Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012


14:01

Mọi con đường đều dẫn đến… Đồi Ngô?


VietNamnet- Bài viết của TS. Hoàng Tuyết “Văn hoá nể nang giết chết giáo dục” vừa chỉ đích danh một tập quán kìm hãm chất lượng của sự nghiệp “trồng người”. Dưới đây là suy tưởng của một bạn đọc VietNamNet.

Hình bóng thầy cô trong clip “Đồi Ngô”
Một U60 suốt đời là “học trò”- là tôi - có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi ngắm Nhà sư phạm hôm nay trong các bức ảnh cắt từ video clip “Đồi Ngô”(mà chỉ một phần nhỏ cơ sở dữ liệu đến được mắt người đọc).
  Mọi con đường đều dẫn đến… Đồi Ngô? (Ảnh minh họa)
Có lẽ, các thầy cô ở xứ Đồi Nương vẫn có gì đó “người” hơn một số cô giáo mà phụ huynh vẫn diện kiến hàng ngày ở Hà thành. Bản thân tôi từng thấy những cô giáo cấp I trông (và cư xử) không khác gì hình tượng “phe” trong tâm tưởng thế hệ “bao cấp”. Một số trong họ đeo rất nhiều vàng. Một cung cách “áo gấm đi đêm” như thế, kẻ chậm hiểu như tôi được giải thích, là thể hiện đẳng cấp: họ chỉ nói chuyện với “tiền triệu”.
Nhưng nếu các thầy cô như ở trong clip đang bỏ qua tiêu cực thi cử vì cả nể, thì bên trong họ quả đang nạp sẵn những thứ giết chết giáo dục. Thứ nhất, sự xấu hổ có còn tồn tại bên trong họ? Thứ hai, lương tâm nghề nghiệp của họ có không?
Nhưng nhìn kỹ nữa, thấy thương, có vẻ như cô giáo đang lệch đường?
Hình ảnh thầy cô trong thế hệ chúng tôi là thiêng liêng, và vẫn gần gũi. Không phải ai trong họ cũng dạy giỏi, nhưng họ thường vừa nghiêm khắc, vừa đôn hậu. Họ khá vô tư về phương diện vật chất, cho dù trong chúng tôi có đứa vẫn phải phát khóc vì chuyện thày cô thiên tư đứa này, trù đứa khác… về cảm tính.
Họ là Thầy! Thầy trong tiếng Việt ở một số địa phương có nghĩa là “Cha”.
Thứ ba, theo hướng tư duy của TS Tuyết, không lẽ lại ít người nhận thấy “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”. Dường như có một sự ám thị tập thể được TS Tuyết gọi là “sự nể nang tự giác” và có tính tổ chức của một tập thể nào đó liên quan...". Tập thể có liên quan ở đây lớn hơn tập thể giáo viên. Nó bao gồm cả các quan chức ngành, và cả một bộ phận phụ huynh “họ hàng hang hốc” (?!)
Hậu Đồi Ngô…
Sau khi clip “Đồi Ngô” làm bung ra một thứ bom về thực trạng giáo dục, một số thầy cô ở đó đã “lãnh đủ”. Nhiều phụ huynh chép miệng, thương các thầy cô bị kỷ luật, “đầu không phải, phải tai”!
Tự đặt mình là một thầy/cô ở Đồi Ngô? Mình sẽ là người (thứ hai) trung thực, kiên quyết đấu tranh, để rồi “tránh đâu”, trong sự oán trách của khối người “vạ lây”, và trù úm của “các đồng chí chưa lộ”? Mình chắc trước đó đã mệt mỏi, không thể tiếp tục trung thực. Nhưng không thể không trung thực (vì từng được dạy bởi một nền giáo dục không sai lầm) nên sẽ buông xuôi? Sẽ trở nên vô cảm?
Một tiếng nói trẻ hơn vọng vào tai chúng ta: các vị quan chức đầu ngành cũng từng được dạy bởi “nền giáo dục không sai lầm” đấy chứ, nhưng Bộ Giáo dục lại kết luận Đồi Ngô “là tổ chức thi nghiêm túc”. Nhưng 5X, 6X đâu có dám nói là tất cả thế hệ ấy đều tự trọng, đều có lương tâm nghề nghiệp, là không “quét bụi xuống dưới thảm” khi làm quan…
Chuyện làng, chuyện mình
Chuyện kể rằng sau khi có một làng được nhận danh hiệu là “Làng Văn hoá”, cơ quan chức năng đã thất bại trong việc từ chối cung cấp cho các làng xung quanh danh hiệu tương tự. Vì các LÀNG BÊN cử đại diện lên, bằng mọi cách thức có thể của một xã hội duy tình (emotional, sentimental) gây sức ép lên Hội đồng xét duyệt. Cái vòng này cứ mở rộng mãi ra, tới quy mô đồng bằng châu thổ…
Chuyện thứ hai xảy đến với tôi. Tôi thấy mình hay quát lác con, nên không chịu nhận danh hiệu gia đình văn hoá. Đại diện Tổ dân phố nói rằng nhiều vị dù hay cãi, đánh nhau với hàng xóm, vẫn nhận ngon lành. Tôi vẫn không chịu. Cuối cùng họ cứ phát cho tôi, nói là để đảm bảo chỉ tiêu “100%” gia đình văn hoá.
Chắc ở từng “Đồi Ngô” ở nước Nam ta, cũng có ai đó (thuộc “tập thể nào đó liên quan” - chữ của TS Tuyết- ?) đến thúc mọi người: bên Nương Khoai, Ruộng Sắn năm nào người ta cũng đỗ 100 cả rồi, mình phải thế nào chứ… Nói tóm lại là tạo hiệu ứng ám thị tập thể “sĩ diện hão”. Kết quả thế nào (chỉ phụ huynh thôi?) đã rõ.
Nguồn gốc “nể nang”?
Sự nể nang như một đặc tính văn hoá Việt có thể có nhiều nguồn gốc. Chẳng hạn, nó nằm ngay trong cách xưng hô, trong cái gia đình nối dài, tam đại, tam tộc… của chúng ta. Ai cũng là anh, chị, em, hay chú bác của nhau. Một người có thể vừa là bác của ai đó, vừa là cháu của một vị khác còn trẻ hơn mình. Lúc nào chú Tễu cũng sợ “vuốt mặt không nể mũi”, phê ai đó, chẳng may, lại là con quan, hay thuộc kèo trên của mình, của “sếp” mình… Mỗi khi có “châm chước”, “linh động”, thường cũng là lúc luật bị bẻ cong về thực chất trong thứ xã hội duy tình. Nghe thấy mệnh đề: “Nể tình cụ XYZ… (gì đó), tha cho đương sự này…”
Trong tiếng Anh, tiếng Nga, không thấy có từ cả nể, đúng hơn là người ta cũng cố dịch bằng những từ, có nghĩa chính là dễ chiều ý người khác, dễ dãi, thậm chí là nhút nhát.
Riêng tôi thấy mình còn may, vì không phải xưng con với ai không phải bố mẹ mình. Trẻ hôm nay phải xưng con cả với các cô giáo mà chúng ghét cay ghét đắng. Ác cảm này, nếu ta lắng nghe trẻ, và tự kiểm nghiệm, nhiều lúc hoàn toàn chính đáng.
Ước sao các thầy cô (và quan chức ngành giáo dục) hôm nay giống như xưa, vừa “lạnh” (nghiêm, nguyên tắc), vừa “ấm” (thực sự thương yêu học trò), không thương HẠI học sinh, không giết nền giáo dục, kiểu “mật ngọt chết ruồi”.
Ước sao trẻ con Việt sẽ được xưng tôi, được là “cái tôi” theo kiểu dũng cảm, nhưng khiêm tốn, trong sự “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”.
Thành Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét