Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012


07:00
Xin đừng để Việt Nam thành nơi chứa rác!

SGTT.VN - Không chỉ có những “phòng khám Trung Quốc” với những “bác sĩ” không rõ nguồn gốc, thuốc men không biết xuất xứ, máy móc không rõ tác dụng, mỗi giờ, mỗi ngày người dân chúng ta còn phải sống, phải ăn, phải xài những thứ hàng hoá độc hại, rác rưởi đến từ Trung Quốc. Làm sao biết được liệu con cháu chúng ta mai sau

Đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc bày bán tràn lan ngoài lề đường, trước cổng các trường học. Ảnh: Thanh Hảo
Bảy nhóm độc hại
Những ai đã một lần đến các tỉnh nằm ở phía nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, sẽ rất lấy làm kinh ngạc về những công xưởng sản xuất bán thủ công dày đặc ở các vùng nông thôn. Chúng có thể là nhà máy tập trung nhưng cũng có thể là kiểu sản xuất phân tán theo quy mô hộ gia đình mà mỗi gia đình chỉ gia công một công đoạn sau đó được lắp ráp hoàn chỉnh ở đâu đó.
Loại công xưởng này ra đời vào đầu những năm 80 của thế ký trước của công cuộc cải cách, với chủ trương phát triển “công nghiệp địa phương” gắn liền với hương trấn (thị trấn liên xã) để cho nông dân “ly nông, bất ly hương”. Các công xưởng này sản xuất tất cả mọi thứ thượng vàng hạ cám từ đồ điện tử, đồ chơi trẻ em, thực phẩm khô, đến tranh Picasso…, nhưng chỉ có điều tất cả chúng có chất lượng thấp, không nhập vào châu Âu, Bắc Mỹ được mà chủ yếu là được tiêu thụ ở các nước châu Phi, Đông Nam Á, nhất là các nước có chung đường biên giới.
Mỗi ngày hàng ngàn chuyến xe tải sau khi ăn hàng từ các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, từ các cảng biển bịt kín chạy tốc hành xuôi về phía Nam, một số ít trong đó ghé lại miền Bắc, miền Trung, còn đa phần chạy thẳng vào TP.HCM. Sau khi đến điểm tập kết, lập tức hàng sẽ có mặt tại các chợ, các cửa hàng, len lỏi đến khắp mọi ngõ ngách của từng con hẻm, vào từng gia đình, vào từng giỏ xách đi chợ của các bà các chị và chễm chệ trên bàn nhậu vào mỗi buổi chiều tối. Những chuyến xe ấy hầu hết chở các loại hàng bẩn mà chính người sản xuất cũng không sử dụng, những loại hàng bẩn đó thuộc bảy nhóm:
1. Thực phẩm bẩn: thịt, mỡ, nội tạng động vật (heo, bò), chân, cánh và đầu gà,… tất cả những loại thực phẩm này đều trong tình trạng phân huỷ thối rữa, có dòi bọ, bốc mùi.
2. Rau, trái cây độc: các loại trái cây (táo, lê, cam), rau củ quả (càrốt, cà chua, cải thảo...) bị nhiễm chất độc trong quá trình nuôi trồng và phun xịt sau thu hoạch.
3. Đồ ăn khô tẩm hoá chất độc: các loại ô mai, xí muội, táo, hồng, mực tẩm, bánh kẹo...
4. Các loại đồ hộp bẩn: nước uống, thực phẩm (cá, thịt), trái cây (dứa, lê, táo, nho) được tẩm các loại hoá chất chống mốc, làm chậm thời gian phân huỷ, kéo dài thời gian sử dụng.
5. Thuốc chữa bệnh kém chất lượng: các loại lá, củ, quả, cốt động vật làm thuốc chữa bệnh không có nguồn gốc, chất lượng thấp, bị nấm mốc, hư hỏng.
6. Đồ chơi trẻ em bẩn, nguy hiểm: hầu hết là các loại đồ chơi rẻ tiền được sản xuất từ nhựa tái chế nhiều lần và được dùng các loại hoá chất công nghiệp cho việc tẩy, nhuộm màu.
Như vậy rõ ràng là TP.HCM đang thực sự trở thành một thùng rác (xin lỗi bạn đọc) và có lẽ là thùng rác lớn nhất Đông Nam Á chứa những hàng hoá bẩn và độc hại của người bạn lớn phương Bắc chảy vào. Các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia cũng có tình trạng tràn ngập hàng hoá Trung Quốc, nhưng chủ yếu là hàng hoá tiêu dùng, lượng thực phẩm không có nhiều.
Ai bảo vệ người dân?
Có một điều ai cũng thấy, TP.HCM là một thị trường không xa so với nơi sản xuất ra những loại hàng bẩn này – hơn 2.000km từ biên giới, cánh xe tải chạy chừng một hai ngày là đến. TP.HCM là thị trường cực kỳ rộng lớn với hơn 8 triệu dân cư trú và 2 triệu dân vãng lai, hàng ngày tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ, nhưng cái chính yếu là một thị trường rất đa dạng và dễ tính. Từ trước giải phóng người dân ở đây đã có câu “bán cái gì cũng mua, mà mua cái gì cũng bán”. Lợi dụng sự “dễ tính” này, nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại, được đưa về. Và cũng chính vì sự dễ dãi “người ta sao mình vậy” mà chính chúng ta đang tự giết mình và làm hại con cháu mai sau. Người Việt Nam hôm nay thuộc loại thấp bé nhẹ cân, nhưng làm sao biết được liệu con cháu chúng ta mai sau có trở thành những kẻ trì độn, ngớ ngẩn (?).
Làm gì để ngăn chặn làn sóng rác rưởi này? Có người nói, mỗi người dân chúng ta phải tự nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi lựa chọn hàng hoá để trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Nhưng thực tế với những người nghèo, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp ít có sự lựa chọn, dẫu biết rằng chúng độc hại, bẩn thỉu đấy, có chút e sợ đấy nhưng vẫn phải mua vì chúng rẻ, có ngay trước mắt.
Các cơ quan chức năng đang ở đâu? Tại sao không có những hành động, chí ít là lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm, kiểm nghiệm những sản phẩm, hàng hoá trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, để đưa ra những thông tin cảnh báo giúp người dân có cơ sở lựa chọn?
Ai cũng biết, lâu nay, phần lớn các thông tin liên quan đến hàng hoá độc hại, bẩn thỉu chỉ đến từ báo chí hoặc các cơ quan y tế sức khoẻ nước ngoài. Sau đó, nhà chức trách Việt Nam mới cho người đi kiểm tra, đối chiếu… và cuối cùng ra những thông báo không giống ai, kiểu “không có hàng nhập khẩu chính ngạch” mặc dù người ta bày bán khắp mọi nơi!
TS Nguyễn Minh Hoà
Muộn còn hơn không!
Có lẽ đã muộn nhưng vẫn phải làm, là Đảng cầm quyền, Nhà nước, Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phải xây dựng chiến lược bảo vệ người dân, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng an toàn nội địa.
Lâu nay, chủ đề hàng hoá, thực phẩm bẩn có được đưa ra nghị trường nhưng cũng chỉ dừng ở mức đổ qua đổ lại, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, cục và sau đó là chìm xuồng để người dân tự lo. Cùng với việc phên dậu chắc chắn từ biên giới, ngăn ngừa không cho những thứ bẩn thỉu tràn vào đất nước, kể cả việc loại trừ những kẻ tham nhũng tiếp tay cho ngoại xâm kinh tế, thì Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho sản xuất hàng tiêu dùng, cho nông nghiệp kể cả việc trợ giá sản phẩm nông nghiệp để cho hàng hoá nội địa chiếm lĩnh lại thị trường.
Nếu như phải trả giá cao hơn 5% cho một mặt hàng thực phẩm nội địa mà đảm bảo an toàn cho cuộc sống, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ lựa chọn cách thức này, nhưng tiếc thay cơ quan chức năng đã bỏ qua việc chăm sóc nền kinh tế nhỏ nội địa để chạy theo những chiến lược công nghiệp nặng tốn kém, ít hiệu quả.
Người tiêu dùng cần và cần có những chiến dịch tẩy chay hàng hoá bẩn trên các phương tiện truyền thông, trong các chương trình giáo dục nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử. Hãy tỉnh táo bảo vệ người dân trước khi đã quá muộn.
Những viên kẹo mang hình điếu thuốc
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu trên thị trường hiện nay không giảm, phần lớn là hàng có xuất xứ Trung Quốc.
Chỉ trong tuần qua (từ 13 – 20.6), Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 390 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 60 vụ. Số lượng hàng không có chứng từ, hàng cấm, hàng giả đã tạm giữ gồm 11.721 đơn vị sản phẩm, 11.177kg các mặt hàng
đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, giày dép, quần áo, rượu, phụ tùng xe máy, thiết bị điện, vải,... Trong đó có 123kg sôcôla nguyên liệu quá hạn sử dụng từ tháng 5.2012; 8.220kg men làm bánh mì đã quá hạn sử dụng từ tháng 10.2011.
Ông Đặng Văn Đức, chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng, ý thức của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh hàng hoá chưa cao khi họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nên dù biết sai phạm vẫn cứ nhập về.
Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, chi cục trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, qua công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua cho thấy, hàng hoá không nhãn mác chứng từ, không bao bì, chất lượng không đủ
quy chuẩn được nhập lậu vào TP.HCM và bán tại các chợ đầu mối, các khu chợ lớn của TP.HCM ngày một nhiều và khó kiểm soát, như: xí muội, ô mai, trái cây sấy khô, kẹo, bánh thành phẩm… Các tiểu thương chỉ cần gọi điện thoại, hàng hoá sẽ được chở tới tận nhà. Vừa qua, chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn phát hiện và tịch thu loại kẹo có hình dáng như điếu thuốc lá bán cho trẻ em với giá 20.000 đồng/100 điếu được nhập từ Trung Quốc.
H. Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét