác sĩ nước ngoài khám bệnh chui.
Tương tự thế, ở TP.HCM, thanh tra sở Y tế nêu 1.001 lý do bào chữa cho việc không quản nổi PK Trung Quốc như lực lượng thanh tra mỏng, nghiệp vụ chuyên môn hạn chế, luật lệ còn kẽ hở. Nói như thế hoá ra cuối cùng trách nhiệm quản lý chẳng thuộc về ai, và người dân biết thân thì hãy tự bảo vệ lấy mình, đừng trông mong vào ai khác!
2. Thế nhưng cơ quan chức năng không thể rũ bỏ trách nhiệm trong việc bảo vệ sự an nguy của người dân. Thật vậy, trong một xã hội văn minh, những người làm việc trong bộ máy công quyền đều được dân chọn ra, họ phải thật sự trở thành công bộc của dân, bởi đồng lương họ nhận hoàn toàn là từ tiền thuế do người dân đóng góp chứ không phải từ nguồn nào khác. Vậy tại sao sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm ở PK Maria trong hai năm qua, đặc biệt là có người Trung Quốc hành nghề không phép, ngành y tế không thẳng tay đóng cửa để PK này không làm hại người dân Việt Nam?
Còn ở PK Huê Hạ, mặc dù bị đóng cửa hồi tháng qua, nhưng PK này vẫn hoạt động lén lút và tiếp tục giở chiêu lừa gạt người dân. Thế trách nhiệm của chính quyền và y tế địa phương ở đâu? Cần nói thêm, trước đó vài ngày sở Y tế TP.HCM đã đề nghị phòng y tế quận/huyện giám sát chặt việc thực hiện quy định pháp luật đối với các PK Trung Quốc vừa bị đình chỉ hoạt động, thế mà vụ việc vẫn xảy ra!
Tuần qua, sau hai sự việc “oan uổng” trên các nhà quản lý y tế đều tỏ ra hăng hái thể hiện trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ người dân. Tại Hà Nội, đích thân giám đốc sở đi kiểm tra những PK Trung Quốc khác và cũng phát hiện nhiều sai phạm ở những chỗ này. Còn tại TP.HCM, ông Phạm Kim Bình, quyền chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM, cho biết sở Y tế đã xử phạt hành chính mười PK Trung Quốc với số tiền gần 250 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động năm PK, đồng thời chuyển sang công an điều tra ba PK có người Trung Quốc hành nghề không phép. Thế nhưng, trách nhiệm của những người trong hệ thống công quyền không chỉ như thế, người ta còn đòi hỏi họ một trách nhiệm cao hơn, đó là cảnh báo nguy cơ và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cho người dân.
3. Thật ra ngành y tế nước nhà không xa lạ gì với chuyện cảnh báo nguy cơ sức khoẻ cho người dân. Bộ Y tế lập hẳn một hệ thống cơ quan chuyên trách từ Trung ương đến địa phương để làm chuyện này, đó là các trung tâm truyền thông và giáo dục sức khoẻ. Thế nhưng, trước hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra cho người dân trong nước do các PK Trung Quốc gây ra, cơ quan này dường như vẫn “bình chân như vại” và chưa vào cuộc.
Một điều rõ ràng là nạn nhân của các PK này đa phần là những người thiếu thông tin và tin vào các mẩu quảng cáo trên báo, đài. Vậy tại sao cơ quan chức năng không tổ chức những hội thảo nghiêm túc, mời các nhà chuyên môn tham gia, cho ý kiến để giới truyền thông đăng tải, qua đó tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về “thảm hoạ y học xuất khẩu của người Trung Quốc”, bởi đa phần là tạp nham và rác rưởi nhưng lại được đánh bóng để lừa gạt người dân ít hiểu biết. Đáng buồn là trong khi không làm tròn trách nhiệm “truyền thông và giáo dục sức khoẻ” cho người dân, ngành y tế lại thiếu trách nhiệm trong việc duyệt quảng cáo, để cho các “PK có yếu tố nước ngoài” xuất hiện trên báo, đài ra rả lừa gạt người dân vô tội trong suốt nhiều năm qua.
Hai ca tai biến nghiêm trọng tuần qua, một tử vong và một nguy kịch, thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng thiệt hại mà người dân Việt Nam phải trả cho “thảm hoạ y học xuất khẩu của người Trung Quốc”. Trong thực tế chắc chắn còn nhiều trường hợp tiền mất, tật mang mà người dân không lên tiếng; đó là chưa kể vô số thiệt hại về người và của cho việc bệnh nhân Việt Nam chạy sang Trung Quốc chữa bệnh, đặc biệt là ung thư.
Tại TP.HCM, cuối tuần qua đã diễn một hội thảo nhằm tôn vinh những người mắc ung thư, nhưng thực chất đây lại là trò quảng cáo và “dụ” bệnh nhân ung thư trong nước sang Trung Quốc chữa bệnh. Địa điểm xảy ra hội thảo nằm cách trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khoẻ TP.HCM không đầy 200m, nơi lẽ ra phải diễn ra một hội thảo nghiêm túc nhằm cảnh báo cho người dân về “thảm hoạ y học Trung Quốc”!
Ai cho phép tổ chức một hội thảo với nội dung trá hình như thế? Không lẽ các nhà quản lý đã bất lực trong việc ngăn chặn những nguy cơ làm hại sức khoẻ người dân rồi sao? Điều gì thật sự đang xảy ra cho việc bảo vệ người dân?
(SGTT) Phan Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét