Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012


12:06
Lãi suất lại… căng


(Đất Việt) Khi Ngân hàng Nhà nước “ép” trần lãi suất tất cả các kỳ hạn, lãi suất tiền gửi lặng lẽ vượt trần. Nay, khi Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn trên 12 tháng, các NH đồng loạt tăng lãi suất kỳ hạn dài lên cao chót vót.

Cuộc đua lãi suất những tưởng sẽ khép lại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức bỏ trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dài. Nhưng chỉ mấy ngày sau thông báo này của NHNN, tình hình trên thị trường NH diễn biến ngược lại.

Tiền dư vẫn… đua huy động

Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở phần lớn các NH từ lớn đến nhỏ hiện đều trên 10%/năm, cao hơn trần huy động ngắn hạn 1%/năm. Điều này diễn ra gần như ngay lập tức khi NHNN “bỏ” trần huy động đối với các kỳ hạn dài. Và đến ngày 18/6, lãi suất các kỳ hạn dài tại các NH vẫn diễn biến phức tạp. Tại NH Phương Đông (OCB), lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 10%/năm, 13 tháng là 11%/năm; tại HDBank, lãi suất kỳ hạn từ 11 tháng đã là 10,5% và 12 tháng đã là 12,5%/năm; WesternBank sau khi điều chỉnh lên gần 14% nay đưa lãi suất kỳ hạn 13 tháng là 12,5%/năm…
Với những NH lớn hơn như Eximbank, ACB, lãi suất các kỳ hạn dài cũng cạnh tranh không kém. Như tại ACB, kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 10.8%/năm, 13 tháng 11%/năm, 24 tháng 11,5%/năm và 36 tháng chạm 12%/năm. Tương tự, ở Eximbank, lãi suất các kỳ hạn dài 12 – 36 tháng theo phương thức tăng dần 11,0 - 12%/năm.

Không nằm ngoài cuộc chạy đua lãi suất huy động dài hạn, tại các NH thương mại cổ phần nhà nước như Vietcombank, BIDV, lãi suất các kỳ hạn dài cũng được đẩy lên cao. Vietcombank niêm yết lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng trên 9,5%/năm; tại BIDV, kỳ hạn trên 12 tháng có lãi suất huy động là 10%/năm. Đáng nói là nhiều NH trong số các NH “đẩy” lãi suất dài hạn lên cao như trên không phải vì huy động giảm, thiếu thanh khoản. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, lý giải, việc NH này đẩy lãi suất từ 12 tháng trở lên cao hơn 10%/năm là do “điều chỉnh theo các NH khác thôi, thị trường thế, chúng tôi làm thế”. Theo ông Toại, nếu các NH khác tăng lãi suất dài hạn nhưng  ACB không tăng thì cũng không được. “Khách hàng sẽ bỏ chúng tôi và các đối thủ cạnh tranh sẽ cho là ACB không biết làm ăn, nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh tăng”.

Trong khi đó, ACB thừa nhận huy động của NH này từ khi lãi suất ngắn hạn về 9%/năm không làm lượng tiền gửi vào NH này hao hụt bao nhiêu… Vietcombank cũng cho biết, NH này vẫn tiếp tục “thừa tiền” và hoàn toàn “không vấn đề gì về thanh khoản” nếu không tham gia vào việc điều chỉnh lãi suất huy động dài hạn. Nhưng “cả hệ thống chạy thì… mình cũng phải chạy thôi”.

Tái cơ cấu chưa có tác dụng

Thẳng thắn nhìn vào thực tế, lãnh đạo nhiều NH thừa nhận, việc chạy đua lãi suất dài hạn như trên không hẳn đã tốt với chính NH của họ và cũng không hề tốt cho nền kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Toại, nói: “Lãi suất cao như thế này làm sao tốt cho nền kinh tế được. NH huy động cao thì cho vay phải cao, hoặc đầu tư vào lĩnh vực nào cũng phải cao mới có thể kiếm được lợi nhuận. Với NH thì việc dùng vốn lãi suất cao vào lĩnh vực nào cũng không dễ. Rõ ràng là không tốt”.

Trong khi đó, nhìn ở góc độ bỏ trần lãi suất huy động dài hạn, ông Vũ Thành Tự Anh, Chương trình kinh tế Fullbright, cho rằng, việc này có những tín hiệu tích cực. “Đây có thể là cách để từng bước đi đến cái tự do hóa lãi suất và bỏ thêm trần lãi suất ngắn hạn”. Bởi vì, hiện nay trên thế giới chỉ có vài nước áp trần lãi suất tiền gửi, cho vay và nền kinh tế của những nước đó đều không theo kinh tế thị trường. Quan trọng hơn, bỏ trần lãi suất dài hạn sẽ giúp nền kinh tế nhìn được lãi suất thực. “Trước đây, khi ép trần, có thể các NH cũng đã huy động với lãi suất này, nhưng họ không niêm yết mà thôi. Tương tự, lãi suất ngắn hạn hiện nay cũng có thể vượt 9%, nhưng có thể các NH vẫn qua mặt để đối phó với trần lãi suất”.

Dù vậy, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, để nền kinh tế không chịu thiệt thòi trước việc chạy đua huy động dài hạn với lãi suất cao của các NH, NHNN không nên “nương tay” với các NH yếu kém. “Rõ ràng tái cơ cấu NH chưa có tác dụng nên mới xảy ra tình trạng cạnh tranh lãi suất bừa bãi như hiện nay. Nếu tái cơ cấu có tác dụng sẽ làm tăng chất lượng tài sản, thanh khoản hệ thống được đảm bảo và sẽ không còn tình trạng cạnh tranh lãi suất bừa bãi nữa”. Vì thế, việc tái cơ cấu hệ thống NH muốn có lợi cho nền kinh tế phải loại bỏ được những NH yếu kém.
(Theo Đất Việt) Hà Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét