10:09
Xóa bỏ nhập nhèm
giữa… công ích
và kinh doanh
(Tamnhin.net)
- Nếu chức năng làm nhiệm vụ công ích và kinh doanh đang rất lẫn lộn như hiện
tại không được phân định rạch ròi, thì mục tiêu buộc doanh nghiệp nhà nước
(DNNN) cạnh tranh theo cơ chế thị trường trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền
kinh tế của Chính phủ sẽ trở nên không khả thi.
Chuyên gia kinh
tế Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh luận điểm này với dẫn chứng, thực tế là khi làm
ăn thua lỗ, DNNN dễ lấy nhiệm vụ công ích ra làm “bia đỡ đạn”, chứ không thừa
nhận do kinh doanh yếu kém, thậm chí cố tình làm thất thoát để tư túi, tham ô…
Sự nhập nhèm này khiến rất khó quy trách nhiệm cho ban điều hành DNNN khi xảy
ra thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của dân, của Nhà nước.
Bà cho rằng,“Để khắc phục tình trạng trên, tới đây cần có quy định phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ công ích và kinh doanh của DNNN. Nếu điều này quá khó, thì nên bỏ nhiệm vụ công ích đối với loại hình DN này, để minh bạch hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN…”. Minh bạch hơn hoạt động của DNNN, đặc biệt là các DN đang nắm lượng tài sản lớn của nhà nước như các tập đoàn, tổng công ty, thông qua nghĩa vụ định kỳ công bố một loạt thông tin quan trọng, là giải pháp đáng chú ý được đưa ra trong Đề án. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty phải công bố các thông tin: sứ mệnh và các mục tiêu cụ thể hàng năm; báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của tập đoàn, tổng công ty và báo cáo tài chính có kiểm toán của các công ty con; danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án; các giao dịch quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác… Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty còn phải công bố thông tin về các bên có liên quan, giao dịch với bên liên quan; nhân thân, trình độ chuyên môn, các vị trí quản lý đã nắm giữ, cách thức được bổ nhiệm, công việc quản lý được giao, cách thức trả lương và những lợi ích khác của các cán bộ chủ chốt; thông tin về những người có liên quan và lợi ích có liên quan của họ với công ty… Nội dung và chất lượng thông tin được công bố, cách thức công bố thông tin phải phù hợp với thông lệ tốt, ít nhất tương đương với các công ty niêm yết… Bà Lan nhìn nhận, nếu triển khai được những giải pháp nêu trên, thì lần đầu tiên không chỉ người dân, mà chính cơ quan quản lý sẽ tiếp cận được gần như toàn bộ những thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản, mối quan hệ giữa các nhân sự chủ chốt với những người có liên quan tại DNNN. Lâu nay các DNNN chưa chịu áp lực phải minh bạch các thông tin này, nên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Điều này được minh chứng qua một số vụ việc sai phạm đã bị phanh phui, khi lãnh đạo DNNN tìm cách rút ruột tài sản của nhà nước thông qua chuyển các hợp đồng, dự án hay các lợi ích kinh tế khác vào tay các DN sân sau nhằm tư túi, tham ô. Điều này phần nào lý giải tại sao nhiều DNNN thường xuyên làm ăn thua lỗ, nhưng lãnh đạo DNNN giàu lên trông thấy. Tại sao sự bất thường kéo dài này không được làm rõ? “Để nghĩa vụ minh bạch hoạt động của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty không chỉ là quy định trên giấy, các giải pháp nêu ra trong Đề án cần được luật hóa với các chế tài đủ mạnh, để tạo sự răn đe đối với các DNNN cố tình không chấp hành. Nếu tư tưởng “nuông chiều” DNNN không được dứt khoát đoạn tuyệt, thì khó tạo đột phá trong tiến trình tái cơ cấu DNNN”, bà Lan cảnh báo. Tái cơ cấu DNNN là một trong các trụ cột trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo Đề án, tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện đồng thời trên 3 nội dung: sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, CPH, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu; đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi các điều kiện kinh doanh bên ngoài để áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường... TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, muốn áp đặt hiệu quả kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường đối với DNNN, thì gốc rễ là cần rạch ròi được phạm vi kinh doanh của các DNNN, cụ thể hơn là của các tập đoàn, tổng công ty; họ có vai trò, chức năng gì trong nền kinh tế. Khi định vị rõ vị trí của họ trong mối tương quan với các lực lượng khác trong nền kinh tế, thì mới có thể thiết kế được hệ thống chính sách đủ đồng bộ và chặt chẽ buộc khối DN này thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
(Tamnhin.net) Hải
Hà
|
Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét