Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012


08:14
Những giá trị lịch sử đang bị lãng phí


Gần 20 bảo tàng trên địa bàn Hà Nội phần lớn đang trong tình trạng đìu hiu vắng khách. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam… rất có tiếng, nhưng phần lớn khách lui tới tham quan lại là người nước ngoài. Trong khi chúng ta đang đặt ra vấn đề phải đẩy mạnh giáo dục lịch sử cho lớp trẻ, rõ ràng sự vắng khách tại các bảo tàng thực sự là một điều đáng lo ngại.


Phần lớn khách tới tham quan bảo tàng là người nước ngoài
Ảnh: HOÀNG LONG 
Ngày 26-7, sự kiện TS Mai Hồng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ thời nhà Thanh của Trung Quốc đã gây sự chú ý trong dư luận. Tại tấm bản đồ này, chính người Trung Quốc đã xác nhận chủ quyền của họ tới cực Nam là đảo Hải Nam, không có Trường Sa, Hoàng Sa. Ngay sau đó, chiều 27 -7, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã làm một việc có ý nghĩa, đó là mang trưng bày tấm bản đồ trong chủ đề chung là Di sản văn hóa biển Việt Nam đang diễn ra tại đây. Từ sự kiện trên cho thấy, bảo tàng có một vai trò quan trọng trong việc trưng bày các hiện vật, di sản và tư liệu, giúp cho người xem hình dung được quá khứ, qua đó nối tiếp truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Chắc chắn rằng, khi đến Bảo tàng Lịch sử để chiêm ngưỡng Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, nhiều thế hệ người Việt Nam sẽ hiểu hơn nữa về chủ quyền biển đảo của nước mình.

Nhiều năm trở lại đây, tuy Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được bài trí, tạo không gian đẹp, các hiện vật phong phú, thái độ phục vụ chuyên nghiệp… nhưng dường như mọi sự cố gắng vẫn như muối bỏ biển khi mà khách trong nước vẫn chưa chịu mua vé vào tham quan. Điều này được chị Uông Thị Hà, nhân viên bán vé tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xác nhận và cho biết thêm, khách tới tham quan thường là khách nước ngoài. Một số trường học thi thoảng có đưa học sinh tới tham quan nhưng thường đưa vào ngày thứ 3 và thứ 6 trong tuần, hai ngày đó học sinh được miễn phí hoàn toàn. Ngày thường giá vé người lớn 20.000 đồng/người, trẻ em, người già 10.000 đồng/người. Như vậy, bảo tàng lớn này đã có một sự ưu đãi để thu hút đối tượng tới tham quan. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà lấy làm tiếc khi thấy khách nước ngoài say mê khám phá, có khi họ ở đó cả buổi để tra cứu, tìm hiểu, ngắm nghía và chụp ảnh, họ thực sự hào hứng với lịch sử Việt Nam… Còn người Việt mình thì hầu như không đến, hoặc có đến tham quan nhưng thái độ lại rất thờ ơ.

Khách nước ngoài hào hứng vào xem bảo tàng

Tượng tự, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khách trong nước cũng ghé thăm rất ít dù đây là nơi lưu giữ các hiện vật, tài liệu phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 dân tộc trên khắp cả nước một cách sống động và lôi cuốn. Mỗi sự kiện diễn ra tại bảo tàng này là một sự kiện văn hóa độc đáo, đặc sắc. Hay tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hiện vật là những chiếc máy bay, xe tăng, những trang thiết bị, vũ khí đã đi cùng quân đội ta qua các cuộc chiến, được bày trí làm sống dậy tinh thần yêu nước, khiến mỗi người nếu có dịp đi ngang qua đây cũng thấy được một phần kiêu hãnh về lịch sử của dân tộc. Song trên thực tế, lâu nay cũng rất ít khách đến thăm quan bảo tàng này.

Ông Nguyễn Tuấn Tác, một cán bộ hưu trí từng công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) cho biết, ông đã đi nhiều nước, và tới đâu cũng ghé vào các bảo tàng. "Ở thủ đô các nước thuộc châu Âu, tuy hệ thống bảo tàng rộng khắp nhưng người dân cũng như khách tham quan phải mua vé từ hôm trước và xếp hàng cả buổi mới được vào tham quan. Giá vé ở đó tính ra tiền Việt lên tới gần 1 triệu đồng/vé. Nhìn những bảo tàng ở Hà Nội, hiện vật nhiều, giá trị lịch sử lớn, nhưng dân mình thờ ơ quá, tôi thấy thật đáng tiếc”.

Bên cạnh đó, ở trường học, môn lịch sử hiện cũng khiến ngành giáo dục đau đầu bởi cách dạy không thuyết phục được học sinh. GS sử học Phan Huy Lê từng hết sức lo lắng bởi học sinh hiện nay không biết lịch sử nước nhà. "Đó là một điều nguy hại”, GS Lê nhận xét. Còn ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN thì cho rằng, cần có phương thức chuyển tải lịch sử phù hợp. "Sang một số nước, thấy ở đâu cũng mang dấu ấn lịch sử, lịch sử của bóng dáng con người. Còn chúng ta thường dạy học trò lịch sử vô nhân xưng, rất chung chung, toàn là những ý niệm, biểu tượng mà ít thấy bóng dáng con người”. Như vậy, rõ ràng việc dạy sử "chay” như hiện nay, việc học sử thiếu đi những cảm nhận trực quan sinh động, việc chúng ta để lãng phí giá trị của các bảo tàng…đã góp phần trả lời cho câu hỏi vì sao những người trẻ hôm nay chưa mặn mà với bộ môn khoa học Lịch sử.
(Theo ĐĐK) Minh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét