13:00
Bài học từ thời vỡ quỹ tín dụng
TP - Giai đoạn 1988-1989, gần 100 Quỹ
tín dụng nhân dân đã bị “vỡ” chỉ sau 2 năm thành lập. Từ bài học đổ vỡ này,
ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) thời kỳ đó đã chỉ
ra cái gốc nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là từ đâu.
Vỡ quỹ vì cấp
phép tràn lan
Ông Kiêm kể: “Năm
1988-1989, thành lập gần 100 Quỹ TDND, với tổng vốn huy động và cho vay trên
1.000 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, đã bị đổ vỡ. Có 3 nguyên nhân
lớn dẫn tới sự đổ vỡ của Quỹ TDND.
Thứ nhất, việc cấp giấy phép cho các
quỹ này rất tràn lan, không rõ tiêu chí, không có cơ sở đảm bảo an toàn. Thứ
hai, đội ngũ cán bộ làm quỹ thiếu trình độ, nghiệp vụ quản lý, nhất là hoạt
động vay- trả. Ba là, việc kiểm tra, giám sát của NHNN không sát sao, kém hiệu
lực… nên dẫn tới đổ vỡ thôi.
Soi vào tình hình hệ thống ngân hàng
hiện nay, nếu ngân hàng nào có biểu hiện của các khuyết điểm trên thì hoạt
động không tốt, có nợ xấu cao.
Có thể nói, đây là thời điểm nợ xấu cao
nhất. Dù con số nợ xấu là 10% hay 8,6% thì cũng cho thấy, nợ xấu của ngân
hàng đang rất nghiêm trọng.
Nợ xấu sẽ còn tăng nữa khi chúng ta
tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng yếu kém, kiểm toán
và minh bạch tài chính.
Trong lúc này, các biện pháp xử lý nợ
xấu lại chưa thống nhất, chưa có cơ sở nào để đảm bảo xử lý cái cũ, ngăn chặn
cái mới gia tăng.
Trong nhiều năm qua,
nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) luôn tìm cách lẩn tránh chỉ đạo của NHNN về
huy động và cho vay. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Đúng, gần đây nhất, NHNN chỉ đạo các
ngân hàng giảm ngay lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm. Thế nhưng, chỉ một vài
ngân hàng thực hiện, số khác vẫn làm theo quy định của riêng họ.
Nguyên nhân chính là do NHNN đưa ra chủ
trương nhưng không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thống nhất. Đồng thời,
việc kiểm tra, giám sát và phát hiện sai phạm của NHNN không kịp thời, hoặc
phát hiện nhưng không có chế tài xử lý nghiêm minh.
Do đó, một số ngân hàng “nhờn”, không
chấp hành kéo theo các nhà băng khác cũng chẳng vội thực hiện.
Nhưng quan trọng hơn, do lợi ích cục bộ
và bản thân ngân hàng không đủ điều kiện thực hiện. Bằng chứng là, cả ngân
hàng tốt và yếu kém đều cố tình giấu nợ xấu.
Vì nếu công khai hết, ngân hàng sẽ phải
tăng trích dự phòng rủi ro, có thể dẫn tới bị giảm lợi nhuận, giá cổ phiếu
giảm, cổ đông phản ứng. Nhất là, ngân hàng có nhiều nợ xấu sẽ bị xếp vào nhóm
yếu kém, bị NHNN xử lý.
Gần đây, nợ xấu tăng
nhanh là vì sao, thưa ông?
Nợ xấu tăng do nhiều nguyên nhân, mà
chủ yếu là do ngân hàng cho vay dễ dãi, không kiểm soát chặt chẽ, không nắm
bắt thông tin và xử lý kịp thời, quá ưu ái cho “doanh nghiệp ruột” hay “sân
sau”.
Mà chỗ nào có những tồn tại này thì rủi
ro cho vay rất lớn, tùy thuộc vào mức độ, mối quan hệ… Mối quan hệ giữa ngân
hàng- doanh nghiệp dựa trên sự tín nhiệm và quan hệ lợi ích đôi bên cùng có lợi.
Nhưng “quan hệ” hiểu theo nghĩa vì lợi
ích cá nhân, lợi ích nhóm mà nhẹ tay, làm sai quy định, thì sớm muộn cũng sẽ
dẫn tới rủi ro.
Nhất là trong lĩnh vực bất động sản,
ngân hàng cho vay 60-70% giá trị dự án, nhưng khi định giá tài sản lại nâng
giá gấp vài lần, tức là có 1 đồng, thổi giá thành 2 đồng, nên doanh thu, lợi
nhuận làm ra không thể bù được khoản vay.
Mà khi ngân hàng và doanh nghiệp đã móc
nối với nhau, thì bất cứ chỗ nào sơ hở là xảy ra rủi ro, nợ xấu tăng lên.
Chỉ khác nhau về mức độ thôi. Doanh nghiệp
nhà nước có khoản vay lớn nên xảy ra rủi ro thì tổn thất lớn hơn. Đây chính
là mảng tối trong mối quan hệ giữa ngân hàng- doanh nghiệp hiện nay.
Xử nghiêm ngân hàng
vi phạm
Từ kinh nghiệm đổ vỡ
Quỹ TDND, nếu bây giờ được ngồi ở vị trí Thống đốc NHNN, ông sẽ xử lý những
tồn tại của các ngân hàng ra sao?
Theo tôi, việc quản lý các ngân hàng
thương mại có vấn đề. Những người có trách nhiệm trong công tác kiểm tra,
kiểm soát nội bộ không phát hiện ra, hoặc phát hiện nhưng không xử lý triệt
để, đến nơi đến chốn.
Điều này đã tạo thành nếp xấu, các ngân
hàng cứ nhìn nhau và không anh nào chịu chấp hành đúng quy định, dẫn tới hệ
quả là nợ xấu tăng.
Vấn đề xử lý nợ xấu, theo tôi, trước
hết phải xác định chính xác số nợ xấu, chỉ ra cụ thể nợ xấu ở đâu, nguyên
nhân là gì? Trong đó, ngân hàng nào yếu kém phải kiểm toán, tìm rõ khuyết
điểm…
Muốn đánh giá được, thì ngân hàng phải
đi cùng với quá trình sắp xếp doanh nghiệp và ngân hàng. Quá trình này chắc
chắn sẽ còn bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến nguồn vốn và nợ xấu.
Sau đó, mới tính toán mua nợ chỗ nào,
mua bao nhiêu nợ chứ không phải mua hết nợ xấu.
Tiếp theo, tiến hành thành lập công ty
mua bán nợ xấu (AMC) để triển khai việc mua nợ. Nhưng cần có thiết kế tổng
thể về nguồn vốn, cơ chế hoạt động, cơ quan quản lý… cũng như lộ trình thực
hiện của AMC.
Theo tôi, nên để NHNN quản lý AMC vì họ
có kinh nghiệm xử lý nợ xấu, giá mua nợ phải do Hội đồng định giá đưa ra… Khi
chưa làm rõ các vấn đề trên, mà đã vội vàng ôm một cục nợ vào thì rất nguy
hiểm.
Nhưng để làm được
những việc như ông nói sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi nền kinh tế đang
cần khơi thông dòng vốn ngay. Vậy theo ông, việc cần làm ngay là gì?
Theo tôi việc cần làm ngay bây giờ là
kiểm soát chặt chẽ đầu ra của các NHTM, ngăn chặn các khoản nợ xấu. Khi có nợ
xấu, phải trích lập dự phòng ngay theo đúng quy định.
Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại các
khoản nợ, giảm lãi nợ cũ về 15%/năm. Điều này có thể giúp chặn ngay cục nợ
xấu đang phình to ra.
Cảm ơn ông.
(TPO) Thu Hằng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét