10:26
tiêm kích tuần
tiễu trường sa
Sáng 15.6, lần đầu tiên Trung
đoàn không quân tiêm kích 940 đưa máy bay chiến đấu Su-27 từ căn cứ ở miền Trung
ra tuần tiễu, trinh sát, bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Trường Sa.
9 giờ 40 phút, chuyến bay làm nhiệm vụ đặc biệt của Trung
đoàn không quân 940 (thuộc Sư đoàn không quân 372) từ Trường Sa bay về đã hạ
cánh an toàn tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc
quan trọng của Trung đoàn 940 trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ
quốc.
Khó có thể nói hết cảm xúc của các phi công trên hai máy
bay Su-27 lúc vừa rời khỏi buồng lái sau chuyến bay đến hai đảo Song Tử Tây
và Đá Nam
(thuộc quần đảo Trường Sa) trở về. Với hai phi công trẻ Lê Hồng Sơn và Nguyễn
Hồng Tuấn (cùng 31 tuổi), lần đầu bay ra Trường Sa do chính tay mình cầm lái,
còn là niềm tự hào và vinh dự lớn lao khi được cấp trên giao nhiệm vụ đến
mảnh đất thiêng của Tổ quốc.
“Trước khi đi, tôi có tìm hiểu kỹ về Trường Sa, về hai hòn
đảo mà mình và đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu nhưng khi đến
nơi, vẫn thấy rất bất ngờ. Biển xanh, cát trắng, cây cối bên dưới hiện ra
sống động, tươi đẹp hơn cả những gì tôi biết”, phi công Nguyễn Hồng Tuấn chia
sẻ.
Không khí tại sân bay Phù Cát mỗi lúc lại thêm rộn
ràng. Trong tiếng gầm rú của động cơ phản lực khi vừa hạ cánh, niềm vui, sự
xúc động lẫn hân hoan hiện rõ trên từng nét mặt, cử chỉ của các thành viên
đoàn bay, của những nhân viên kỹ thuật mặt đất.
Ôm bó hoa tươi của lãnh đạo sư đoàn chúc mừng khi vừa bước
xuống chiếc Su-27, phi công Lê Hồng Sơn kể lại: “Xúc động nhất là lúc chúng tôi
bay hai vòng quanh đảo Song Tử Tây ở độ cao 500 m. Chúng tôi nhìn thấy rõ
ngọn hải đăng, thấy các đồng đội ở dưới đảo vẫy tay, vẫy cờ chào chúng tôi!”.
Chuyến bay lịch sử
Trước đó, từ 4 giờ sáng, sân bay quân sự Phù Cát đã sáng
rực đèn. Đoàn bay gồm 4 chiếc: một máy bay vận tải AH 26, một máy bay chỉ huy
và hai máy bay Su-27 làm nhiệm tuần tiễu, trinh sát. 7 giờ 30, các máy bay lần
lượt cất cánh. Bên dưới, một lực lượng gồm kỹ thuật viên, hướng dẫn bay, chỉ
huy làm nhiệm vụ theo dõi, kết nối và yểm trợ khi cần thiết. Với các phi công
trẻ, vẫn có một chút lo ngại bởi ở một khoảng cách xa (bay đi bay về trên
1.300 km), lại bay qua biển, diễn biến thời tiết rất khó đoán. Tuy nhiên, sau
hơn 2 giờ thực hiện nhiệm vụ và xử lý tốt các tình huống trên không, đoàn bay
đã hạ cánh thành công, an toàn.
Ra tận sân bay đón đoàn bay từ Trường Sa trở về, đại tá
Phạm Xuân Thủy, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 372, một người dày dạn
kinh nghiệm bay, cũng không nén nổi cảm xúc: “Chuyến bay có ý nghĩa rất đặc biệt.
Các phi công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Theo thiếu tá Hoàng Xuân Kiên, Chủ nhiệm Chính trị Trung
đoàn không quân 940, để có chuyến bay lịch sử trên, đơn vị đã phải chuẩn bị
từ rất lâu với một quyết tâm cao độ. Từ đầu năm 2011, trung đoàn nhận nhiệm
vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo
ở khu vực miền Trung với loại máy bay tiêm kích Su-27. Ngay sau đó, để hoàn
thành nhiệm vụ được giao, trung đoàn cử một bộ phận vào sân bay Biên Hòa thực
hiện chuyển loại Su-27. “Lần đầu đến Trường Sa, các phi công của trung đoàn
đã cầm lái với rất nhiều vinh dự, tự hào và tự tin” - thiếu tá Kiên nói.
Không quân tiếp sức
Hầu hết các phi công của Trung đoàn không quân 940 đều còn
rất trẻ nhưng kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu lên đến hàng trăm, hàng ngàn
giờ bay. Hằng ngày, ngoài chế độ sinh hoạt chung của bộ đội, các phi công này
còn có hẳn một lịch học tập và rèn luyện thể lực gắt gao. Lớp học cũng được
chia thành từng nhóm để “vặn vẹo, hỏi lắt léo nhau mới nhớ bài được lâu” -
một phi công nói vui. Buổi chiều, họ cùng tập các bài thể lực bắt buộc với
huấn luyện viên.
Đặc thù công việc, nhiệm vụ khá căng thẳng nên lãnh đạo
trung đoàn và các phi công luôn cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái.
Ở họ có đầy sức trẻ, lạc quan và những lý tưởng cao đẹp. Khi được hỏi về
những khó khăn khi cầm lái, Biên đội trưởng Hoàng Mạnh Hùng dí dỏm: “Lái máy bay
hệt như một chàng trai lần đầu nắm tay con gái. Nhẹ nhàng, mềm mại nhưng
không được để thoát khỏi lòng bàn tay mình. Dễ mà khó là vậy”.
Với kinh nghiệm lái máy bay nhiều năm, thiếu tá Hoàng Xuân
Kiên chia sẻ: “Trong tất cả các nghề, có lẽ nghề bay là thật nhất. Thật ở chỗ
là trải nghiệm của chính mỗi phi công ngay trong chuyến cầm lái đầu tiên với
tất cả những tình huống, điều kiện đòi hỏi phải xử lý và vượt qua chỉ trong
tích tắc. Mỗi lần bay lại có một hoặc nhiều tình huống mới diễn ra”.
“Ở chuyến bay hôm nay, chúng tôi muốn lần nữa khẳng
định sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ
quốc. Đơn vị xác định, sau chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa này, đây sẽ là
nhiệm vụ thường xuyên, chúng tôi luôn sẵn sàng ngay khi có lệnh”, thượng tá Ngô
Vĩnh Phúc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 940, khẳng định.
Cùng chung vui với các phi công Trung đoàn không quân 940,
thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Khánh Hòa
hồ hởi: “Các đồng đội trên không của chúng tôi thật tuyệt vời. Tất cả chúng tôi
đã được cấp trên báo trước nên khi nghe tiếng động cơ Su-27 gầm rú trên
không, chúng tôi đã ào cả ra hết dùng cờ để chào đồng đội. Các phi công chao
lượn và bay gần đến mức, chúng tôi thấy rất rõ những gương mặt của họ... Có
không quân ra tiếp sức, chúng tôi rất vững tin bám biển, bám đảo để bảo vệ
vững chắc chủ quyền của Tổ quốc...”.
Một
chiếc Su-27 hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị hạ cánh - Ảnh: T.T.Duyên
Sở chỉ huy trên không
Thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, trung đoàn trưởng 940 cho biết đây
là những chuyến bay Su-27 ra Trường Sa đầu tiên của đơn vị xuất phát từ
miền Trung. Trước đây, đã từng có nhiều chuyến bay Su-27 và Su-30 ra Trường
Sa nhưng đều xuất phát từ các sân bay phía nam và do Sư đoàn Không quân
tiêm kích 370 thực hiện.
Sự thành công của những chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn
không quân 940 có sự góp sức vô cùng quan trọng của các phi công Trung đoàn
không quân 918. Thượng tá phi công Vũ Đức Long, Phó tham mưu trưởng 918,
chỉ huy tổ bay AH26 như một sở chỉ huy chuyển tiếp trên không để chuyển các
mệnh lệnh điều hành bay từ mặt đất đến các phi công tiêm kích đang được
thực hiện nhiệm vụ trên biển. Được biết, các phi công Trung đoàn 918 đã có
hàng trăm lần làm nhiệm vụ chỉ huy di động trên không và lần nào cũng hoàn
thành xuất sắc...
|
Tấn Tú - T.Giáp - T.T.Duyên
Máy bay tiêm kích Sukhoi
Su-27 đạt tốc độ lên đến 2.500 km/giờ (hơn 2 lần vận tốc
âm thanh) và có tầm bay trên biển vào khoảng 1.340 km. Loại máy bay chiến
đấu này được trang bị một pháo 30 mm và có khả năng mang 8 tấn vũ khí trên
10 móc bên ngoài. Thông thường, mỗi chiếc Su-27 sẽ mang theo 6 tên lửa đối
không R27 và 4 tên lửa đối không R73. Ngoài ra, một số phiên bản khác của
Su-27 còn được trang bị bom dẫn đường.
Hoàng Đình
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét