09:51
Đến 2015, giá điện chỉ tăng, không
giảm:
Không để EVN tăng giá tùy tiện
TP - Sau tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn
Điện lực Việt Nam (EVN): “Đến 2015, giá điện chỉ tăng, không giảm”, nhiều
chuyên gia phân tích chỉ ra sự vô lý trong kinh doanh của EVN; Còn các doanh
nghiệp tỏ ra lo ngại, vì sợ giá thành tăng mạnh, không thể cạnh tranh với sản
phẩm của các nước.
Nhiều vô lý
Đánh giá về việc Phó Tổng giám đốc EVN
Đinh Quang Tri thông báo, từ nay đến 2015 giá điện sẽ chỉ tăng, không giảm do
phải gánh một phần bù lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước, một quan chức
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, EVN viện lý do phải tăng giá điện vì lỗ,
điều chỉnh tỷ giá còn treo 26.000 tỷ đồng từ năm 2010 là phi lý.
Thứ nhất, EVN là đơn vị kinh doanh điện
chứ không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên không thể đề cập chênh lệch tỷ
giá ở đây.
“Trong ngành điện, chênh lệch tỉ giá
tính chủ yếu ở khâu nhập máy móc, thiết bị đầu tư nhưng khoản tiền này hạch
toán trong xây dựng cơ bản chứ không được hạch toán toàn bộ trong kinh doanh
điện. Làm ăn thua lỗ như tư nhân thì phải bỏ tiền túi ra mà đền.
Với bộ máy cồng kềnh, quản trị yếu kém
như của EVN hiện nay cũng như việc làm thất thoát thua lỗ rồi lại bắt dân
gánh là trái đạo đức. Lấy lý do chênh lệch tỉ giá dẫn đến lỗ để tăng giá điện
cũng là không đúng. Sòng phẳng thì khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì lãnh
đạo phải bỏ tiền túi ra mà đền, ai làm lỗ khâu nào bỏ tiền ra đền khâu đó”- ông
kiến nghị.
Một chuyên gia ngành điện khác cũng
khẳng định với PV Tiền Phong, việc nuôi bộ máy cồng kềnh, lương quá cao của
EVN, là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí giá thành điện của Việt Nam cao.
Theo ông này, EVN đang quản lý hơn
26.000 MW mà có tới hơn 10 vạn cán bộ, công nhân viên trong khi ở Ấn Độ, cơ
quan điện lực nước này quản lý hơn 300.000 MW nhưng chỉ cần tới hơn 4.000 cán
bộ công nhân viên. Các nước khác trên thế giới cũng tương tự.
“EVN đang mua 700 đồng/kWh, bán ra bình
quân 1.506 đồng/kWh. Mua rẻ bán đắt như vậy thì tiền lãi bỏ đi đâu mà kêu lỗ.
Dân có biết chuyện này không? Còn nếu làm ăn thua lỗ mà có người phải đi trả thay
thì sướng quá. Ngoài ra, cũng cần làm rõ số tiền nhiều nghìn tỷ đồng EVN thu
được từ việc chuyển EVN Telecom sang cho Viettel đã được dùng để làm gì?”-
ông phân vân.
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp
Bộ KH&ĐT khẳng định: Tăng giá điện chỉ mang lại lợi ích cho EVN là chính,
còn các đơn vị khác đầu tư vào điện không được hưởng gì.
Hiện EVN mua lại điện của các nhà đầu
tư nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh (tương đương khoảng
1.054 đồng/kWh) nhưng khi EVN tăng giá bán nhà đầu tư bán điện cho EVN chưa chắc
đã được tăng giá.
“Cơ chế giá điện hiện nay đang chỉ làm
lợi duy nhất cho EVN. Giá điện hiện nay mới là giá điện bán lẻ, chưa có cơ
chế cho giá bán buôn”- ông nói.
Doanh nghiệp
sốc
Thông tin giá điện từ nay đến 2015 sẽ
được cộng dần thêm 26.000 tỷ đồng tiền phân bổ khoản lỗ do chênh lênh tỷ giá
của EVN trước đây, với mức tăng tương ứng khoảng 10% (như cách tính của ông
Đinh Quang Tri đưa ra tại cuộc gặp báo chí về giá điện cuối tuần qua) khiến nhiều
đại diện doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội
khẳng định sẽ không thể chịu được nếu giá điện liên tục tăng trong các năm
tới.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn
Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt
Với bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như
hiện nay, việc ngành điện tăng giá đều đặn từ nay đến 2015 bất chấp các doanh
nghiệp khác đang lỗ, cần xem lại, không thể để EVN tăng giá tùy tiện.
“Đầu ra của ngành thép và các ngành
khác đang khó khăn thế này, tăng giá điện khác gì doanh nghiệp đang chết cháy
lại đổ thêm dầu. Với sản xuất cán thép, cứ một tấn tiêu hao 100 kWh. Chỉ
riêng với sản lượng gần 5,7 triệu tấn thép cán của năm 2011, chi phí của
doanh nghiệp sẽ bị đội lên từ giá điện tăng trực tiếp lên tới gần 100 tỷ
đồng. Còn với mức tiêu hao gần 600 kWh, để sản xuất 1 tấn phôi thép thì tiền điện
tăng thêm rất lớn. Giá điện đầu vào tăng mà giá đầu ra không tăng được thì DN
sẽ chết”- ông phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam
Nguyễn Văn Thiện cho biết. “Hàng hóa đang ế ẩm, tồn kho cao trong khi giá xi
măng 2 năm nay không tăng, thậm chí còn giảm do cạnh tranh khuyến mại vì cung
lớn hơn cầu. Cộng thêm giá điện tăng như thế thì DN chồng chất khó khăn ”-
ông Thiện nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch Cty
Cổ phần sữa Quốc tế, với mức tăng 10% của giá điện mỗi năm, nếu giá đầu vào giữ
nguyên như hiện nay, thì riêng việc dùng điện duy trì trạm làm lạnh tại nơi
thu mua sữa, doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí.
Giá điện tăng 10% thì mỗi tháng doanh
nghiệp sẽ bị đội chi phí khoảng 300 triệu đồng. Nếu cứ để giá điện tăng tù mù
như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh”, ông Khải nói.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét