Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012


 10:02

Thủ phạm của nợ xấu:

Tăng trưởng tín dụng “ảo”


Con số nợ xấu tăng từ 3,06% lên 10% được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đưa ra tại diễn đàn Quốc hội được giới chuyên gia ngân hàng đánh giá một phần nguyên nhân đến từ tăng trưởng tín dụng “ảo” hồi cuối năm 2011.

Sở dĩ có nhận định này là vì mặc dù tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn âm 0,22% nhưng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn tăng mạnh, nhất là nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ lãi thuần trong hoạt động tín dụng.
“Ảo thuật” tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng đối với nền kinh tế giảm sút khiến cho tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% ở thời điểm cuối năm 2011 lên 4,14 tại thời điểm cuối tháng 4/2012, đến nay nợ xấu đã tăng lên 10%.
Nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa được cải thiện được trong 4 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng. Thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng thêm khó khăn.
Nhưng điều đáng nói là suốt 5 tháng qua, tăng trưởng tín dụng âm 0,22%, mà nợ xấu vẫn tăng. Về vấn đề này, ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HD Bank), cho biết thực tế tăng trưởng tín dụng thời gian qua không tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã chốt khống tín dụng vào cuối năm 2011 để làm đẹp sổ sách cũng như để được NHNN phân định mức cao. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm âm so với năm 2011 nhưng thực chất vẫn tăng.
Một minh chứng nữa được giới chuyên gia ngân hàng cho rằng các ngân hàng đang diễn “ảo thuật” tín dụng, đó là lợi nhuận quý I/2012 của các ngân hàng thương mại vẫn tăng mạnh, khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận là lãi biên đến từ hoạt động tín dụng.
Ví như, quý I/2012, lợi nhuận ròng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 1.394 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ mang về 504 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối mang về trên 61 tỷ đồng, từ mức lỗ trên 30 tỷ đồng quý I/2011.
Hay như tại Eximbank, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm âm 6,9% và đến cuối tháng 4, dư nợ có phần được cải thiện, nhưng vẫn âm 5% và tháng 5 tăng trưởng đạt 2,4%. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2012 của Eximbank cho thấy, thu nhập từ lãi tăng hơn 1.100 tỷ đồng trong khi chi phí lãi chỉ tăng gần 700 tỷ đồng khiến thu nhập lãi thuần của Eximbank tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.472 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Eximbank cũng cho biết thêm, trong cơ cấu thu nhập lãi, khoản thu lãi tiền gửi tăng hơn 500 tỷ đồng (gấp rưỡi cùng kỳ), thu nhập lãi cho vay khách hàng tăng 370 tỷ đồng (16%) và thu lãi chứng khoán đầu tư tăng 225 tỷ đồng (tăng 39%).
Với ACB, lãi sau thuế hợp nhất quý I/2012 đạt 837,21 tỷ đồng, tăng 31,6% so với quý I năm 2011. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần tăng 27%, đạt 1611,68 tỷ đồng trong quý I/2012.
Hay như với Sacombank, quý I/2012 lãi hợp nhất đạt 808 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt gần 0,4%, cách xa so với chỉ tiêu ngân hàng đề ra cho cả năm là 17%, nhưng thu nhập thuần từ lãi của ngân hàng đạt hơn 1.530 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ...
Các ngân hàng thừa vốn, nhưng bí đầu ra, nhất là trước xu hướng nợ xấu ngày một gia tăng nhưng, nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận vẫn kỳ vọng nhiều nhất vào hoạt động truyền thống, đó là cho vay. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng của ngân hàng.
Chờ công ty mua bán nợ
Tại văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay; các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.
Cũng theo Thống đốc, NHNN đang tập trung nghiên cứu, trình Thủ tướng cho phép thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc NHNN để phối hợp với DATC của Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, để kiểm soát, hạn chế nợ xấu gia tăng, NHNN đang triển khai rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về quản trị ngân hàng để quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong hoạt động tín dụng nói riêng của các tổ chức tín dụng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng vốn điều lệ theo lộ trình phù hợp để đảm bảo có đủ sức mạnh về tài chính.
(TB Kinh doanh) Huệ Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét