Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012


23:10

 Nhóm nghị sĩ Mỹ đề xuất nghị quyết về Biển Đông

Các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ vừa giới thiệu một nghị quyết nhằm thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất việc soạn ra một bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyêt tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
  

Các nghị sĩ John Kerry, John McCain, Jim Webb, James Inhofe, Richard Lugar và Joe Lieberman "mạnh mẽ kêu gọi" các bên trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, sau khi Trung Quốc công bố quyết định lập cơ sở đồn trú tại Biển Đông.
Những người có tiếng nói quan trọng này của chính giới Mỹ cho rằng "tất cả các bên cần kiềm chế trong việc thực hiện các hành động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến sự ổn định". Những hành động như vậy, được nói đến trong dự thảo nghị quyết, gồm việc đưa dân đến ở trên các đảo, bãi đá, rạn san hô không người", và cần xử lý sự khác biệt giữa các bên theo cách tích cực.
Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry. Ảnh: worldpress

Foreign Policy nhận xét rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã làm việc lặng lẽ nhưng quả quyết nhằm thúc giục các quốc gia Đông Nam Á đi đến thống nhất quan điểm đàm phán để đưa ra một bộ quy tắc ứng xử cho tranh chấp, như đã từng làm được khi tuyên bố về cách ứng xử năm 2002.
Tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF trung tuần tháng 7 tại Campuchia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo rằng các bên trong tranh chấp nên giải quyết vấn đề mà không viện đến đe dọa, ép buộc hay hăm dọa bằng kinh tế hay vũ lực
Nghị quyết mà các nghị sĩ mới đưa ra không chỉ ủng hộ tiến trình xây dựng COC mà còn khẳng định cam kết của Mỹ đối với các nước ASEAN về việc ủng hộ các quốc gia thành viên mạnh mẽ và độc lập.
Trao đổi với Foreign Policy, thượng nghị sĩ John Kerry, từng là ứng viên tổng thống Mỹ năm 2004, nói rằng việc ASEAN không đạt tuyên bố chung do bất đồng về cách tiếp cận tranh chấp Biển Đông khiến tình hình thêm căng thẳng, và khiến các nghị sĩ thấy rằng đây là lúc cần tham gia vào vấn đề này.
"Không có gì phải nghi ngờ về cam kết của Mỹ hiện diện lâu dài và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác trong khu vực", Kerry nói. "Chúng ta (Mỹ) có lợi ích lớn lao trong việc đạt được giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề trên Biển Đông, thông qua các tiến trình ngoại giao đa phương và tuân thủ luật quốc tế.
Hôm thứ năm, phát biểu trước Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á Đông Nam Á thuộc Ủy ban đối ngoại thượng viện, cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể là các diễn biến liên quan đến cái gọi là Tam Sa, là vi phạm luật quốc tế.
Ông Webb cho biết sẽ thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình xung quanh các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và thực hiện nhiều hoạt động rầm rộ, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng như Việt NamPhilippines. Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, MalaysiaBrunei có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa”.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để chuyển lời phản đối kế hoạch lập cơ sở đồn trú tại địa bàn của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và phản đối sự xuất hiện của tàu quân sự hộ tống đội tàu cá ở gần khu vực các đảo tranh chấp trong quần đảo Trường Sa.
Thanh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét