Bà Phạm Chi Lan:
"Quyền
lực là đích ngắm quan trọng nhất của bọn tham nhũng"
Cập nhật lúc 08:00
"Không thể có một Chính phủ kiến tạo,
chính phủ phục vụ và hành động nếu không triệt được nạn tham nhũng quyền lực.
Và không có chính phủ hành động thì mọi cam kết lại chỉ nằm trên giấy, và
“con đường từ miệng đến tay” cứ kéo dài bất tận mà thôi.”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Trong phần 3 cũng là phần cuối cuộc trò chuyện với Tuần Việt
Nam, bà Phạm Chi Lan đã nói kỹ lưỡng về chính phủ kiến tạo, về nguồn nhân lực
trong bộ máy nhà nước, và cả về cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây thường hay nhấn mạnh thuật
ngữ “Chính phủ kiến tạo”. Bà có biết thuật ngữ này được nhắc đến lần đầu tiên
ở Việt Nam khi nào? Những thành tố hình thành Chính phủ kiến tạo là gì? Và để
xây dựng được Chính phủ kiến tạo bản thân Chính phủ và người đứng đầu Chính
phủ phải làm những việc gì?
Khái niệm
“Chính phủ kiến tạo” được chính thức nêu ra trong Thông điệp đầu năm 2014 của
cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được nói rõ là thông điệp cho 2 năm 2014-2015.
Trong Thông
điệp này, lần đầu tiên Thủ tướng Dũng nói rằng Chính phủ phải là Chính phủ
kiến tạo, Chính phủ phục vụ. Nhiều nội dung trong Thông điệp rất hay, mới và
mạnh bạo hơn hẳn những gì lãnh đạo nước ta thường nói. Tiếc rằng những ý
tưởng đẹp đó vẫn chưa kịp đi được vào cuộc sống.
Khi lên nhận
nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh cam kết xây dựng
Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, và thêm hai ý Chính phủ liêm chính,
Chính phủ hành động.
Tôi tán thành
gắn thêm hai cam kết liêm chính và hành động vào cho Chính phủ mới. Tham
nhũng ở Việt Nam hiện nay đã quá tràn lan, phức tạp, trắng trợn, và tham
nhũng đủ thứ, như những nhà lãnh đạo cao nhất ở nước ta đã thừa nhận. Một số
vụ tham nhũng tiền bạc, tài sản công đã được đưa ra điều tra, xét xử, nhưng
gần như chưa mang lại kết quả về mặt răn đe, ngăn chặn tham nhũng loại này.
Với Chính phủ
mới, tôi mong Chính phủ tập trung hơn vào chống tham nhũng quyền lực. Khi
thiên hạ tổng kết “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ…”, người
ta hiểu quyền lực là đích ngắm quan trọng nhất của bọn tham nhũng. Những kẻ
tham nhũng quyền lực không những chỉ gây hại bằng cách dùng quyền để tham
nhũng tiền của, mà còn làm méo mó cả thiết chế nhà nước, khiến cho bộ máy nhà
nước không thể có hiệu lực, hiệu quả cần thiết.
Không thể có
một Chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ và hành động nếu không triệt được
nạn tham nhũng quyền lực. Và không có chính phủ hành động thì mọi cam kết lại
chỉ nằm trên giấy, và “con đường từ miệng đến tay” cứ kéo dài bất tận mà thôi.
Trên thế giới mô hình “chính phủ kiến tạo” thành công nhất ở
đâu? Chúng ta có thể rút ra những khái niệm về nó?
Nếu cần tìm
kiếm một mô hình “chính phủ kiến tạo” ở gần nước ta, tôi nghĩ ta có thể nhìn
sang Singapore. Không biết chính phủ họ có tự coi mình là chính phủ kiến tạo
hay không, nhưng rõ ràng dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, chính phủ
Singapore đã trở thành nhà kiến tạo kiệt xuất của đất nước mình.
Trước hết, họ
đã thiết lập nên một hệ thống thể chế hiện đại, văn minh, làm nền tảng cho sự
phát triển liên tục của đất nước cũng như của đông đảo người dân trên đảo
quốc này. Trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, các luật lệ, chính sách của
Singapore được thiết kế khoa học, minh bạch, tương đồng với luật của các nước
tiên tiến nhất; được tổ chức thực thi nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả; được
điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn và yêu cầu phát triển của đất nước.
Chính phủ
Singapore luôn đứng hàng đầu trong mọi xếp hạng quốc tế về những tiêu chí
chính phủ mạnh, giỏi và sạch. Xã hội Singapore cũng là một xã hội phát triển
cao, văn minh, kỷ cương, hòa hợp bậc nhất.
Thứ hai, họ có tầm
nhìn chiến lược rộng và xa, đưa ra những định hướng và lựa chọn ưu tiên, lựa
chọn cách làm chuẩn xác trong từng thời gian, từ đó luôn khai thác được tốt
nhất các cơ hội và nguồn lực sẵn có, đồng thời không ngừng tạo ra năng lực
mới cho đất nước để liên tục vượt lên trong cuộc cạnh tranh phát triển toàn
cầu.
Họ cũng rất
giỏi trong việc thu hút, kết nối và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài, biến
đảo quốc thành trung tâm hoạt động của hàng nghìn công ty đa quốc gia và
trung tâm của các hoạt động sáng tạo, đặc biệt trong kỷ nguyên của cách mạng
công nghệ từ cuối thế kỷ trước đến nay.
Bản thân chính
phủ luôn là người đi tiên phong, mở đường và ủng hộ cho doanh nghiệp và người
dân đi vào những lĩnh vực mới, thông qua những công cụ như Temasek, một công
ty của chính phủ chuyên đầu tư khai phá những lĩnh vực mới để rồi chuyển giao
lại cho khu vực tư nhân phát triển tiếp.
Thứ ba, họ đã
luôn biết trân trọng khai thác và phát triển tốt nhất nguồn lực con người,
coi đó là nguồn lực quý giá nhất của mình.
Ngay từ đầu và
trong suốt quá trình phát triển, ông Lý Quang Diệu và chính phủ của ông đã
luôn lắng nghe bộ máy cố vấn gồm những bộ óc xuất sắc nhất, luôn chăm chút và
tạo điều kiện cho những tài năng của đất nước phát triển. Họ cũng thường
xuyên học hỏi, trao đổi với các nhà khoa học và chuyên gia các nước khác để
rút ra những giá trị cần thiết cho mình.
Họ không ngừng
đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, không ngừng cải thiện điều kiện
cho sự học hỏi và sáng tạo của người dân để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cao hơn
của đất nước trong quá trình phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã
giúp Singapore luôn có khả năng hấp thụ và đi vào những lĩnh vực mới hiện
đại, hiệu quả nhất, và trong một số trường hợp họ còn vượt lên sớm hơn các
nước tiên tiến khác.
Tất nhiên, Việt
Nam ở trình độ phát triển thấp hơn nhiều so với Singapore, dân số lại đông
hơn họ hàng chục lần, nên muốn làm theo họ cũng khó lắm. Nhưng ít nhất Việt
Nam phải biết học tập họ để dần dần xây dựng cho mình một chính phủ kiến tạo.
Cả ba lĩnh vực thể chế, chiến lược và nhân lực của Việt Nam hiện nay đều cần
cải cách mạnh mẽ. Thể chế và nguồn nhân lực đã được bàn khi đề cập đến ba đột
phá chiến lược rồi.
Riêng về xây
dựng chiến lược và định hướng phát triển ở nước ta, cũng còn nhiều điều bất
cập. Nổi cộm nhất là do sự phân tán, cát cứ quyền lực, nên quá nhiều thứ được
chọn làm lĩnh vực ưu tiên, nhưng quá nhiều mũi nhọn thì rốt cục không có cái
gì là quan trọng và được làm tới nơi tới chốn cả.
Mô hình lông nhím?
Cũng có nhiều
người gọi là mô hình “quả mít”, nhưng tôi thấy hình ảnh “lông nhím” hay và
xác đáng hơn. Khi nhím xù lông lên và bắn thì rất dễ làm tổn thương tất cả,
chứ chẳng ai được lợi lộc gì.
Trước mắt, nhân
đây tôi mong Chính phủ cho rà soát lại những chiến lược, quy hoạch đã có,
đánh giá lại tính đúng đắn và khả thi, trên cơ sở đó mạnh dạn tuyên bố loại
bỏ những cái không còn phù hợp, điều chỉnh cái nào còn có thể dùng, bổ sung
những chiến lược, quy hoạch mới phù hợp với xu hướng và bối cảnh phát triển
trong nước và quốc tế ngày nay…
Tôi nói điều
này vì gần đây vẫn thấy có bộ ngành hoặc địa phương bám vào quy hoạch chẳng
biết được làm từ bao giờ để xin đầu tư, kể cả dự án không còn nhu cầu hợp lý,
không cấp thiết hoặc hiệu quả rất thấp.
Thậm chí lại
còn bổ sung vào quy hoạch những dự án khủng trong lĩnh vực thực sự không có
chỗ cho ta phát triển vì ngay trong khu vực đã dư thừa công suất quá nhiều,
lại có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Vì vậy Chính phủ nên cho rà lại và tuyên bố
xóa bỏ luôn những dự án nào không cần/không thể làm nữa, hoặc những dự án
phải gác lại để 10-15 năm nữa sẽ tính sau.
Hiện nay Bộ
KH-ĐT đang được giao việc rà lại và trình Chính phủ đề án về đổi mới mô hình
tăng trưởng và đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là
việc làm hết sức cần thiết.
Điều quan trọng
trong xây dựng cũng như thực hiện cả hai đề án là phải đánh giá đúng thực
trạng của ta hiện nay, với các mặt mạnh, yếu, cơ hội, thách thức trong quan
hệ so sánh với các nước trong khu vực, để biết ta đang ở đâu và cần phải đi
như thế nào trong những năm tới. Chọn lựa hướng đi và ưu tiên phát triển cần
rất thực tế và tập trung, tránh duy ý chí và dàn trải.
Lợi ích quốc
gia phải được đặt lên cao nhất và tuyệt đối không để các lợi ích nhóm, các
thứ thân hữu xen vào, làm sai lệch chiến lược và chính sách, kể cả trong
thiết kế cũng như trong thực hiện.
Thế giới và khu
vực đang chuyển động quá nhanh, với biết bao nhiêu cái mới xuất hiện, đặc
biệt về xu hướng hội nhập và sự phát triển như vũ bão của công nghệ, tác động
mạnh tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, tới hệ thống quản trị và khả năng
phát triển của mọi quốc gia.
Nắm bắt và mạnh
dạn đi cùng với dòng chảy chung của nhân loại, ta có thời cơ rất lớn để phát
triển mạnh mẽ, đột phá. Ngược lại, nếu không nhận thức ra mà cứ chần chừ, do
dự không dám đi cùng thời đại, ta có nguy cơ lớn rơi vào cực kém phát triển
và bị các nước khác bỏ lại xa hơn.
“Chính phủ kiến
tạo” của Việt Nam phải mở bằng được con đường để nước ta trở thành một nước
thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, như Báo cáo Việt Nam 2035 đã nêu
ra. Báo cáo này cũng có những khuyến nghị rất rõ về những thứ phải thay đổi,
những việc cần làm trong từng lĩnh vực lớn.
Tìm người tài chứ không tìm người nhà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói “tìm người tài chứ không tìm
người nhà”. Theo bà, phương châm đó hàm nghĩa gì? Tình hình người nhà được
nâng đỡ, giao vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và DN nhà nước
hiện nay như thế nào và cách khắc phục để có thể tìm người tài?
Nhìn vào cách
thức tuyển dụng và thăng tiến trong khu vực nhà nước với đủ thứ quy trình có
vẻ rất chặt chẽ, dân gian thời nay đã đúc kết thành phương châm “nhất hậu
duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ”.
Cách đây chưa
lâu, “trí tuệ” còn “được” đứng thứ tư, khi “đồ đệ” chưa nổi lên rõ rệt. Hình
như từ cuộc bầu bán, sắp xếp lại các ghế ở một số cấp cơ sở vừa qua, “đồ đệ”
đã công khai ra mắt và khẳng định “đẳng cấp” của mình, khiến cho lực lượng
“người nhà” thêm đông vui, với tỷ lệ áp đảo 3/5 trong cơ cấu bảng tổng sắp!
Thật ra “tiền
tệ” cũng dễ thành “người nhà” lắm, như cô em nuôi của ông cựu tổng thanh tra
chính phủ chẳng hạn. Vậy nên chỉ còn “trí tuệ” là cứ bơ vơ, an phận đứng chót
bảng, vì ít nhất cũng đủ trí tuệ để biết phận mình ở đâu!
Một chuyển biến
đáng chú ý nữa của tình trạng trên là, nếu như trước đây người ta còn biết sợ
“bị lộ”, thì bây giờ việc bố trí cho “người nhà” đã có phần lộ liễu, trắng
trợn, bất chấp dư luận rồi. Bất chấp bởi vì ở đâu cũng thế, quy trình trong
tay ta, lại thêm có sự đổi chác ghế cho “người nhà” giữa các cơ quan với
nhau, nên rút cục nếu bị lộ thì “người nhà” này điều tra “người nhà” kia.
Khi Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nói “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”, hẳn ông đã
thấy rõ những điều người dân đúc kết như trên đúng là thực tế phổ biến trong
bộ máy nhà nước các cấp hiện nay, và ông cũng bức xúc về điều đó.
Trong bài diễn
văn trước Quốc hội (sau khi Quốc hội bầu lại vừa rồi), Thủ tướng còn nói đến
ý phải tạo điều kiện để sau này con em của mọi người dân, kể cả những người ở
miền núi hay hải đảo xa xôi, cũng vào được bộ máy lãnh đạo. Cả hai ý này đều
đúng, không có gì phải bàn cãi.
Vấn đề là làm
thế nào để thực hiện được như vậy. Theo tôi có mấy cách sau:
Một là bản thân
bộ máy nhà nước và DN nhà nước phải rất minh bạch, phải có trách nhiệm giải
trình trong thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt, từ những vị trí
bình thường trở lên. Đừng coi thường vị trí thấp, bởi vì “người nhà” có thể ở
vị trí thấp khi mới vào, nhưng sau đó họ nhảy lên rất nhanh. Những bàn tay
quyền lực về nhân sự trong bộ máy nhà nước luôn rất tài tình, biến hóa khi
sắp xếp cho “người nhà” bay lượn vài vòng rồi đáp đúng bến đỗ mục tiêu chỉ
trong thời gian ngắn.
Nhìn đường đi
của ông Trịnh Xuân Thanh hay con trai ông cựu bộ trưởng thì biết. Quy trình
trong tay họ, họ làm có thể thao túng được! Một khi có tuyển dụng, hay bổ
nhiệm, đề bạt sai thì cả người quyết định lẫn “người nhà” liên quan phải cùng
bị trừng phạt, vì ít nhất họ đã tham nhũng quyền lực và gây hại cho nhà nước
và xã hội.
Thứ hai là hệ
thống nhà nước nên học và áp dụng cách làm như hệ thống tư nhân trong việc
tuyển dụng. Bản mô tả công việc cũng như tiêu chuẩn, yêu cầu cho từng vị trí
làm việc bao giờ cũng được đưa ra rất cụ thể, minh bạch. Cứ xem người ta đăng
tải trên báo chí về tuyển dụng người của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức
quốc tế ở Việt Nam thì rõ.
Ngoài ra, trong
nhiều trường hợp, họ thuê các công ty chuyên nghiệp và độc lập đứng ra làm
công việc tuyển chọn cho họ, họ thường chỉ tiến hành cuộc phỏng vấn cuối cùng
để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên. Làm như vậy thì “người nhà” không có
năng lực sẽ ít có cơ hội lấn át người tài.
Thứ ba, như đã
có nhiều người đề xuất, là nên thực hiện xóa bỏ chế độ biên chế và thay bằng
chế độ hợp đồng một cách thực chất cho hầu hết các vị trí công việc quản lý
và chuyên môn ở các cơ quan nhà nước.
Nhà nước tuyển
dụng người làm quản lý hoặc chuyên môn cần thiết, kể cả cho những vị trí cao
như cấp thứ trưởng chẳng hạn, cho thời hạn 3 năm, 5 năm, nếu người đó làm tốt
công việc, nhà nước có thể tuyển dụng lại, còn nếu không tốt thì ngay giữa
chừng cũng có thể chấm dứt hợp đồng.
Chế độ hợp đồng
lao động có thời hạn, với những điều kiện nghiêm minh, sẽ giúp gạt bỏ kỳ vọng
vào nhà nước để làm quan suốt đời. Nó cũng sẽ giúp giảm nguy cơ người ta bỏ
rất nhiều tiền để mua một vị trí nào đó.
Trong bối cảnh
hiện nay, với yêu cầu nâng cấp liên tục về quản trị và công nghệ, sự thay đổi
chế độ tuyển dụng này càng trở nên cần thiết, để giúp chống sức ỳ và giảm
tính quan liêu trong bộ máy.
Cảm nhận mới về Thủ tướng
Sau sự cố đoàn xe ô tô tháp tùng Thủ tướng đi vào Phổ cổ Hội An
gây ra những phản cảm trong xã hội, có những ý kiến cho rằng Thủ tướng Phúc
nên có một đội ngũ nhằm xử lý khủng hoảng truyền thông. Theo bà, điều này có
cần không để giữ gìn hình ảnh Thủ tướng?
Tôi nghĩ điều
quan trọng nhất để tạo dựng, hay giữ gìn, hình ảnh của Thủ tướng là giúp Thủ
tướng thường xuyên lắng nghe tiếng nói của người dân, biết được người dân
đang có những điều gì bức xúc, hiểu được người dân mong muốn, chờ đợi gì ở
Chính phủ, để từ đó Thủ tướng và Chính phủ có thể tự mình hoặc chỉ đạo cấp có
trách nhiệm có hành động kịp thời để giải quyết trên tinh thần phục vụ dân.
Việc Thủ tướng
nhanh chóng có ý kiến về vụ chủ quán Xin chào, hoặc tổ chức sớm cuộc hội nghị
với DN và tiếp sau đó liên tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh đã
góp phần tạo hình ảnh đẹp cho Thủ tướng ngay trong những ngày đầu.
Xử lý khủng
hoảng truyền thông cũng cần, và vụ xe ô tô chạy vào Hội An đã được Thủ tướng
xử lý một cách đơn giản và đúng đắn nhất, là xin lỗi dân. Tôi nghĩ thế là
được, nhưng sau này tốt nhất là đừng để có những sơ xẩy không đáng có như
vậy. Người dân tinh lắm, có gì là người ta nhận ra ngay.
Cái khó bây giờ
là người dân nước ta đang sống trong một xã hội đã thay đổi rất nhiều, vừa
phát triển hơn, vừa đa dạng và phức tạp hơn hẳn so với trước.
Sự hiểu biết và
nhận thức của người dân cũng khác trước nhiều, đặc biệt trong bối cảnh nước
ta đã mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế trở thành thường xuyên, có nhiều cái
để người dân so sánh.
Và nhất là với
internet, khả năng tiếp cận, cập nhật, chia sẻ, trao đổi thông tin của người
dân đã tăng lên đáng kể, do vậy người dân có thể rất mau chóng biết và phán
xét mỗi khi có vụ việc gì xảy ra. Các hoạt động hay ứng xử của từ các vị lãnh
đạo đến công chức nhà nước đều không qua được mắt dân. Tốt, xấu, đúng, sai,
thật, giả thế nào, người ta biết hết. Vì thế, mọi sự che dấu thông tin hoặc
giải thích không trúng, không rõ, “nói lấy được” về bất cứ điều gì, kể cả với
“động cơ tốt” là để ‘an lòng dân”, cũng không thể có tác dụng gì tích cực,
ngược lại còn có thể làm dân thêm mất lòng tin.
Mặt khác, các
kênh truyền tải thông tin ngày nay cũng rất đa dạng. Muốn lắng nghe tiếng nói
của dân, những người giúp việc cho Thủ tướng có thể đọc, nghe từ nhiều luồng,
vừa có công tâm, có sự hiểu biết và nhậy bén để chọn lựa, chắt lọc những điều
đích thực cần thiết để phản ảnh trung thực và kịp thời.
Các nhà lãnh
đạo giỏi nhất ở các doanh nghiệp đều biết coi trọng những lời “mắng mỏ”, chứ
không phải lời khen, của người tiêu dùng, để liên tục cải tiến, nâng cao năng
lực cạnh tranh của mình. Tương tự, những lời phê bình, chê trách của dân cũng
cần đến tai Thủ tướng và Chính phủ, và được thực lòng tiếp nhận như những ý
kiến hữu ích, giúp Chính phủ không ngừng cải thiện bộ máy của mình để phục vụ
nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tóm lại, cách
tốt nhất để xây dựng và giữ gìn hình ảnh của Thủ tướng là thực lòng lắng nghe
dân, xử lý mọi công việc với tinh thần cầu thị, với trách nhiệm cao cả vì
nước vì dân.
Bà nhận xét thế nào về ông Nguyễn Xuân Phúc?
Nhận xét về một
con người không bao giờ dễ, ngay cả đối với những người mình tiếp xúc tương
đối thường xuyên với họ.
Với một nhà
chính trị ở vị trí cao chót vót thì lại càng khó hơn. Tôi chỉ tiếp xúc thoáng
qua với Thủ tướng Phúc có đúng một lần, tại một hội nghị ở Hà nội, khi ông
chủ động đến bắt tay tôi và chào hỏi đôi lời. Tuy nhiên, quan sát những gì
Thủ tướng làm từ khi ông lên nhậm chức cũng cho tôi một vài cảm nhận ban đầu
về ông.
Trả lời báo chí
gần đây, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư thành phố Hội An-một người quen biết và
làm việc với ông Phúc từ ngày ông Phúc còn ở Quảng Nam- đã chia sẻ, ông Phúc
là người biết lắng nghe và cầu thị. Tôi tin nhận xét của ông Nguyễn Sự là
đúng, và tôi cũng có cảm nhận ban đầu như vậy.
Quả thật có
lắng nghe và cầu thị thì Thủ tướng mới phản ứng ngay về vụ chủ quán Xin chào,
hoặc xin lỗi người dân vì đoàn xe công đi vào Hội An, và rõ nhất là việc gặp
và thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp
phát triển, hay liên tục nhắc phải cải cách hành chính, cải cách thể chế
trong các cuộc họp chính phủ. Gần đây, nghe lời phàn nàn về việc bộ máy chưa
chuyển động, ông đã lập một tổ công tác do Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đứng đầu
để rà soát và thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, của Thủ
tướng.
Một số DN nói
với tôi rằng Thủ tướng đã tạo cho họ niềm hy vọng mới về một chính phủ biết
trọng DN và lo cho sự phát triển của DN, cũng là của nền kinh tế hơn. Tuy
nhiên, niềm hy vọng ấy còn khá mong manh, vì họ cũng thấy rằng cả bộ máy của
chính phủ vẫn đang trì trệ quá, bóng dáng của các nhóm lợi ích vẫn còn lớn
quá.
Tôi mong biết
bao niềm hy vọng của DN có thể lớn dần lên và trở thành niềm tin mới. Hơn bao
giờ hết, chúng ta cần một niềm tin vững chắc để cộng đồng doanh nghiệp và
người dân cả nước có thể cùng nhau vượt qua những thách thức trước mắt và xây
dựng một tương lai tốt đẹp cho chính mình và cho các thế hệ mai sau.
Xin cám ơn bà đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
(Theo
TuanVietNam) Huỳnh Phan thực hiện
|
Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét