“Quan lộ” và những sai phạm tày trời của nguyên tổng
giám đốc PVC
Cập nhật lúc 08:01
Ngày 16/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố,
bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với 4 bị can là lãnh đạo, cựu lãnh đạo
Tổng Cty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) về hành vi “Cố ý làm trái quy
định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165
Bộ luật Hình sự.
Toà nhà Sông Đà - nơi ông Vũ Đức Thuận bị Cơ quan
điều tra Bộ Công an bắt giữ, khám xét.
Các
bị can gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh
Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm
Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng Cty PVC.
Để thua lỗ hàng nghìn tỷ vẫn thăng chức
Việc cơ quan điều tra ra quyết định
khởi tố, bắt giam ông Vũ Đức Thuận và 3 bị can nêu trên nhằm điều tra các
hành vi sai phạm của các ông này trong việc để PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung
ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 - 2013, PVC
để xảy ra thua lỗ khoản tiền “khổng lồ” nêu trên, đây cũng là giai đoạn mà
ông Vũ Đức Thuận giữ cương vị tổng giám đốc, còn ông Trịnh Xuân Thanh giữ
cương vị Chủ tịch HĐQT.
Sau vài năm “chèo lái” và khiến PVC mắc
kẹt trong thua lỗ, nợ nần, cả 2 vị lãnh đạo Thanh - Thuận đều được điều
chuyển sang nơi khác làm việc. Trong đó, đầu năm 2013, ông Vũ Đức Thuận được
rút về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Phó trưởng Ban xây dựng, rồi về tỉnh
Thái Bình làm Phó giám đốc Sở GTVT. Đến tháng 3/2015, Bộ GTVT điều động, bổ
nhiệm ông Vũ Đức Thuận làm Chánh Văn phòng Bộ GTVT. Sau đó, ông Vũ Đức Thuận
đã chuyển công tác khỏi bộ này để vào TPHCM làm việc.
Cũng trong năm 2013, ông Trịnh Xuân
Thanh rời PVC về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương, sau đó làm Trưởng
đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng. Đến năm 2015, sau một thời gian kinh qua
nhiều vị trí lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Công Thương, ông Trịnh Xuân Thanh được
bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Qua thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC), Thanh tra Chính phủ cũng đã
chỉ rõ trách nhiệm của PVC tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh
nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn bết bát, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là Tổng thầu
hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các
Cty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC
thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra,
giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại
hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.
Ông Vũ
Đức Thuận.
Sai phạm tại nhiều dự án
Theo tài liệu của các cơ quan chức
năng, dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, PVC sử dụng phần vốn
điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các Cty con, Cty liên kết. Tuy nhiên, các
đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình
trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ
hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cuối năm 2009, PVC quyết
định thành lập Cty Cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (Cty PVC-ME,
là Cty con) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC đóng góp 40% cổ phần.
Do năng lực ban lãnh đạo Cty yếu kém nên PVC-ME để xảy ra thua lỗ hơn 576 tỷ
đồng. Ngày 12/9/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi
tố 15 bị can liên quan các sai phạm tại PVC-ME.
Đến đầu tháng 2/2016, vụ án được TAND
Tối cao tại TP Hà Nội xử phúc thẩm, trong số 13 bị cáo bị truy tố về tội cố ý
làm trái có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME. Cơ quan tố tụng xác định, PVC-ME đã
lập quỹ trái phép hơn 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp
khách. Toà xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME hơn 52
tỷ đồng.
Được biết, thời điểm năm 2011 – 2013,
PVC được giao làm nhà thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án
có công suất thiết kế 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương
đương 1,7 tỷ USD).
Phạm vi thực hiện hợp đồng của nhà thầu
bao gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư. Toàn bộ
công tác xây lắp chạy thử, nghiệm thu, đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp
vốn. Trong dự án này, PVC đã rót khoản tiền 110 tỷ đồng, trong đó, các bị can
Thuận, Tiến, Dũng, Đạt là người liên quan trực tiếp và có dấu hiệu về hành vi
cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ông
Vũ Đức Thuận (SN 1971), quê Thái Bình, có bằng kỹ sư xây dựng, thạc sỹ quản
trị kinh doanh và từng làm việc tại nhiều Cty con thuộc Tổng Cty Sông Đà. Đến
năm 2009, ông Thuận chuyển công tác về Tổng Cty PVC và giữ chức vụ Tổng giám
đốc. Đầu năm 2013, ông Thuận được điều chuyển về giữ chức vụ Phó trưởng ban
Xây dựng – PVN; rồi về tỉnh Thái Bình làm Phó Giám đốc Sở GTVT. Đến tháng
3/2015, Bộ GTVT điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận làm Chánh Văn phòng Bộ
GTVT. Sau đó, ông Thuận đã chuyển công vào TPHCM.
Trước
đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an khẩn trương thực hiện ý
kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra
làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ số tiền gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. Đồng
thời, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xác định việc lỗ lũy kế gần 3.300
tỷ đồng của PVC có bảo toàn vốn hay không và có văn bản gửi Bộ Công an, TTCP
để phối hợp xử lý, báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Phó Thủ tướng cũng giao
TTCP tiếp tục thanh tra, làm rõ các vi phạm trong việc đầu tư, thực hiện các
dự án của PVC trong giai đoạn 2008 – 2013; xác định rõ trách nhiệm của tập
thể, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, đề xuất xử lý,
báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2016.
(Theo Tiền
phong) Dương Lê
|
Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét