Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012


09:00

Biết đúng về mình có khó?


(Dân trí) - Chúng ta không cả tin đến mức ai đánh giá thấp mình cũng nghe và ai đó đánh giá quá cao mình cũng tin. Biết đúng về mình luôn là việc khó nhất và cũng là sáng suốt nhất làm nền tảng để bay cao, vươn xa.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 thế giới. Theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation- NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh, công bố ngày 14/6. Việt Nam chỉ xếp sau Costa Rica trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Ba tiêu chí để xếp hạng là người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường.
Thật tự hào khi Việt nam xếp thứ hạng rất cao, vượt xa các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và nhiều quốc gia khác của Châu Âu như Pháp, Đức. Ý… Bảng xếp hạng này giúp cho người Việt Nam tự tin hơn về đất nước mình.
Nhưng ở đời, bất cứ ai cũng cần phải tỉnh táo để nhìn nhận về bản thân và một quốc gia cũng vậy. Có nhiều giá trị mà tự bản thân mình biết, không phải do bên ngoài dán vào cho mình. Những năm qua, có nhiều tổ chức trên thế giới xếp hạng các quốc gia theo các nội dung và tiêu chí riêng. Có những đánh giá thấp về Việt Nam, ngược lại có đánh giá rất cao như Việt Nam là nước hạnh phúc đứng thứ 2 thế giới ở trên.
Khi bị đánh giá thấp, hãy đừng quá bi quan và mất bình tĩnh hay tự chê bai mình. Khi được đánh giá cao, cũng đừng vì thế mà cho rằng mình nhất thiên hạ. Bảng xếp hạng của các tổ chức đó chỉ có giá trị tham khảo.
Hạnh phúc hay không tự mỗi người dân nhận thức được mà không cần đến sự trợ giúp của những đánh giá bên ngoài. Người dân có hài lòng không khi kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh ghê gớm? Người dân có hài lòng không khi đến bệnh viện phải nằm chung một giường với nhiều bệnh nhân khác?
Đất nước này có môi trường sống như thế nào, chất lượng môi trường có bằng được Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…  không thì ngưởi dân Việt Nam biết rất rõ, khỏi cần ai đó “đo đạc” giùm. Khái niệm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường được hiểu  sao đây? Rừng bị khai thác cạn kiệt, bị phá tan hoang và hậu quả của nó là lũ lụt và nhiều ảnh hưởng xấu khác, sự tác  động môi trường đến không phải là đây thì là đâu?
Nếu không tính tỉ lệ chết tự nhiên, mà tính luôn tử vong do đột xuất thì Việt Nam khó nói đến tuổi thọ cao, bởi vì mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, khó có quốc gia nào “đạt” được.
Chúng ta có thể tin tưởng rồi đây Việt Nam sẽ giàu mạnh, tự hào về đất nước mình, dân tộc mình. Nhưng chúng ta không cả tin đến mức ai đánh giá thấp mình cũng nghe và ai đó đánh giá quá cao mình cũng tin.
Biết đúng về mình luôn là việc khó nhất và cũng là sáng suốt nhất làm nền tảng để bay cao, vươn xa.
(Dân trí) Lê Chân Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét