09:00
Quỹ
tiết kiệm nhà ở:
“Giấc
mơ” của người nghèo*
SGTT.VN - Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê
duyệt đề án quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở với hai mô hình khác nhau, đó là
tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua
nhà ở thương mại. Dự kiến quỹ này sẽ vận hành thí điểm từ năm 2013 tại TP.HCM
và Hà Nội.
Giấc mơ có nhà ở của người nghèo xem
ra còn quá xa. Ảnh: L.Q.Nhật
Riêng mô hình thứ nhất, theo Bộ Xây dựng, là quỹ tiết kiệm phát
triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua,
thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở
xã hội. Điều kiện vay ở mô hình này là cá nhân, hộ gia đình phải đóng vào
quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã
hội với mức tối thiểu trong thời gian năm năm. Mức tiền được vay thêm tối
đa bằng hai lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Việc cho vay được
thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì
được ưu tiên vay trước. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất
cho vay trong khoảng 6,5 – 8,5%.
Trường hợp người tham gia không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc
cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi, nhưng mức
lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất huy động ban đầu là 2% mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho
rằng, đề án lần này đã có tính thực tế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để đề án khả
thi, người dân có thể tiếp cận được với quỹ thì phải đi kèm nhiều cơ chế
chính sách khác. Cụ thể, với quy định muốn vay tiền từ quỹ người dân phải
đóng 30% tổng số tiền dự kiến vay trong vòng năm năm. Nếu căn hộ đó khoảng 1
tỉ đồng thì người dân phải đóng được 300 triệu đồng trong vòng năm năm. Tức
là mỗi tháng người dân phải đóng vào quỹ 5 triệu đồng. Đây là một điều hết
sức khó khăn với thu nhập hiện tại của người dân chưa có nhà ở và cần nhu cầu
mua nhà xã hội. Bởi thu nhập của người dân hiện nay 90% đã phải chi phí vào
những thứ như ở, ăn, mặc…
Do vậy, theo ông Đực, để người dân có thể tiếp cận được quỹ và
mua nhà thì giá trị căn hộ ấy phải có giá từ 500 triệu đồng trở xuống, theo
đó bình quân mỗi tháng người dân chỉ phải đóng quỹ 2,5 triệu đồng, hoặc diện
tích căn hộ phải nhỏ hơn.
Tương tự, một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cũng cho rằng, quỹ
tiết kiệm nhà ở là rất cần thiết trong tình trạng người dân chưa có nhiều
điều kiện mua nhà như hiện nay. Tuy nhiên, với đề án mà Bộ Xây dựng vừa trình
Chính phủ, vị này lo ngại tính khả thi không cao. Bởi lẽ, ngoài lý do rất ít
người dân có thể dư 5 triệu đồng/tháng để đóng quỹ, thì người dân còn bức xúc
về nhu cầu nhà ở nhưng phải chờ đến năm năm mới đủ điều kiện được vay mua nhà
thì quá lâu. Người mua nhà cũng không thể yên tâm đóng tiền khi hoàn toàn mù
tịt thông tin về nơi ở của mình.
Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng kiến
nghị nên có một khoảng mở cho những người tham gia vào quỹ này. Ví như, người
dân đã tham gia vào quỹ này được năm năm nhưng số tiền người ta cần phải mua
nhà cao gấp năm lần đã đóng, thì cũng nên xem xét để cho người dân được vay
chứ không nhất thiết phải theo mô hình hai lần số tiền đóng vào quỹ. Mặt
khác, cũng nên xem xét tính bức bách của từng trường hợp để có cơ chế giải
quyết phù hợp.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền
Nam, để đề án khả thi, trước hết bộ Xây dựng nên khảo sát thí điểm tại Hà Nội
và TP.HCM. Cuộc khảo sát cần làm rõ các tiêu chí: chuẩn thu nhập thấp ở mỗi
thành phố là bao nhiêu tiền/tháng/gia đình? Số lượng gia đình thu nhập thấp ở
mỗi thành phố? Giá thấp nhất của một căn hộ 50m2 cho người thu
nhập thấp là bao nhiêu?... Từ những số liệu thu thập được, chúng ta sẽ ước
tính được khả năng góp vốn của người thu nhập thấp, thời gian để họ có thể
trả hết nợ mua nhà, để từ đó có phương án, giải pháp hợp lý.
Vũ Nguyên (Tựa đề của Thương Giang)
|
Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét