Khuyến
khích lãnh đạo để xảy ra tham nhũng từ chức
(Dân trí) – “Người đứng đầu
phải chủ động tạm đình chỉ nhân viên có dấu hiệu tham nhũng”, “Nếu chủ động
từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng thì được giảm nhẹ
trách nhiệm”…dự thảo luật phòng chống tham nhũng sửa đổi quy định.
Bất cập “quản” biến động tài sản cán bộ
Tờ trình của Thanh tra Chính phủ về những nội dung mới của
dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi gửi tới Chính phủ xem xét, cho ý kiến
đặt vấn đề, công cuộc chống quốc nạn hiện tại còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, về việc thực hiện công khai,
minh bạch trong hoạt động của các cơ quan có tình trạng lạm dụng quy định về
bí mật nhà nước để không công khai những nội dung công khai, minh bạch việc
xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và công
khai báo cáo tài chính trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; công khai việc
giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất; công khai công tác cán
bộ; công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh
tra; công khai, minh bạch các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi
hành án; công khai trong ấn định mức thuế...
Các quy định về kê khai tài sản
với cán bộ còn hình thức, hiệu quả thấp.
Những nỗ lực minh bạch tài sản, thu nhập dù đã thực hiện
nề nếp nhưng còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu
quả thấp. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của Luật chưa giúp cơ quan
nhà nước có thẩm quyền theo dõi được những biến động về tài sản của người có
nghĩa vụ kê khai để từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, phát
hiện tham nhũng. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ
tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa
được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám
sát nhằm kịp thời phát hiện những tài sản, thu nhập có nguồn gốc không hợp
pháp.
Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra
tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thừa nhận chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều
nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
khi để xảy ra tham nhũng và xử lý người đứng đầu khi họ trực tiếp hoặc liên đới
thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể
nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu. Bên cạnh đó, trình
tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều
vướng mắc trên thực tế. Kết quả sơ kết cũng phản ánh số vụ việc, vụ án tham
nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn
ít, cá biệt có một số địa phương không phát hiện được vụ việc nào.
“Nới khung” giá trị tài sản tăng thêm cần khai báo
Một nội dung quy định qua nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng
góp đã nhận nhiều ủng hộ là vấn đề đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Theo
đó, dự thảo luật quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người
có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và bổ sung
thêm nhóm cán bộ là Đảng viên đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn
vị (không bao gồm nhóm đối tượng đảng viên là nông dân hoặc đã nghỉ hưu).
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai
tài sản, thu nhập mọi biến động về tài sản, thu nhập thuộc sở hữu của mình và
tài sản, thu nhập thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Nghĩa vụ công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ
quan, đơn vị nơi người kê khai công tác và tại kỳ họp cơ quan dân cử nếu là
ứng viên được bầu, phê chuẩn... cũng được cụ thể hóa trong luật. Đáng chú ý,
dự thảo “nới khung” quy định tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở
lên mới phải kê khai, thay vì 50 triệu đồng như hiện hành.
Dự thảo luật cũng quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn
gốc tài sản khi có tài sản tăng thêm từ 100 triệu đồng trở lên so với lần kê
khai gần nhất. Nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm
một cách hợp lý, cán bộ sẽ bị “xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, dự thảo luật mới còn đưa ra “chế tài mạnh”, quy
định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối
với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác
minh làm rõ hành vi tham nhũng.
Về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo bổ sung
một điều luật yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chủ động hoặc kiến
nghị cấp trên tạm đình chỉ hoặc chuyển công tác khác với nhân viên nếu phát
hiện họ có dấu hiệu tham nhũng.
Một quy định mới được thể hiện trong dự thảo luật là
khuyến khích từ chức vì lý do trách nhiệm hoặc sai phạm. Cụ thể, người có
chức vụ, quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy
ra tham nhũng thì được giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự.
Về Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trong tờ trình,
Thanh tra Chính phủ xin Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 3 phương án.
Phương án thứ nhất thể hiện theo đúng nội dung trong Kết
luận Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng (khóa XI), để Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ
Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra,
đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội
chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng.
Phương án thứ hai, quy định Ban Chỉ trong Luật sửa đổi để
đảm bảo tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham
nhũng. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt
động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền
hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo do UBThường vụ Quốc hội quy định.
Phương án thứ ba xác định Ban Chỉ đạo
là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi
không quy định vấn đề này.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 8
chương, 109 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào vấn đề lớn
như: quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ
quan, tổ chức, đơn vị; quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; về trách
nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng); về
ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống
tham nhũng.
Quan điểm đưa ra, trước hết, sửa đổi các nội dung mà
qua thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thấy đã đủ rõ như: Việc tăng
cường công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực quản lý, nhất là lĩnh vực
ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu chi và phân bổ ngân sách); quản lý đất đai,
tài nguyên, khoáng sản; quản lý tổng công ty, tập đoàn nhà nước; việc tuyển
dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc
thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê
khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm
giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và một số vấn đề khác.
|
(Dân Trí) P.Thảo
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét