Không
thể xóa mờ hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ
Cập
nhật
lúc 08:02
Những năm gần đây, một vài thông tin, hình ảnh về quân nhân vi phạm
kỷ luật, pháp luật đã được tán phát với số lượng nhiều hơn kể từ khi có
internet và mạng xã hội. Song có một điều bất thường là trong số đó, có không
ít vụ việc thông tin bị tô vẽ, nhào nặn, bóp méo… nhằm bôi nhọ, xuyên tạc
hình ảnh và phẩm chất truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Cần nhìn nhận và
xử lý như thế nào đối với loại thông tin này?
Ảnh minh họa/ Ảnh: IT
Không thể đánh đồng cá biệt và bản chất
Gần đây, có một số vụ việc được chia
sẻ, tán phát nhiều trên mạng xã hội như: Một vài chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ
mới; cán bộ, sĩ quan uống rượu say không làm chủ được hành vi; sĩ quan làm
công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý kinh tế có sai phạm…
Trước hết, cần thẳng thắn nhìn nhận,
một số vụ việc được tán phát là có thật. Nhưng không ít vụ việc đã bị tô
vẽ, “thêm mắm thêm muối”, “làm mới thông tin đã cũ”, cố tình bôi đen sự việc.
Vụ việc một số chiến sĩ cũ đánh chiến
sĩ mới đã xảy ra nhiều năm trước, chiến sĩ vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm
khắc và đã xuất ngũ nhưng mấy năm gần đây, cứ đến mùa tuyển quân, ra quân
huấn luyện chiến sĩ mới, những người có ý đồ xấu lại tán phát clip cũ này lên
mạng xã hội. Họ cố tình “làm mới” sự kiện kèm theo những bình luận, thông tin
đi kèm dễ khiến dư luận hoang mang, lo ngại về môi trường kỷ luật quân đội.
Tại vụ việc liên quan đến một lái xe
trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vừa qua thì người tung clip đã
cố tình cắt bỏ đoạn đầu về những hành vi vi phạm pháp luật và cố tình khiêu
khích của người lái xe, chỉ đưa đoạn sau kèm những thông tin, bình luận về
sai phạm của một cán bộ quân đội để người xem hiểu sai lệch sự việc. Có vụ
việc tai nạn giao thông liên quan tới xe của đơn vị quân đội, ngay cả khi lỗi
thuộc về người va chạm với xe quân sự và đơn vị quân đội có trách nhiệm giải
quyết nghiêm túc, người ta vẫn tung ra những thông tin sai sự thật để gây sức
ép cho đơn vị bộ đội: “Xe biển đỏ bỏ chạy”, “vi phạm nhưng thiếu trách nhiệm”…
Sự xuyên tạc, bịa đặt nguy hiểm
Thời gian gần đây, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân nhận
được thắc mắc của một số bạn đọc xung quanh cái gọi là “tâm thư” của
"thạc sĩ Phạm Hồng Thúy” quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên gửi cán
bộ, chiến sĩ quân đội và công an, kêu gọi mọi người có trách nhiệm trước “vận
mệnh đất nước”. Trong bức tâm thư được tán phát trên mạng xã hội, người viết
xưng là "con một trung tướng quân đội, mẹ là chủ nhiệm đoàn văn công
Tổng cục Chính trị, bản thân làm việc cho một tập đoàn Nhà nước" nên am
hiểu mọi chuyện rồi từ đó tô vẽ ra những “mối nguy hiểm” đối với vận mệnh dân
tộc, quy kết bậy bạ Đảng, Nhà nước ta bán nước, bán biển đảo, quân đội ta
“hèn nhát”. Bức thư còn đưa ra những thông tin xuyên tạc về vụ máy bay rơi và
các nội dung đối ngoại quân sự...
Những người có kinh nghiệm chỉ cần đọc lướt qua vài dòng
sẽ biết ngay đó là một bức thư giả mạo, có nội dung phản động và không phí
thời gian đọc tiếp. Song không ít người thiếu hiểu biết vẫn tin theo và chia
sẻ trên mạng xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân,
các cơ quan chức năng của quân đội đều khẳng định đã xác minh, trên thực tế
không có thạc sĩ Phạm Hồng Thúy nào ở Văn Giang, Hưng Yên. Tỉnh này cũng
không có gia đình nào bố là trung tướng, mẹ là chủ nhiệm đoàn văn công quân
đội như thông tin bịa đặt.
Báo Quân đội nhân dân cũng từng
bị kẻ xấu xuyên tạc về một số nội dung tuyên truyền. Ngay cả chuyên mục
“Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình” được bạn đọc cả nước hoan
nghênh, thể hiện đúng chức năng chiến đấu trên mặt trận chính trị tư tưởng
nhưng kẻ xấu vẫn xuyên tạc, chống “Diễn biến hòa bình” là chống… “nhân dân”,
chống những “người yêu nước” cất tiếng nói vì “công lý”. Chúng đã cố tình
tiếm danh, đánh đồng giữa nhân dân với số ít những kẻ cơ hội chính trị, chống
phá đất nước.
Thời gian gần đây, được sự hậu thuẫn của các thế lực từ nước
ngoài, một số đối tượng còn phát động cái gọi là cuộc thi viết “Cộng sản và
tôi” để nói xấu Đảng, Nhà nước. Tại đây, chúng còn tung ra nhiều bài viết nói
xấu Quân đội ta, cho rằng “không có quân đội anh hùng”, không còn Bộ đội
Cụ Hồ.
Ngay cả một số cơ quan truyền thông,
một số nhà báo do thiếu thông tin và chủ quan, đơn giản đã vô hình trung có
những thông tin sai trái, ảnh hưởng xấu tới uy tín, danh dự của Quân đội nhân
dân Việt Nam. Vụ việc một nhà báo bị thu thẻ nhà báo do tùy tiện, thiếu suy
nghĩ đưa thông tin xúc phạm danh dự, uy tín Quân đội nhân dân Việt Nam gần
đây đã để lại nhiều bài học đáng suy nghĩ về trách nhiệm xã hội của nhà báo
khi tiếp nhận và xử lý thông tin.
Theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Quốc phòng),
hiện có tới hàng trăm trang web, facebook giả
mạo, đưa thông tin xuyên tạc liên quan tới lãnh đạo quân đội và các tổ chức
liên quan tới quân đội. Sự xuyên tạc, hạ thấp uy tín, hình ảnh quân đội đối
với các thế lực phản động chính là nhằm làm giảm niềm tin, chia rẽ quân đội
với nhân dân, nhân dân với quân đội, phi chính trị hóa quân đội.
Không thể xóa nhòa phẩm chất cao đẹp
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta
và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện không bao che khuyết
điểm, nương nhẹ cho những hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật. Những sai phạm
ấy, dù là cá biệt song khi bị tán phát trên internet đã ảnh hưởng xấu
tới uy tín, danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.Chủ tịch Hồ Chí Minh,
người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta từng căn dặn: “Phải
nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen
thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có
khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật”; “Các cán bộ từ
chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa trong công tác, trong học tập, từ bước
đi, từ cái chào đều phải chính quy hóa, cán bộ phải tiến trước và làm gương
mẫu cho các chiến sĩ".
Các vụ việc vi phạm tán phát trên
internet đều được lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Quân đội ta xử lý nghiêm minh
theo đúng Điều lệnh Quản lý bộ đội, kỷ luật quân đội, kỷ luật của Đảng và
pháp luật Nhà nước. Đối với người sử dụng internet và mạng xã hội, không nên
nhầm lẫn giữa hiện tượng cá biệt và bản chất, một vài sự việc cá biệt không
thể làm nhòa mờ hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Quân đội nhân dân dân Việt
Nam, một đội quân luôn từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.
Nhưng, internet cũng chính là kênh
thông tin, là sự phản chiếu và giám sát to lớn từ xã hội để mỗi quân nhân,
mỗi cá nhân và tập thể không một phút giây nào được phép xao nhãng, lơ là
việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất người quân nhân cách mạng, giữ
gìn và phát huy bản chất tốt đẹp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Bản chất ấy
không tự nhiên có được mà phải luôn gắn với sự rèn luyện từ những điều nhỏ
nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, toàn quân ta tiếp tục phát động và
đẩy mạnh phong trào thi đua “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng
danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Qua các sự việc, cũng là bài học để mỗi
quân nhân và các đơn vị quân đội nêu cao trách nhiệm chính trị, quán triệt và
thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng
cục Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ, các quy định về sử dụng internet,
thông tin điện tử, viễn thông. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng, thực hiện
đúng các quy định khi đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin, hình ảnh
liên quan đến quân đội trên internet, mạng xã hội.
(Theo Quân đội ND)
NGUYỄN VĂN MINH
|
Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét