22:10
Chủ nghĩa Mao Trạch Đông 'truyền lửa' cho Bạc Hy Lai
(VTC News) – Kể từ sau khi vụ bê bối của cựu Bí thư tỉnh ủy
Trùng Khánh Bạc Hy Lai được phanh phui cách đây gần 4 tháng, những thông tin
xoay quanh chính trị gia họ Bạc luôn là chủ đề được báo giới Trung Quốc cũng
như dư luận quốc tế quan tâm.
Từ việc ông Bạc có xuất thân hoành tráng như thế nào, đã bước vào
chính trường Trung Quốc để rồi tiến thân ra sao, những mối quan hệ cá nhân, những
âm mưu chính trị, thậm chí cả bê bối tình ái cho tới cú ‘ngã ngựa’ ngoạn mục
hồi cuối tháng 2 vừa qua.
Hiện quá trình điều tra làm rõ những cáo buộc của cựu Giám đốc
Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân về việc Bạc Hy Lai có liên quan tới các vụ
án tham nhũng, làm ăn phi pháp, giết người diệt khẩu… còn chưa có kết luận
cuối cùng.
Tuy nhiên, những thông tin về cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh vẫn
liên tiếp được đăng tải trên nhiều bài báo trong và ngoài nước.
Giờ đây người ta không chỉ quan tâm tới việc những cáo buộc kia
có phải là sự thật hay không và Bạc Hy Lai đã che mắt chính quyền Bắc Kinh ra
sao trong vụ bê bối tày trời ấy.
Điều họ muốn biết nữa là ông Bạc đã leo lên được vị trí lãnh đạo
trong Đảng Cộng sản như thế nào từ một chức quan ‘thường thường bậc trung’ ở
Đại Liên; hay thậm chí cả chuyện Bạc Hy Lai trước khi bước chân vào giới chính
trị Trung Quốc.
Và rồi những cái tên ‘đình đám’ trong giới cầm quyền Bắc Kinh như
Mao Trạch Đông hay Giang Trạch Dân đã lần lượt được nhắc tới cùng những mối liên
hệ khác nhau trong cuộc đời, sự nghiệp của chính trị gia họ Bạc.
Tuần trước, báo Asahi Shimbun đã đăng bài viết ‘tố’ Bạc Hy Lai
dùng mưu kế lấy lòng cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trên con đường tiến thân
vươn tới vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc để thỏa mãn giấc mộng
‘Thiên tử’, ‘Hoàng đế’ của mình.
Trong một bài báo mới đây cũng được đăng trên tờ Asahi Shimbun
của Nhật, phóng viên Nozomu Hayashi lại viết về ông Bạc thuở niên thiếu với
sức ảnh hưởng to lớn từ tư tưởng của Mao Trạch Đông.
Ngày 1/1/1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông đọc tuyên ngôn độc lập
khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước sự chứng kiến của hàng ngàn
người tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh.
Lúc đó, Bạc Hy Lai mới là một đứa trẻ chưa đầy 3 tháng tuổi.
Nhưng nhiều năm trôi qua, những triết lý về Đảng cầm quyền và
Cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng đã dần thấm sâu vào trí óc người
thanh niên Bạc Hy Lai với tham vọng quyền lực mãnh liệt – cái đã mang tới cho
Bạc gia ánh hào quang và cả tấn bi kịch sau này.
Bạc Hy Lai là con thứ tư trong gia đình có 7 người con của ông
Bạc Nhất Ba – một trong ‘bát đại nguyên lão’ dưới thời Mao Trạch Đông.
Vì vậy, từ nhỏ, anh em Bạc Hy Lai đã có điều kiện được học tập ở
những ngôi trường hàng đầu Trung Quốc như trường Trung học Bắc Kinh 4 cùng nhiều
con cái các quan chức khác..
Năm 1966, Bạc Hy Lai - khi đó mới là một cậu sinh viên 17 tuổi,
lần đầu tiên tham gia Cuộc Cách mạng Văn hóa – một phong trào cải cách chính trị,
xã hội do Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo.
Cuộc cách mạng diễn ra trong 10 năm (1966 – 1976) đã có tác động
mạnh mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện đối với quan niệm về xã hội, chính trị,
đạo đức, và văn hóa của nhiều người dân Trung Quốc, trong đó có Bạc.
Bạc Hy Lai gia nhập ‘đội quân cảnh’ thuộc lực lượng Hồng vệ binh
cùng hàng trăm triệu thanh thiếu niên được giáo dục tôn sùng tư tưởng Mao tới
mức có thể hành động bất chấp tất cả.
Ngoài ra, Bạc còn tham gia chiến dịch truy quét, thanh trừ một số
lãnh đạo trong đảng có tư tưởng phản đối Cách mạng Văn hóa và được coi là kẻ
thù chính trị của Chủ tịch Mao như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu
Bình…
Mặc dù cha Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba lúc đó đương là Phó thủ
tướng CHND Trung Hoa cũng từng bị trù dập trong cuộc cách mạng này khiến gia
đình Bạc phải lao đao cho tới tận khi Đặng Tiểu Bình lên nắm chính
quyền. Tuy nhiên, đối với Bạc Hy Lai, tư tưởng của Mao Trạch Đông vẫn
thực sự chiếm một vị trí quan trọng.
Theo Yang Fan, giảng viên 61 tuổi tại Đại học Luật và Khoa học
Chính trị Trung Quốc, người quen với anh em Bạc Hy Lai từ khi còn nhỏ và cùng
theo học ở trường Bắc Kinh 4 kể lại: “Vào cái thời ấy, chủ nghĩa Mao đã được khắc
sâu trong đầu mỗi chúng tôi.
Thời gian có qua đi, nhưng những tư tưởng nền tảng, những giá trị
cốt lõi của nó vẫn không hề thay đổi. Chúng tôi là con cháu Mao Trạch Đông và
trưởng thành nhờ lý tưởng của ông.”
Thậm chí, sau này khi đã trở thành Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh,
Bạc Hy Lai vẫn tiếp tục chứng tỏ mình là một người ‘sùng’ chủ nghĩa Mao Trạch
Đông với sáng kiến thực hiện chiến dịch văn hóa ‘đỏ’ nhằm cổ vũ các lý tưởng cộng
sản từ thời Cách mạng Văn hóa.
Có thể nói, trong suốt những năm qua, Trùng Khánh – đô thị phát
triển hàng đầu Trung Quốc với 32 triệu dân đã thực sự có những bước tiến đột
phá kể từ khi Bạc Hy Lai lên làm bí thư với đường lối cải cách kết hợp giữa tư
tưởng cộng sản truyền thống với yếu tố thời đại.
Mô hình Trùng Khánh vì thế đã trở thành một mô hình tăng trưởng
được rất nhiều người kỳ vọng bao gồm các nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo
Bắc Kinh. Nhờ đó, Bạc Hy Lai được coi là một ‘ngôi sao sáng trên bầu trời chính
trị Trung Quốc’, ‘hạt giống đỏ cho thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản’…
Cho tới lúc những bí mật động trời được hé lộ vào một ngày định
mệnh giữa tháng 2.
Hôm 17/2/2012, cựu Giám đốc Công an tỉnh Trùng Khánh, Vương Lập
Quân chạy tới tổng lãnh sự quán Mỹ với nhiều bằng chứng tố cáo Bạc Hy Lai và
vợ có liên quan tới hàng loạt các vụ làm ăn phi pháp, tham nhũng thậm chí giết
người đã khiến bạc gia thực sự rơi vào cảnh ‘đại họa’.
Không lâu sau, vào khoảng đầu tháng 3/2012, Bạc Hy Lai bị cách
chức Bí thư Trùng Khánh và bị đình chỉ mọi công tác khác do ‘vi phạm nghiêm
trọng kỷ luật đảng’.
Hiện tại, vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai vẫn đang bị giam
giữ để thẩm tra. Bạc Hy Lai từ vị trí một ‘người hùng’ ở đỉnh cao quyền lực
với bao tham vọng bỗng dưng trở thành nghi phạm của nhiều tội danh khiến sự nghiệp
chính trị phải chấm dứt, gia đình liên tiếp gặp sóng gió và danh dự bị tổn
hại nặng nề.
Cú ‘ngã ngựa’ của chính trị gia họ Bạc xảy ra ngay trước thềm
Trung Quốc chuẩn bị đại hội đảng lần thứ 18, sự kiện đánh dấu mốc chuyển giao
quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang
Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Với cái nhìn lạnh lùng về một cuộc đấu tranh giành quyền lực ở
mọi thời, mọi nơi, người ta nghi ngờ rằng vụ bê bối Bạc Hy Lai có thể là biểu
hiện của chuyện tranh quyền đoạt thế trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc – chuyện
về một “xã hội đen khoác áo đỏ” không còn quá xa lạ.
(Theo VTCNews) Hạ Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét