09:15
Bình
Phước:
Hàng ngàn hecta đất rừng
bị sang nhượng
Hàng
loạt DNTN lẫn DNNN được UBND tỉnh Bình Phước cấp đất lâm nghiệp để làm dự án
nhưng nhiều năm không thực hiện hoặc đầu tư trái với cam kết ban đầu.
Có doanh nghiệp đem đất đi sang nhượng, mua bán lòng vòng
trái pháp luật… Có người lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động để giao cả trăm
hecta đất mình đang quản lý cho người nhà… gây hậu quả xấu đến chính sách an
sinh xã hội.
Theo một báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, hiện
có gần 7.000 ha đất rừng đang sử dụng sai bị thu hồi và đề nghị thu hồi.
Thường vụ Tỉnh ủy đã phải đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc giao khoán, cho
thuê đất rừng vì tiềm ẩn quá nhiều bất cập, khó kiểm soát...
Có quá nhiều “thủ đoạn” để trục lợi trên rừng, đất rừng
giao cho các doanh nghiệp (DN).
Xin dự án để sang nhượng, liên doanh
Nhiều DN lợi dụng chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Bình
Phước, sau khi dự án được duyệt đã mang đi sang nhượng, bán cho nhiều người
để kiếm lợi.
Điển hình là Công ty TNHH TM Việt Lào (trụ sở tại TP Hà
Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) do ông Nguyễn Bá Linh làm giám đốc. Ông Linh lập ra dự án
nuôi hươu sao, trồng rừng và được UBND tỉnh cho thuê hơn 84 ha đất. Khi chưa
được cấp quyền sử dụng đất, chưa triển khai dự án, ông Linh đã đem đất đi
chuyển nhượng cho Công ty VS và bán cho nhiều người với giá 40-100 triệu
đồng/ha. Số đất mà ông Linh đem bán lên đến 120 ha, vượt xa số đất ông Linh
được cho thuê. Sau nhiều lần người dân đòi giao đất, ông Linh hứa rồi bặt
tăm.
Ở Công ty TNHH Bảo Nhi do ông Vũ Mạnh Đức (ngụ huyện Đồng
Phú, Bình Phước) làm giám đốc, sau khi xin được 97 ha để trồng cao su, ông
đem bán cho nhiều người để hưởng lợi hàng chục tỉ đồng rồi dùng thủ thuật
tách, cấp sổ cho người mua nhưng không có đất để giao. Tháng 10-2011, ông Đức
đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Rừng nghèo tại Suối Nhung bị
triệt hạ để nhường chỗ cho các dự án cao su. Ảnh: N.ĐỨC
Giao cả trăm hecta cho DN “sân sau”
Ngoài chuyện giao đất rừng cho DN để họ đi bán, lừa đảo,
bỏ hoang…, ở Bình Phước còn xảy ra chuyện mang đất do công ty mình quản lý
giao cho DN “sân sau”.
Sau nhiều lần sáp nhập, Công ty TNHH một thành viên Cao su
Sông Bé được Nhà nước giao quản lý hơn 14.000 ha đất rừng cao su. Thế là tổng
giám đốc và phó tổng giám đốc công ty này đã đề xuất Nhà nước giao đất cho
công ty của vợ, con. Cụ thể, ông Đỗ Quốc Quýt (Tổng Giám đốc) đã đề xuất cấp
90 ha đất (đã trồng 80 ha cao su) thuộc Công ty Cao su Sông Bé cho Công ty
TNHH Tân Thiên Mẫn do ông Đỗ Nguyễn Minh Trí (con ông Quýt) làm giám đốc. Còn
Phó Tổng Giám đốc Đặng Văn Hơn thì đề xuất giao cho Công ty một thành viên
Hưng Phước Trường do bà Lê Thị Nghĩa (vợ ông Hơn làm giám đốc) hơn 102 ha.
Từ đề xuất của hai người này, hai công ty “sân sau”
được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận.
Sau khi sự việc vỡ lở, cơ quan chức năng kết luận ông Quýt,
ông Hơn đã vi phạm nghiêm trọng các điều đảng viên không được làm, gây dư luận
xấu với cán bộ và nhân dân. Mới đây, hai ông bị kỷ luật khiển trách.
Xử lý số đất mà hai ông đề xuất giao cho người nhà, Thanh
tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi đất giao sai
(Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị này). Tuy nhiên, ngày
9-5, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Công ty Cao su Sông Bé thu của Công ty Tân
Thiên Mẫn 20% diện tích cao su để bổ sung cho quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh
(tức hơn 18/90 ha được giao). Điều này không chỉ trái với ý kiến chỉ đạo của
phó thủ tướng mà còn làm dư luận càng băn khoăn, nghi vấn.
Thiếu đất an sinh nhưng đất dự án bỏ hoang
Người dân Bình Phước khá bức xúc việc giao hàng ngàn hecta
đất cho DN (như Công ty Rạng Đông được giao hơn 1.400 ha, Thiên Ân được 525
ha… vừa bị thu hồi) nhưng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến
tình hình phát triển kinh tế địa phương. Điều này còn gây khiếu kiện phức tạp
trong quản lý đất rừng trên địa bàn (do nhiều diện tích đất rừng giao cho DN
có người dân xâm canh từ trước đó). Trong khi quỹ đất lo cho an sinh xã hội
lại thiếu nhưng DN thì ngâm dự án, sang nhượng trái phép.
Nhiều người cho rằng việc lãng phí tài nguyên đất có trách
nhiệm của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước. đây là cơ quan tham mưu cho UBND
tỉnh nhưng đã không đánh giá năng lực, kiểm tra việc triển khai dự án của DN
nên đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất rừng.
Ông Trần Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình
Phước lý giải: “Việc DN chậm triển khai dự án, đem dự án đi sang nhượng trái
phép trách nhiệm thuộc về chủ rừng, chủ đầu tư. Chủ rừng khi phát hiện dấu
hiệu sang nhượng trái phép phải báo cáo ngành chức năng. Việc này đã có quy
định của UBND tỉnh và văn bản của Sở nêu rõ rồi. Sau khi dự án đã được bàn
giao mà để xảy ra vi phạm thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và
pháp luật”.
Ông cũng cho biết: “Sở tham mưu theo chức năng nhiệm vụ
của mình, Sở đánh giá hiện trạng khu đất và báo cáo cho UBND tỉnh xem xét,
quyết định. Sở làm đúng chức năng, còn DN làm sai, họ phải chịu trách nhiệm”.
Còn ông Nguyễn Văn Khánh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình
Phước thì nói: “Tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm trong quản lý đất rừng sai phạm”.
(PL
TPHCM) NGUYỄN ĐỨC - HOÀNG DŨNG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét