Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012


21:41

 Sống dưới gầm “tàu thủy”: Bỏ đất nhà, mót đất đồng xa


(Dân Việt) - Vụ tiêu cực tại Vinashin sắp được xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên trách nhiệm của tập đoàn này với số phận khốn khổ của những người nông dân mất đất chắc chắn sẽ không được nhắc đến trong phiên tòa…

Cả xã Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) đang bị Vinashin “treo” đất nông nghiệp. Quá nhiều người mất đất nên mót được miếng đất để trồng cấy trên vùng quê này là cả một hành trình gian khổ.
Đôi bạn cùng khổ
Căn cứ vào Văn bản 1055/QĐ- TTg (năm 2001) cho phép Công ty CP Công nghiệp Tàu thuỷ Hải Dương mở rộng 2,7ha làm xưởng sửa chữa, năm 2003, UBND tỉnh Hải Dương đã “mạnh dạn” triển khai Dự án Cụm công nghiệp tàu thuỷ Hải Dương tại xã Lai Vu, thu hồi tới 212,89ha (chiếm 86% đất canh tác toàn xã). Đã gần 10 năm trôi qua, vùng đất nông nghiệp ấy vẫn để nuôi cỏ hoang.
Hai bà già đang ngồi bên nhau nhặt rau cho kịp buổi chợ vào sáng 16.7 ấy đã gần chục năm trước mất toàn bộ đất canh tác và giờ phải vỡ vạc mảnh đất hiếm hoi này để trồng rau bán kiếm sống qua ngày. “Mỗi ngày cũng được mươi nghìn anh ạ, gần đủ gạo để đầy cái bụng già” – cụ Bùi Thị Thoa (đội 1, thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu) - một trong hai người phụ nữ ấy bảo tôi.
Năm nay cụ đã hơn 80 tuổi. Trước đây, cụ có 1,5ha đất canh tác. Là nơi đất tốt ven sông lại có nghề trồng hoa màu nổi tiếng, với bằng ấy đất, người dân Lai Vu không lo đói khổ. Nhưng nay đất tốt không còn nữa. Thậm chí 3 thước đất hương hoả của nhà cụ Thoa cũng bị dự án “tàu thuỷ” kia thu hồi.
Khi khoảng ao có cái tên “ao Bà Rụng” được UBND xã lấp đầy đất thì cụ là người đầu tiên đến xin mót đất để trồng rau, nhưng cụ không phải là người duy nhất. Miếng vườn thảm hại của cụ chỉ trên duới 30m2, còn phải để chỗ cho người khác nữa chứ. Cụ lầm bầm như than thân: “Tôi ở mỗi mình, không đi mót tí đất này, chả nhẽ lại đi ăn xin. Nhưng tôi chưa khổ, bà cụ Hiện còn khổ hơn tôi”.
Cái tuổi hơn 90 của cụ Bùi Thị Hiện (cũng ở đội 1, thôn Quyết Tâm) không cho phép cụ ham chuyện, ánh mắt mờ đục cắm xuống từng gốc rau quý giá. Cụ và con dâu ở với nhau (con đẻ đã mất), mà cô con dâu cũng ở cái tuổi không thể đi đâu, không thể làm gì... Khi chia tay với 3 sào đất của cả gia đình, cô con dâu Bùi Bách Hường nhận việc thu gom rác trong xã, mỗi tháng được 240.000 đồng.
“Cánh đồng rau” của cụ Hiện cho thu nhập khoảng trên 100.000 đồng, mỗi tháng, hai mẹ con có khoảng 30 cân gạo, thế là... tươm lắm. Cụ Hiện phều phào: “Không làm thì không sống được mà sống thế này thì cũng nản lắm. Bà cụ Thoa còn may hơn tôi”.
Hỏi về cái may mắn ấy thì cụ Hiện bảo: “Bà cụ Thoa may vì có cậu con Bùi Hữu Thắng là... liệt sĩ. Mỗi tháng bà ấy còn có tiền chế độ”. Còn cái may mắn nào cay đắng hơn sự may mắn này nữa không?
Vỡ đất đồng xa
Ở xã Lai Vu bây giờ, tìm bóng những cây to trong vườn nhà khó lắm. Tất cả đều bị chặt để những mảnh đất quý báu lộ ra dưới ánh sáng mặt trời, lúc ấy mới trồng rau màu được.
Ông Bùi Khắc Đờn cho biết: “Phải chặt tiệt hết cây to trong vườn mới kiếm được nửa sào trồng rau này đấy”. Con đi làm xa, lại khó khăn, nuôi mồm còn chưa đủ nên nguồn sống của hai ông bà chỉ trông vào mảnh đất ấy. Không lương hưu, không chế độ - những người như thế ở Lai Vu nhiều lắm.
Vụ vừa qua, do nhu cầu quá bức thiết về đất nông nghiệp, những người dân Lai Vu đã tiếp tục canh tác trên mảnh đất của cụm công nghiệp tàu thủy. Đã có một vụ lạc bội thu và người dân tại đây đã có một mơ ước tréo ngoe: “Cầu cho dự án này đắp chiếu… mãi mãi”.
Những người còn sức ở Lai Vu thì đi vỡ đất ven sông. Đang buổi gieo giống rau mà anh Bùi Duy Nhã vẫn phải ngồi nhà. Anh bảo: “Xe máy hỏng chưa đi làm được, chờ sửa xe xong thì đi”.
Mảnh đất anh vỡ ở bãi sông cách nhà tận 6km. Trước đây, hộ anh Nhã là một trong những hộ nông dân xốc vác nhất xã. Có 9 sào 10 thước hết lúa lại đến hoa màu, việc làm có đủ quanh năm.
Từ khi mất hết đất, cái tuổi 52 tuy không trẻ nhưng sức lực vẫn còn bỗng trở lên vô dụng. Do bà vợ bị ốm đau quặt quẹo, vừa rồi dính một đận tưởng chết nên anh Nhã không dám đi làm thuê làm mướn bên ngoài.
Anh xuống tận bờ sông xa vỡ đất (vì các khu gần phải nhường cho những người yếu, neo đơn) cũng cải tạo được 2 sào đất. Nhưng làm ăn bấp bênh theo con nước, hoa màu là giống không chạy được lũ nên nhiều vụ bị mất trắng.
Chị vợ Nguyễn Thị Thơ dù thương chồng cũng chẳng biết làm gì, ngồi rấm rứt: “Giá đồng ruộng ngay đây thì thỉnh thoảng bớt bệnh tôi có thể đỡ đần anh ấy chút ít. Đồng xa như thế thì tôi đi làm sao?”...
Nam Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét