09:00
Ngân hàng lãi khủng
do đâu ?
Cho doanh nghiệp (DN) vay vốn
với lãi suất (LS) cao; “chặt chém” không thương tiếc trên thị trường liên
ngân hàng... là những “phương án kinh doanh” đã giúp các ngân hàng kiếm lợi nhuận
khủng giữa lúc kinh tế khó khăn.
Đánh giá từ Tổng cục Thuế cho thấy, trong khi phần lớn DN
rơi vào khó khăn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ phá sản
thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa trừ trích lập dự phòng rủi ro)
năm 2011 của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 97.000 tỉ đồng, tăng gần 45% so với
năm 2010. Nếu trừ đi các khoản trích lập dự phòng rủi ro, tốc độ tăng lợi
nhuận cũng lên tới 30%.
Cho vay đắt đỏ
Theo báo cáo tài chính năm 2011, Ngân hàng thương mại cổ
phần công thương (Vietinbank) có mức lợi nhuận đứng đầu trong hệ thống với
tổng thu nhập hoạt động năm 2011 lên tới hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 70
- 80% từ hoạt động cho vay. LS cao nhất mà ngân hàng này đưa ra trong bản cáo
bạch lên tới 25%/năm. Trong khi đó, thu từ dịch vụ hơn 1.000 tỉ đồng chiếm
5%, lãi từ kinh doanh ngoại hối và vàng không đáng kể khoảng 382 tỉ đồng, lãi
từ kinh doanh chứng khoán 10 tỉ đồng... Sau khi trừ đi các khoản chi phí hoạt
động, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập DN, Vietinbank lãi tới gần 6.300 tỉ
đồng. Quý 1/2012, khi số DN phá sản tiếp tục gia tăng, lợi nhuận của
Vietinbank vẫn không ngừng tăng theo. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế hơn
2.000 tỉ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái chỉ hơn 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận
sau thuế 1.540 tỉ đồng, cao hơn 2011 hơn 997 tỉ đồng.
Ngoài Vietinbank, trong 2011 lợi nhuận sau thuế của Ngân
hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đạt 3.051 tỉ đồng, tăng 68,66%; Ngân hàng
Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 5.700 tỉ đồng, tăng 4 % so với năm
2010.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN tỏ ra khá bức xúc khi
thấy ngân hàng lãi to, còn mình thì phải gánh vác khoản chi phí tài chính quá
lớn trong đó có phần không nhỏ bởi lãi vay. Ông Trần Chí Gia - Chủ tịch HĐQT kiêm
Tổng giám đốc Công ty CP may Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc - Cần Thơ) cho
biết, trong giai đoạn khó khăn trước đó, DN ông vay cả triệu USD từ các ngân
hàng, sau đó làm ăn có lãi đã trả gần hết. “Nhưng các ngân hàng để lãi suất
quá cao khiến DN làm không đủ trả lãi. Trung Quốc để LS cho vay có 5% mà DN
đã khốn đốn, Đài Loan thậm chí chỉ có 0,25%/năm để hỗ trợ. LS của ta cao như
thế này, DN khó khăn lắm”, ông Gia buồn rầu nói.
Ông Trần Thanh Vân - Phó giám đốc Công ty CP Gentraco, một
DN xuất khẩu gạo có tiếng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng cho rằng,
với lãi vay quá cao thời gian qua, DN ông không dám vay tiền đồng. Mức LS ưu
đãi dành cho DN xuất khẩu của ông khoảng 17-18%/năm tại các hợp đồng cho vay
cũ khiến DN kinh doanh khó đảm bảo được sự hiệu quả. “Thời gian qua LS đã
giảm nhưng 13% thì mới nghe chứ chưa tiếp cận được. Trong điều kiện này, với
mức 12% may ra còn kinh doanh được, nhưng DN phải giỏi xoay xở thì mới làm ăn
có hiệu quả”, ông Vân nói.
“Nuốt” cá bé
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu so với tốc độ tăng vốn
chủ sở hữu 22,85% và tăng quy mô tài sản 18,55% trong 2011 thì mức tăng lợi
nhuận trên không đáng kể. Bởi hai chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh là ROA (tỷ
suất lợi nhuận/tổng tải sản) của các ngân hàng chỉ đạt 1,09% và ROE (tỷ suất
lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) 11,86%, thấp hơn 2010.
Thế nhưng theo kết quả tính toán, ROE trung bình của 8
ngân hàng niêm yết đạt 19,68%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,24% của toàn
thị trường. Trong đó, ROE của các ngân hàng như Á Châu, Vietinbank và Eximbank
cao hơn 20%. Riêng Vietinbank cao nhất hệ thống với ROE tới 25,4% và ROA là
1,96%. Nguồn gốc lợi nhuận của các ngân hàng này hầu hết đều có được bởi tỷ
lệ lãi biên ròng (NIM) khá cao, tức chênh lệch giữa huy động và cho vay. Kết
quả tính toán cho thấy NIM của Vietinbank năm 2011 lên tới 5,03%, cao nhất
trong số các ngân hàng. Sacombank có NIM đứng thứ hai với mức 4,48%. Trung
bình 8 ngân hàng đang niêm yết có hệ số NIM lên tới 4,18%, cao hơn khá nhiều
so với mức 3,64% năm 2009 và 3,37% năm 2010.
Lý giải về việc lợi nhuận tập trung vào một số ngân hàng
lớn như nói trên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, cho biết
năm 2011 xảy ra vài đợt sóng thanh khoản, khan hiếm vốn, đặc biệt dịp cuối
năm đã biến các ngân hàng nhỏ trở thành món mồi ngon cho các ngân hàng lớn, khi
các ngân hàng lớn đẩy LS lên cao chót vót. “Họ là ngân hàng quốc doanh được
Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn thoải mái, còn ngân hàng cổ phần lớn có
nhiều giấy tờ có giá nên tham gia vay trên OMO với LS thấp, rồi cho các ngân
hàng nhỏ vay lại trên liên ngân hàng. Thời điểm LS thị trường này lên tới vài
chục phần trăm đó chính là lúc các ngân hàng nhỏ bị ngân hàng lớn làm thịt, bất
kể sự an toàn của hệ thống, sự sống chết của các ngân hàng nhỏ”, tổng giám
đốc này bày tỏ.
(TNO) Anh Vũ
|
Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét