Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012


 09:01
“Kền kền” tác quái nghĩa địa Yên Kỳ


Ở nghĩa trang, đằng sau những nấm mộ lạnh lẽo, khói hương nghi ngút đã và đang tồn tại một thế giới ngầm với những trò làm tiền rất “dị”. Trừ đi những người lương thiện kiếm sống nhờ chính sức lao động của mình bằng nghề đào huyệt, bốc mộ thì đám “kền kền nghĩa trang” đang tác oai tác quái kia cần các cơ quan chức năng kiểm tra và dẹp bỏ.

Vụ ăn trộm hy hữu

Tờ mờ sáng ngày 24/3/2012, con cháu nhà họ Phạm Đình ở Lương Tài, Bắc Ninh đã tề tựu đông đủ tại nghĩa trang. Hôm nay là ngày sang cát cho cụ Phạm Đình T – người trưởng tộc đã mất cách đây 4 năm. Có người trông thấy mảnh giấy cắm trên nấm mộ phơi sương. Nhặt lên giở ra đọc thì ai nấy đều thất kinh.

Mảnh giấy ghi: “Đầu lâu ông của các vị chúng tôi đang giữ. Muốn lấy lại để cải táng phải chuộc 50 triệu đồng. Chuẩn bị tiền đi chúng tôi sẽ gọi điện thông báo địa điểm, thời gian”. Mấy người đàn ông vội nhảy xuống huyệt mộ kiểm tra thì chiếc đầu cụ đã không cánh mà bay.

Đó là một trong vô vàn những phi vụ “độc” nhất mà đám “kền kền nghĩa trang” gây ra. Duyên cớ là do chiều hôm trước, mộ cụ T đã được cải lên. Thầy cúng bảo rằng, phải mở nắp quan tài để qua đêm cho thông thiên địa. Phải đến giờ Thìn thì mới tắm rửa, thay áo cho cụ được. Đó là giờ đẹp để con cháu làm ăn hanh thông còn cụ thì mát mẻ”. Nào ngờ bây giờ mất đầu cụ, phải làm sao đây?

Một cuộc họp gia đình được triển khai ngay ở hiện trường. Đây là vụ tống tiền xưa nay chưa từng xảy ra, đối tượng chắc chắn là người địa phương và có khả năng nghiện ngập cần tiền hút chích. Một người nhà bí mật đi báo công an. Khoảng một tiếng sau anh Phạm Đình Hoàng, cháu nội cụ, nhận được một cú điện thoại của người lạ mặt. Hắn dọa dẫm và đề nghị gia đình nhanh chóng chuẩn bị tiền, nếu không sẽ vứt sọ cụ T. xuống sông cho mất tăm.

Anh Hoàng năn nỉ: “Gia đình chúng tôi xin các anh, chúng tôi không có nhiều tiền đến vậy chỉ có 10 triệu thôi. Mong các anh cho chuộc lại…”. Cuộc thương lượng kéo dài 30 phút và kẻ đánh cắp đồng ý ở mức tiền chuộc là 21 triệu đồng, địa điểm “giao hàng” là sau nghĩa trang liệt sĩ xã…

Hai đối tượng nghiện ngập nghĩ ra trò ăn cắp xương đầu cụ T đòi tiền chuộc đã bị bắt quả tang. Nhưng sau chuyện này ở các vùng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… khi cải táng đã phải tổ chức cắt cử người canh giữ, trông coi mộ.

Chuyện ở nghĩa trang

Khi đem chuyện lạ này kể cho một người bạn. Anh cười ngất: “Không chỉ có chuyện đó đâu. Ông cứ la cà quanh mấy nghĩa trang còn khối chuyện hay. Thời nay kiếm tiền dễ nhất là kiếm tiền của người chết vì người sống mấy ai dám mặc cả”.

Nghĩa trang Yên Kỳ (Hà Nội) là một trong những nghĩa trang lớn nhất thủ đô Hà Nội. So với nghĩa trang Văn Điển mà hiện nay đã đóng cửa rộng 18ha hay siêu công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng rộng 20ha, thì nghĩa trang Yên Kỳ có diện tích lớn hơn rất nhiều.

Nghĩa trang Yên Kỳ được xây dựng từ năm 1960, tọa lạc trên một khuôn viên rộng tới 37ha, thuộc thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì và được xây dựng từ năm 1960. Hiện, Yên Kỳ còn 15.000m2 đất trống và sẽ có thể cải táng trong vòng 3 năm nữa. Chính vì thế, nghĩa trang này lúc nào cũng tấp nập người viếng mộ.
Khách đi viếng mộ luôn là đối tượng rình rập của "kền kền nghĩa trang" 

Nghĩa trang Yên Kỳ sáng ngày hè oi ả, trong bộ dạng hớt hải của một người đi tìm một thất lạc tôi bước chân vào “thế giới người chết”. Đối diện cổng nghĩa trang là một dãy quán chi chít các biển hiệu “dịch vụ xây mộ bảo hành lâu năm”, “Xây mộ – chạm khắc bia đá nghìn năm không hỏng”, “Xây sửa mộ từ A đến Z”… đến hoa cả mắt.

Đang lơ ngơ chưa biết bước vào đâu thì bị một đám khoảng gần 10 người bu vào giằng xe, người kéo áo, kẻ kéo túi, miệng thì nhao nhao: “Anh ơi, để em quét vôi, lau chùi mộ cho”, “chú tìm mộ ai tôi tìm giúp nhé”, “em tìm đất chuyển mộ về đây thì nhà anh là nhất vùng về chất lượng và uy tín”…

Tôi phải giãy mãi mới thoát khỏi đám đông và chui vào quán nước ngay giữa nghĩa trang để nghỉ. Nhìn bộ dạng xộc xệch, tóc tai rối bù của tôi, chị Nguyễn Thị Hải Sinh (phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội) chép miệng bảo: “Chắc chú mới lên lần đầu. Lần nào lên thăm mộ tôi cũng bị hành như thế cả. Nghĩa trang mà láo nháo như bến xe. Kiểm tra lại ví xem có mất gì không, đợt trước mấy thằng móc túi ở Sơn Tây về đây dàn cảnh móc ví của tôi đấy”. Tôi giật mình kiểm tra lại và thở phào nhẹ nhõm vì may mắn chưa bị mất gì. Đi thăm người chết mà còn vất vả hơn là xếp hàng mua vé xe cuối năm. Ngán ngẩm quá!

Số tôi còn may chán là bởi lên đúng mùa tảo mộ nên nghĩa trang lúc nào cũng đông người, chứ vào những mùa vắng người thể nào cũng có vài chú không biết nghiện thật hay giả nhưng cứ xòe kim tiêm gãi đầu gãi cổ xin tí tiền cho đỡ vật thuốc. Khách phương xa thân cô thế cô đành cắn răng mà móc túi. Gửi chiếc xe cho bà hàng nước tôi bước vào khu Đ1. Ngay lập tức hàng chục người vây quanh, kể cả mấy người đang dở tay xây mộ gần đó. Cứ như tôi là miếng mồi ngon và họ là kẻ săn mồi.

Tôi bảo: “Em đi viếng mộ người nhà, tranh thủ qua đây tìm hộ thằng bạn mộ bà nội nó thất lạc từ năm 1982 tên là Lê Thị Thơm”. Vừa nghe xong, đám đông lập tức tỏa ra trèo lên nóc các ngôi mộ, nhảy choi choi để bắt đầu tìm kiếm.

Một người phụ nữ dáng vẻ phúc hậu đi viếng mộ lại gần tôi nói nhỏ: “Chú không mặc cả trước tí nữa tìm xong nó đè ra đòi 300-400.000 đồng đấy. Tôi vừa bị chúng nó nặn mất 4 trăm nghìn đồng xong. Đau quá!”.

Tôi cảm ơn người phụ nữ tốt bụng rồi cười thầm vì đấy chỉ là tên giả mà tôi phịa ra. Thế nhưng mà tôi nhầm. Khoảng hơn 1 tiếng sau, đám “thám tử nghĩa trang kia quay lại và bảo không tìm thấy một nào tên như thế. Một người đàn ông dáng vẻ bặm trợn đứng ra bảo: “Anh cho xin 2 trăm nghìn tiền công anh em đi tìm. Tuy không thấy nhưng cũng mất công. Nếu ông anh muốn tìm thì bọn này sẽ vào giở sổ ở nghĩa trang tra hộ cho. Ông anh phải chi phong bì đấy”. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay móc ví trả tiền.

Gã đàn ông tên Thiện nheo mắt cười: “Ông anh cứ để số điện thoại lại, nếu tìm được thưởng cho thằng em mấy trăm uống rượu nhé. Thế là còn rẻ đấy chứ mấy chục ngàn ngôi mộ ở đây ông anh muốn tìm chắc phải mất 3 ngày”.

Cũng theo lời gã, mới hai hôm trước có một người phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh ra tìm 4 ngôi mộ người thân mất 2 triệu đồng. Số là hai chị em nhà họ “từ mặt” nhau, người em quy tập mộ của bố mẹ, ông bà lên đây và giấu không cho người chị biết. Chị ta chỉ biết họ tên bố mẹ mình chứ không biết mộ của họ nằm ở đâu nên phải cậy nhờ đến đám “thám tử” kia.

Thế giới ngầm sau bia mộ

Thoát khỏi đám loi choi tìm mộ, tôi tiếp tục bị một đám 4 người đeo bám nài nỉ được lau rửa mộ, tô lại chữ, trồng hoa lên mộ… Mỗi “hạng mục” được các họ hét giá 200 nghìn đồng. Một chị tên Nụ còn bảo: “Chú cứ thuê tôi chăm nom cho 4 ngôi mộ này của nhà chú quanh năm sạnh sẽ, các kỳ sóc vọng đều có hương thơm thắp. Tôi chỉ xin tiền công 500 nghìn đồng một năm thôi”.

Khi tôi tỏ ý chê đắt tự muốn nhổ cỏ thắp hương, có gã đàn ông đội mũ cối, ngồi vắt chéo chân lên ngôi mộ bên cạnh châm một điếu thuốc bảo: “Ông anh “ngõ gạch” nhỉ? Có mấy đồng mà cũng tiếc. Mộ nhà ông anh đẹp nhỉ? Có muốn sang năm lên còn nhận được mộ nữa hay thôi đây!”.

Nóng máu, tôi đấu khẩu: “Ông định dọa tôi đấy à, có giỏi ông cứ làm đi”. Thấy tôi “rắn mặt” hắn cười cười: “Cũng chẳng biết đâu mà lần, anh xem mấy ngôi mộ kia kìa, chẳng biết trâu bò hay là người đụng phải mà nứt nẻ, sứt góc, mất số… Anh em cũng chỉ có mỗi chỗ này kiếm cơm. Ai cũng rắn như bác thì bọn em chết đói hết à!”.

Nhiều người lần đầu tiên lên nghĩa trang này chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn một đám tự nhiên như ruồi, không ai nhờ vả gì, cứ xăng xái xông đến cắt cỏ, đắp đất, trồng cỏ cho mộ người thân gia chủ. Thậm chí, họ lấy đất từ ngay ngôi mộ bên cạnh để đắp sang. Xong việc gia chủ chưa kịp cảm ơn thì gã đã ngửa tay: “Việc xong rồi, bác cho em xin 2 “lít”.
Việc làm mới cho những ngôi mộ đem lại một thu nhập không nhỏ cho một số người 

Ngay cả những đứa bé chỉ khoảng 13, 14 tuổi cũng vào đây kiếm tiền. Hai việc mà bọn trẻ hay làm nhất là chỉ mộ và nhặt vỏ cam, quýt về phơi khô bán cho hiệu thuốc nam. Những dịp cuối năm cho đến tháng 3 âm lịch là dịp thanh minh tảo mộ thì khỏi nói, cả làng, cả xã đổ ra nghĩa trang kiếm sống. Chỉ những người đi thăm viếng mộ người thân là bị hành mà không dám làm gì. Không phải họ sợ cho bản thân mà sợ bóng, sợ gió mồ mả người thân bị trả thù…

Ở nghĩa trang này, những người “làm dịch vụ” chỉ là “chiếu dưới” còn lớp trên là đám cai, trùm – những kẻ thao túng các hoạt động của nghĩa trang. Muốn tìm đất xây mộ, sửa sang, chuyển mộ… đều phải thương lượng với các đối tượng này. Tiền dịch vụ cũng không hề rẻ một chút nào. Nếu muốn có đất đặt phần mộ ở đây, trung bình gia chủ phải chi từ 8 triệu, muốn vị trí đẹp phải mất tới 12 triệu đồng.

Khi tôi ngỏ ý muốn chuyển ngôi mộ của cụ Lê Thị Thơm đi vị trí khác đẹp hơn, một “trùm” mách nước: “Anh cứ để bọn em lo cho. Nếu bây giờ làm thủ tục mất nhiều thời gian, tiền bạc lắm. Các anh cứ khoán trắng cho bọn em, đêm xuống bốc trộm là xong. Chỉ 2-3 triệu đồng thôi”.

Thì ra nhiều trường hợp người đăng ký mộ bị mất thẻ hoặc chết đi nếu muốn di chuyển mộ phải mất thời gian đi chứng thực ở ủy ban, làm đơn xin chuyển và phải đóng lệ phí. Còn với đám cò này chỉ cần giao đủ tiền đêm đến họ sẽ làm từ A-Z và giao quách tại “điểm hẹn” gần nghĩa trang là xong.

Có lẽ không có gì mà đám cò này không dám làm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những sự việc nêu trên đã tồn tại nhiều năm nay và càng ngày càng tinh vi, trắng trợn nhưng Ban Quản lý nghĩa trang và chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái dứt khoát. Cả chục ngàn ngôi mộ nằm bạt ngàn suốt mấy dã đồi nhưng lại nằm kề ngay bên đường. Thậm chí không có lấy một bóng bảo vệ để thị uy thì tránh sao được chuyện đám cò lộng hành, bắt chẹt người đi thăm mộ.

Tăng cường bảo vệ


Đem những chuyện bức xúc đó trao đổi với ông Phùng Văn Vinh, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang Yên Kỳ, ông nói: “Chúng tôi cũng bức xúc lắm! Quả thực là chúng tôi cũng biết những chuyện đó và cũng có những biện pháp ngăn chặn như phối hợp với công an khu vực. Nhưng vì nghĩa trang rộng như thế lại không có tường rào, bốn phía là dân cư sinh sống, ai thích vào thì vào, thích ra thì ra, trong khi chỉ có 16 người trong tổ quản trang, nên quản không xuể.

Với số lượng mộ rất lớn, mỗi năm có không biết bao nhiêu gia đình có nhu cầu sửa sang, ốp đá lại cho phần mộ của nhà mình. Những gia đình nào có nhu cầu sửa mộ mà không vào Ban quản trang đăng ký, chúng tôi cũng không thể bỗng dưng chen vào được mà chỉ có thể quản lý theo kích cỡ. Trước do chưa có kích cỡ phù hợp, nên nhiều gia đình xây sửa theo ý của họ làm cho mộ sửa sau to hơn mộ sửa trước. Nhưng những khu mới bây giờ đã chấm dứt tình trạng đó và hàng lối ngay ngắn, rõ ràng.

Về vấn đề an ninh trật tự, những trường hợp sửa mộ rồi bị chèn ép thường là do gia đình nhờ một người dân địa phương trông nom, đến khi sửa mộ lại thuê một người khác nên dẫn đến mâu thuẫn. Có trường hợp ở Khu C8 tôi phải gọi cả gia đình có mộ, bên trông nom, bên sửa mộ với sự chứng kiến của công an để giải quyết cho dứt điểm, ông Vinh cho biết và khẳng định chỉ khi nào tường rào xung quanh nghĩa trang Yên Kỳ được hoàn thành khi đó mới có thể quản nghĩa trang tốt hơn và cũng chỉ khi đó những bức xúc của người dân lên thăm mộ mới được giải tỏa”.

Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của người đã khuất. Những người thân của họ mong muốn nơi đây thực sự yên bình, lành mạnh để mỗi lần đến đây họ thanh thản thắp nén nhanh thơm cho người đã khuất chứ không phấp phỏng lo âu mỗi lần thăm viếng…
Vòng hoa quay vòng
Tại một số nghĩa trang ở Hà Nội lâu nay vẫn diễn ra việc “hoa quay vòng”: Tại mỗi cổng nghĩa trang thường có 3-4 cửa hàng bán vòng hoa viếng người quá cố. Tất cả các vòng hoa đền na ná giống nhau. “Điều lạ” để phân biệt hoa mỗi nhà là họ buộc dây chân chống khác màu nhau: xanh, đỏ, tím vàng. Để làm gì vậy? Xin thưa, khi tang chủ ra về các vòng hoa của nhà nào nhà nấy lại khiêng ra cổng bán lại cho đám khác. Cứ như vậy có khi mỗi vòng hoa “hân hạnh” được viếng đến 4-5 người chết!

Anh Nguyễn Văn Long, một người dân sống gần Nghĩa trang Yên Kỳ cho biết: “Tùy từng hôm, có ngày mười mấy đám ma, có ngày 7-8 đám. Cũng có nhà nhiều, có nhà ít vòng hoa, ít nhất là 1 xe, có nhà 2-3 xe. Trước kia nghĩa trang thuê người đi đổ, bây giờ có người thầu dọn dẹp và đi đổ luôn. Thường thì hôm sau người ta đã sửa mộ, đắp lại nên vòng hoa được dọn đi ngay. Vòng hoa thì có cái khung và loại xốp còn dùng được, hoa thì nát hết. Ngoài ra, hoa xốp cũng vẫn tận dụng được”.
Theo Năng Lượng Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét