Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

“Soi” tham nhũng như soi hoa hậu

Cập nhật lúc 19:25  

Nếu các vị trí lãnh đạo trong cơ quan công quyền được lựa chọn khắt khe và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ như... xã hội giám sát hoa hậu, có lẽ Nhà nước bớt phải hao tâm tổn sức trong chuyện phòng chống tham nhũng. 

Thí sinh dự thi hoa hậu Nguyễn Vũ Hoài Trang
Tuần trước, tôi dự một buổi trò chuyện với bà Alyson Kay Duncan - phụ nữ gốc Phi đầu tiên làm thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ khu vực 4. Chủ đề của buổi nói chuyện là chia sẻ kinh nghiệm về chống tội phạm tham nhũng và rửa tiền.
Trong buổi trao đổi, có người đặt câu hỏi: ở Việt Nam trước mỗi kỳ bầu cử, các ứng viên thường gặp nhiều đơn thư tố cáo, các quan chức của Chính phủ Hoa Kỳ có gặp tình trạng tương tự không?
Bà Duncan trả lời rằng ở Hoa Kỳ, ngay khi tên ứng cử viên được công bố, báo chí đã công bố tường tận mọi chi tiết công chúng quan tâm về người đó, “từ khi chào đời đến ngày tranh cử”.
Chính trị gia ở cấp càng cao, công chúng càng quan tâm và đồng nghĩa càng bị báo chí soi kỹ. Các “tì vết” trong lý lịch ứng cử viên, bao gồm cả bê bối tài chính nếu có, khó mà qua mặt được báo chí.
Ngay với bà Duncan, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ - nơi tập hợp những người giỏi nhất về chuyên môn - cũng đóng vai trò “soi xét” nghiêm ngặt về chuyên môn nghề nghiệp của thẩm phán.
Như thế, dù không được bầu mà được bổ nhiệm bởi tổng thống, nhưng “lá phiếu” của báo chí, của xã hội đóng một vai trò quyết định không nhỏ đến cái ghế của một người giữ trọng trách.
Tuy nhiên, bà Duncan thừa nhận bản thân Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề chống tham nhũng, từ việc điều tra đến bảo vệ nhân chứng và người tố cáo.
Vai trò giám sát của báo chí và xã hội đã tạo ra được áp lực lớn để thúc đẩy quá trình minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của những người nắm quyền lực. Đó chính là “vũ khí” quan trọng giúp gia tăng tính minh bạch của bộ máy công quyền.
Từ trả lời của bà thẩm phán, tôi chợt nhớ chuyện... hoa hậu Việt Nam mấy ngày nay. Chỉ một ngày sau khi nhận vương miện, tân hoa hậu đã phải đối mặt với sóng gió từ giới truyền thông, cộng đồng mạng, kể cả những chuyện từ ngày cô bé mới 13 tuổi.
Tôi ấn tượng với dòng tít trên Tuổi Trẻ: “Hoa hậu Việt Nam và những điều tra viên mạng xã hội” (Tuổi Trẻ 30-8). Quả là có thế, sức hút của hoa hậu đã tạo ra những “điều tra viên” rất tích cực và sành sỏi.
Và như vậy, buộc hoa hậu phải cẩn trọng trong suy nghĩ, hành động để giữ hình ảnh tốt đẹp của mình trước công chúng.
Giữa tràn ngập hình ảnh và bình luận về hoa hậu Việt Nam mấy ngày hôm nay, tôi chợt nghĩ nếu các vị trí lãnh đạo trong cơ quan công quyền được lựa chọn khắt khe và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ như... xã hội đã giám sát hoa hậu, có lẽ Nhà nước bớt phải hao tâm tổn sức trong chuyện phòng chống tham nhũng.
Khi đó mọi thứ sẽ được công khai, chịu sự giám sát và chỉ có những người “không tì vết” mới được ngồi vào các vị trí quyền lực.
Kết quả hình ảnh cho quan tham nhũng
Như bà Duncan đã nói, nếu kiểm soát quyền lực trong nội bộ bộ máy nhà nước là điều kiện cần thì giám sát của báo chí và xã hội là điều kiện đủ. Một khi những người sẽ là ứng viên hoặc đang nắm giữ quyền lực cũng bị soi, bị giám sát chặt chẽ, ắt hẳn cũng chịu áp lực để “giữ mình” như hoa hậu.
Hãy thúc đẩy quá trình giám sát này. Cần nhớ rằng trong thời của mạng như bây giờ, cán bộ dính tì vết khó lọt khỏi hàng triệu cặp mắt, đôi tai của những “điều tra viên mạng xã hội”, và chẳng có gì giấu được mãi mãi.
(Theo Tuổi trẻ) NGUYỄN QUANG ĐỒNG

Nên nhớ rằng soi Hoa hậu để tìm ra cái đẹp, còn soi tham nhũng để tìm ra cái thối tha của công chức, cái ung nhọt của bộ máy, chẳng thể giống nhau.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét