07:20
Kỳ thi “ngoạn mục”:
Thi thử đậu 2,2%,
thi thật đậu 99,56%
Có những điều thật mà như đùa
xung quanh kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Có nhiều sự việc nói ra không ai tin vì
nghĩ rằng đó chẳng qua là trò đùa của thiên hạ. Nhưng đó lại là sự thật. Cười
xong rồi lại thấy đau lòng và lo lắng cho những lứa học sinh (HS) trong tương
lai.
Trước thực trạng tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở các tỉnh thành quá
cao, suýt soát 100%, họa sĩ DAD đã vẽ một bức tranh biếm họa rất độc đáo: HS
đứng trước danh sách ngắn thí sinh rớt tốt nghiệp kèm theo thông báo ngoài danh
sách này là đậu. Thế nhưng điều này không có nghĩa lý gì trước thông báo do
Hiệu trưởng Trường THPT Mang Thít (Vĩnh
Long) ký mà hôm qua đã trở thành bức ảnh chính trên trang Giáo dục của Báo Thanh
Niên.
Thông báo có nội dung như sau: “Học sinh trường đậu tốt
nghiệp 100% không cần dò kết quả”. Mới xem qua, nhiều người ngỡ rằng đây là
do kỹ thuật trong thời đại công nghệ thông tin. Nhưng đó là sự thật 100%, hài
hước như chính tỷ lệ tốt nghiệp quá đẹp và trọn vẹn của các trường. Người xem
khó chịu trước nội dung bảng thông báo vì không nghĩ rằng một hiệu trưởng mà
lại có tư duy đơn giản và xem thường quy định như thế. Âu mọi việc đều có
nguyên do. Nếu kỳ thi tốt nghiệp thật sự có giá trị và ý nghĩa chắc không thể
có những bảng thông báo kiểu này?
Sự cách biệt quá lớn giữa hai con số trong kỳ thi thử và
thi thật ở Ninh Thuận (và chắc hẳn còn nhiều tỉnh thành khác) đã chứng tỏ
người lớn chúng ta thiếu trung thực với HS. Khi một kỳ thi nhằm đánh giá đúng
thực chất của HS thì chỉ cần ở cấp địa phương, không rình rang tốn kém lại
cho kết quả hết sức chính xác. Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, cũng những HS
đó, ở một kỳ thi mang tầm quốc gia đình đám, lại biến đổi hết sức ngoạn mục.
Có thể tin được không khi trong một thời gian ngắn như thế mà chất lượng học
tập của một trường từ 2,2% HS thi thử đậu tốt nghiệp trở thành đậu thật
99,56%? Điều này chỉ có thể diễn ra trong thế giới cổ tích, còn nếu trong
cuộc sống hôm nay họa chăng phải có “chiếc đũa thần kỳ”. Với nhiều giáo viên,
những cách phù phép biến thấp thành cao, ít thành nhiều không hề lạ lẫm và nó
tồn tại nhiều năm nay trong môi trường giáo dục.
Còn nhiều tranh cãi xung quanh sự tồn tại của kỳ thi tốt
nghiệp THPT, nhưng một điều chắc chắn là không thể chấp nhận một kỳ thi như
hiện nay vì nó quá hài hước và phi lý. Nếu chấp nhận nó như phát biểu của Thứ
trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển rằng kỳ thi không nhằm đánh trượt thí sinh
thì đành phải nhắm mắt làm ngơ. Còn nếu xem đây là dịp để đánh giá quá trình
học tập của HS một cách trung thực thì bắt buộc phải thay đổi. Đừng để rồi có
lúc HS sẽ giận người lớn vì cấp không cho họ một tấm bằng chẳng ai muốn nhận,
không danh giá gì để trình ra trước mặt mọi người.
Với những gì đã diễn ra, kỳ thi này không hơn một màn bi
hài kịch, diễn viên đều đóng tròn vai. Chỉ có điều lần biểu diễn này đã có
một “sự cố nhỏ” ở đoạn cao trào.
Thùy Ngân (TNO, tựa đề của
Thương Giang)
|
Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét