Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012


13:30
 Nhà máy FDI tại VN:
“Đại bàng đẻ trứng chim ri”


Với các khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD hay viễn cảnh kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhưng có một điều chắc chắn là phần giá trị gia tăng được làm ra tại VN sẽ không quá nhiều và số thu ngân sách từ các đại gia này sẽ chẳng đáng là bao.

Ba câu chuyện về thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy một bức tranh đa chiều nằm sau những con số FDI thuần túy. Chọn cách ứng xử thế nào khi Việt Nam đang đánh mất dần những lợi thế thu hút đầu tư?
Nhập khẩu trị giá 900 USD để xuất 1 tỷ USD
Sau nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, đầu tháng 4 vừa qua, Công ty Samsung Electronic Asia Hoding Pte Ltd có đăng ký kinh doanh tại Singapore lại chính thức đề nghị tới Ban quản lý các KCN – KCX tỉnh Bắc Ninh việc chuyển đổi hình thức hoạt động của Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam (SEV) sang loại hình doanh nghiệp chế xuất, thay cho hình thức doanh nghiệp nội địa hiện nay.
Theo SEV, việc chuyển đổi này là phù hợp với luật pháp của Việt Nam, đồng thời giúp công ty tận dụng các cơ chế ưu tiên về thuế và hải quan để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dĩ nhiên là để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, nhà đầu tư cũng đề nghị các cơ quan chức năng cho SEV được giữ nguyên tất cả các ưu đãi đang thực hiện cho dự án đồng thời bổ sung thêm một số ưu đãi khác.
Đó là được quyền kinh doanh nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam, được bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường nội địa mà không bị giới hạn bởi số lượng và đại lý mua hàng. Được mở thêm chi nhánh bán hàng ngoài khu chế xuất để thực hiện bán hàng nội địa khi cần. Được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi khi giao dịch với các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp chế xuất khác.
Đi kèm với các ưu đãi cho bản thân, SEV cũng đề xuất cho các doanh nghiệp vệ tinh của mình được thành lập mới theo loại hình doanh nghiệp chế xuất hoặc chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chế xuất khi có nhu cầu. Hay một số các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…
Mặc dù có thể có người choáng ngợp với khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD hay viễn cảnh về kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh của tập đoàn này, nhưng có một điều chắc chắn là phần giá trị gia tăng được làm ra tại Việt Nam sẽ không quá nhiều và số thu vào ngân sách từ dự án này sẽ chẳng đáng là bao so với hàng loạt ưu đãi, miễn giảm thuế các loại để thu hút nhà đầu tư này.
Đơn cử như việc SEV xin được miễn thuế nhập khẩu với toàn bộ nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy tính bảng Galaxy Tab trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại Khoản 15, Điều 16, Nghị định 149/2005/NĐ-CP.
1. Bắt đầu khởi động 2007 với quy mô đầu tư 670 triệu USD, hiện tại Samsung có 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động với tổng công suất 11 triệu sản phẩm/tháng và đã đạt mốc xuất khẩu 123 triệu sản phẩm vào cuối năm 2011. Riêng trong năm 2011, SEV đã đạt mốc xuất khẩu 6 tỷ USD, tạo hơn 18.000 việc làm, thu hút được 53 công ty vệ tinh với hơn 33.000 lao động. Dự kiến, tới năm 2015, công ty có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 16,5 tỷ USD.

2. Trước khi mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Nokia đã phải đóng cửa và thu nhỏ quy mô của một số nhà máy sản xuất đặt tại châu Âu (như đóng cửa nhà máy tại Đức), sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí, thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng". Tháng 4/2011, Nokia tuyên bố cắt giảm 7.000 nhân công, đến tháng 9 cắt thêm 3.500 việc làm nữa. Đến tháng 11/2011, công ty con là Nokia Siemens của tập đoàn này cũng phải cắt giảm tới 17.000 người.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã từ chối đề nghị này với lý do những vật tư, linh kiện trong nước đã sản xuất được chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ và không phải là chính yếu để cấu thành nên sản phẩm máy tính bảng Galaxy Tab.
Với việc chuyển thành doanh nghiệp chế xuất, SEV sẽ đương nhiên không phải nộp thuế nhập khẩu đầu vào đối với các linh phụ kiện này.
Không thể phủ nhận, sự có mặt của SEV đã kéo theo hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, góp phần làm phong phú ngành công nghiệp phụ trợ vốn đang hết sức yếu kém của Việt Nam.
Nhưng cũng có thực tế là các vệ tinh này đều đã hoặc đang đề nghị được ăn theo các ưu đãi của SEV như miễn thuế nhập khẩu hay giảm các loại thuế khác trong quá trình hoạt động.
Ngay chính SEV cũng cho hay, công ty sẽ tối ưu hóa chuỗi cung ứng khi các nhà cung cấp cho SEV cũng áp dụng mô hình doanh nghiệp chế xuất và được hưởng các ưu đãi tương tự.
Nghĩa là phần thu chính đây sẽ vẫn là khoản tiền lương ít ỏi của người lao động trong các hoạt động lắp ráp các thiết bị điện tử.
Kỳ vọng về việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất các thiết bị điện tử kỹ thuật cao vẫn đang ở phía trước bởi có ít doanh nghiệp nội địa được tham gia vào chuỗi vệ tinh của SEV.
Còn nhớ, khi SEV đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, đã có nhiều chuyên gia theo dõi về xuất nhập khẩu cho hay, để đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD này, đầu vào mà doanh nghiệp này nhập khẩu vào Việt Nam cũng lên đến trên 900 triệu USD!
Cho (ưu đãi) nhiều, thu (ngân sách) chẳng bao nhiêu
Cũng trong tháng 4, một tên tuổi khác trong lĩnh vực thiết bị điện – điện tử là Nokia đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh.
Nhà máy có công suất 30 triệu sản phẩm trong năm đầu tiên đi vào sản xuất (năm 2013) và sẽ nâng quy mô lên 180 triệu sản phẩm/năm khi hoạt động ổn định (năm 2016). Tổng vốn đầu tư của dự án này tương đương 302 triệu USD.
Có lẽ rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai của dự án SEV, giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nokia Việt Nam đã có rất nhiều điều khoản ràng buộc rõ ràng ngay từ lần cấp phép đầu tiên như: nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng 9 cam kết với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong số đó có các vấn đề về chính sách chống chuyển giá, việc bán sản phẩm vào thị trường nội địa sẽ phải chịu mức thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu theo đúng quy định. Hay mức độ hiện đại, tiên tiến của dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Nokia Việt Nam so với các nhà máy sản xuất hàng đầu thế giới với nhiều tính năng hiện đại như định vị toàn cầu, kết nối Internet.
Đặc biệt là điều khoản qui định giá trị nội địa hóa trong các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Nokia Việt Nam phải đạt 30-50% sau khoảng 3-4 năm kể từ khi đi vào sản xuất ổn định. Hay tuân thủ yêu cầu 5% số lao động của công ty có bằng đại học sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất.
Dĩ nhiên đổi lại, Nokia Việt Nam cũng được hưởng nhiều ưu đãi như được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm kể từ khi chính thức đi vào sản xuất kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Sản phẩm điện thoại di động do nhà máy của Nokia Việt Nam sản xuất tại Việt Nam cũng được công nhận là sản phẩm công nghệ cao và công ty cũng cam kết sẽ thực hiện đủ 5 tiêu chí theo quy định của Luật Công nghệ cao. Dĩ nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là đầu mối chủ trì các đợt kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp.
Như vậy, sau 16 năm kể từ thời điểm điện thoại di động Nokia được bán hàng thông qua một số nhà phân phối lớn tại Việt Nam, Nokia đã quyết định dừng chân tại đây với việc xây dựng nhà máy điện thoại.
Mặc dù thời hoàng kim của điện thoại di động Nokia tại Việt Nam với thị phần chiếm tới khoảng 65% về số lượng đã lùi xa, nhưng điều đó không ngăn cản nhà đầu tư này tìm kiếm các lợi thế tại đây để sản xuất điện thoại.
Lý giải cho việc đóng cửa, thu hẹp quy mô nhà máy sản xuất và cắt giảm nhân công tại châu Âu là những nỗ lực nhằm cân bằng sản xuất và cắt giảm chi tiêu, đại diện hãng Nokia cũng bày tỏ sẽ tập trung cho mảng smartphone tại các nhà máy ở khu vực châu Á - nơi có nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
Đại diện Nokia cũng nhấn mạnh, trước khi đi đến quyết định đầu tư tại Việt Nam, hãng này đã nghiên cứu rất nhiều yếu tố, tiêu chuẩn khác nhau để đầu tư và đã nhận thấy Việt Nam là một điểm đến phù hợp.
Nokia cũng bày tỏ tham vọng với nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng phù hợp cho công việc giao vận… nhà máy này sẽ giúp hãng lấy lại "thế cân bằng". Đây cũng là nhà máy thứ 10 của tập đoàn này sau các nhà máy đặt ở Brazil, Phần Lan, Hungary, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, cần phải nói thêm là Nokia Việt Nam cũng đăng ký hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chế xuất. Cộng thêm với các ưu đãi cao nhất được dành cho doanh nghiệp công nghệ cao hiện nay, có thể nhìn thấy nguồn thu của ngân sách nhà nước từ đây sẽ không nhiều.
Bỏ quên "con gà đẻ trứng vàng"
Trong khi đang nỗ lực thu hút các tên tuổi mới từ nước ngoài đến đầu tư, dường như nhiều người đang quên mất sự đóng góp lớn của các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam và mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách như ôtô.
Có mặt đông đúc từ giai đoạn 1995-1996 khi làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có những luồng gió mới, tới nay khoảng 15 tên tuổi lừng danh trong ngành công nghiệp ôtô của thế giới đã có hoạt động đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam.
Không kể dưới hình thức lắp ráp giản đơn hay nhập khẩu xe nguyên chiếc thuần túy, những khoản tiền mà các doanh nghiệp ôtô đóng góp cho ngân sách nhà nước từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những nguồn thu lớn.
Chỉ đơn cử một doanh nghiệp có số lượng xe sản xuất hạng trung như Ford Việt Nam, mỗi năm cũng đóng góp trên 2.000 tỷ đồng cho ngân sách. Những công ty có số lượng xe lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc lớn hơn như Hyundai Thành Công, số tiền nộp ngân sách nhà nước lên tới gần 4.000 tỷ đồng/năm.
Tính chung cả ngành ôtô với hàng loạt loại phí lớn nhỏ từ thuế nhập khẩu đầu vào, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đến các loại phí trước bạ, phí cấp biển… hàng năm mang lại khoảng 2 tỷ USD, tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng cho ngân sách.
Trên thế giới, công nghiệp ôtô được coi là một trong những con gà đẻ trứng vàng tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật hay các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia
Tuy nhiên sau gần 20 năm hoạt động, ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam đang có nguy cơ bị "bó phanh" mà nguyên nhân chính được nhắc tới là sự thay đổi liên tục về chính sách.
Có thể kể tới con đường tăng tỷ lệ nội địa hóa của Toyota Innova đang trên đà phát triển nhưng đã dừng lại ở mốc 37% vào năm 2009, sau khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng.
Đáng nói là trước đó, Toyota được xem như một nhà đầu tư rất bài bản với những kế hoạch chỉn chu, chuẩn xác và mang tầm nhìn xa.Trong khi đó, Toyota mới đây đã bỏ khoảng 250 triệu USD vào Indonesia, sau khi đã có hệ thống sản xuất vững mạnh tại Thái Lan trước đó.
Không chỉ Toyota, người ta cũng không nhìn thấy bất cứ nỗ lực nào để gia tăng hoạt động sản xuất ở quy mô lớn của các nhà sản xuất ôtô khác.
Lãnh đạo một doanh nghiệp ôtô nhận xét, ôtô cũng chứa đựng bên trong những công nghệ có hàm lượng chất xám rất cao và không phải sản phẩm nào cũng có được. Đây còn là ngành công nghiệp mà sự phát triển của bản thân nó còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp cơ bản khác, cũng như mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. 

Theo Doanh nhân SG, Tựa đề của Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét