12:09
Học làm
'quan'
TuanVnn- Có vị trả lời tỉnh queo: Những
chuyện thua lỗ, thất thoát ấy... tôi không biết, vì không được báo cáo! Không
hiểu vị này nghĩ sao khi trả lời như vậy.
1. Chuyện xưa. Vua chúa tiếng là "cha truyền con
nối" nhưng rất coi trọng việc dạy bảo các hoàng tử. Những thày giáo
tuyển vào cung đều là những vị học rộng và đức cao, mẫu mực trong thiên hạ.
Nên rất nhiều vua kế vị, dù tuổi rất trẻ nhưng đã vận hành bộ máy quyền lực
một cách trôi chảy, đúng đạo, hợp lý, hợp lòng dân, giữ gìn được vị thế quốc
gia, được các đại thần và bách quan quy phục, khiến ngoại bang kính nể.
Vua Duy Tân là
một điển hình gần nhất.
Sau khi phế truất vua cha, người Pháp chọn đưa hoàng tử
thứ 8 Nguyễn Phúc Vĩnh San lên nối ngôi (lúc ấy ngài mới 8
tuổi - thực chất là 7 tuổi) với hy vọng rằng ngài quá trẻ, dễ sai khiến.
Nhưng chỉ 1 ngày sau khi lên ngôi, Duy Tân đã thể hiện phẩm chất của mình
khiến nhà báo Pháp phải thốt lên: ".Un jour de trône a complètement
changé la figure d'un enfant de 8 ans" (Một ngày lên ngai vàng
đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám".
Khoảng năm 1912, Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé mở một
chiến dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời chúa Minh
Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào lăng Vua Tự Đức và
đào xới lung tung trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những
hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ. Duy Tân ra lệnh đóng cửa cung
không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ
tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Toàn quyền
Albert Pierre Sarraut từ Hà Nội phải vào giải quyết vua Duy Tân mới cho mở
Hoàng thành.
Năm vua Duy Tân 13 tuổi, ông xem lại những Hiệp ước mà hai
nước Việt-Pháp đã ký. Nhà vua cảm thấy việc thi hành của Hiệp ước ấy không đúng
với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau nên một hôm giữa triều
đình, nhà vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp sang
Pháp để yêu cầu duyệt lại Hiệp ước ký năm 1884 (Patenôtre). Nhưng cả triều
đình không ai dám nhận chuyến đi đó.
2. Thời hiện đại, Việt
Xin đơn cử một
vài ví dụ.
Ông cán bộ đầu tỉnh nọ khi được thuộc cấp dẫn xem Bảo tàng
địa phương, vào phòng trưng bầy lưu niệm, đã thò tay nhặt chiếc gối lên ngó nghiêng
- một hành động vi phạm nội quy Bảo tàng. Xem xong, thay vì đặt hiện vật lại đúng vị
trí, ông này quăng chiếc gối xuống giường! (Một hành động phi văn hóa).
Khi hình ảnh ấy xuất hiện trên truyền hình địa phương, dân
chúng và các vị lão thành chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Lại có ông, thăng quan tiến chức liên tục, nhưng cuối đời
nhìn lại chả vị trí công tác nào để lại chút "dấu ấn" gì. Suốt mấy
chục năm, ông chỉ làm theo sự chỉ đạo của trên và dựa trên quyết định tập
thể. (Điều này không sai, nhưng đạo làm quan mà chỉ có thế thì nói như một vị
Đại biểu Quốc hội: "Ai chẳng làm được").
Cái sự thăng tiến của ông có được bởi lẽ không vị trí nào
ông để lại tai tiếng, đơn thư, lại được đồng chức, đồng đội tín nhiệm, hay
như ông tâm sự lúc cuối đời, "được lòng", "dễ bảo".
3. Vừa rồi có vị Bộ trưởng trả lời chất vấn về vấn đề mình
phụ trách mà cứ "lúng túng như thợ (may) vụng mất kim", nói năng
như "gà mắc tóc"!
Lại có vị trả lời tỉnh queo: Những chuyện thua lỗ, thất
thoát ấy... tôi không biết, vì không được báo cáo!
Không hiểu ông nghĩ sao khi trả lời như vậy.
Có vị đề ra chính sách: Địa phương ta không được tuyển
sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức, nhưng lại cho đề bạt "thạc sĩ tại
chức", bởi lý do đơn giản là con của quan vốn "đại học tại
chức" nhưng nay đã có bằng trên đại học... "tại chức"!
Nạn con ông cháu cha đã được thừa nhận, như điều
"trái tai gai mắt", chẳng ai nói ra. Hệ quả của vấn nạn ấy là xã
hội có một lớp quan chức mà "một bộ phận không nắm được chức trách, không
biết làm việc" như sơ kết của Bộ Nội vụ mới đây.
Không ít vị trí là chiếc "ghế phụ" bên cạnh
"ghế bố" trong các toa xe đông hành khách công quyền.
Lại nhớ, khi Trần Thủ Độ bị phu nhân hối thúc cất nhắc con
cháu làm chức này chức khác, ông trả lời: "Được, nhưng chúng sẽ phải
chặt đi 1 ngón tay để phân biệt với người có tài có đức"! (Ngày nay mà thi hành thế này thì sẽ rất nhiều quan chức "cụt").
Lại nhớ lời Bác dạy: "Ðảng không phải là một tổ
chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho
tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" (Toàn tập, ST, 1984, T4,
trang 463).
Nghị quyết Trung ương 4 đã được ban hành. Đợt tự kiểm điểm phê bình
đang diễn ra. Chỉ mong không chỉ có họp mà còn hành, không chỉ nói theo mà
còn làm theo.
Theo Trần Huy Thuận
(VietNamnet)
|
Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét