Học trước nửa tháng, khai trường chỉ còn
ý nghĩa… trình diễn
Cập nhật lúc 07:40
Học sinh tham
gia lễ khai trường khi đã đi học trước đó hai tuần. Nhiều em ngáp ngắn ngáp
dài, có em đòi phụ huynh xin phép nghỉ vì lễ khai trường không ... háo hức.
Tại sao vậy?
Tại Đà Nẵng,
sau nhiều năm học sinh phải tập trung học 2 tuần trước rồi mới khai
giảng, năm học 2016-2017 là năm đầu tiên Đà Nẵng cho học sinh được
nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, không tổ chức dạy trước cho các em. Học sinh Đà
Nẵng tựu trường ngày 1-9, ngày 5-9 khai giảng.
Nói về việc cho
học sinh được nghỉ đủ 3 tháng hè, thầy Đặng Nhứt - hiệu trưởng trường tiểu
học Trần Văn Ơn, Hải Châu, Đà Nẵng, cho rằng đây là một chủ
trương hoàn toàn hợp lý.
Học rồi mới khai trường để làm gì?
Nhiều phụ huynh
cho rằng để ngày lễ khai trường có ý nghĩa, ngày khai trường phải
là ngày đầu tiên học sinh đi học hoặc quay lại học, được gặp lại
thầy cô, bạn bè.
Anh Trọng Hoàng
(Q.7, TP.HCM) nói: “Bao năm nay, học sinh phải đi học từ 15-8, vậy ngày lễ
khai trường 5-9 còn gì ý nghĩa gì? Đã học từ trước thì việc khai trường
sớm hay muộn có còn quan trọng nữa không? Người ta khai trường rồi mới bắt
đầu đi học, như vậy mới gọi là ngày khai trường - ngày bắt đầu của một năm
học mới”.
Bạn Tuấn Anh
(ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Lúc trước, khi còn học tiểu học thì
ngày khai trường cũng chính là ngày đầu tiên chúng tôi đến trường. Lúc
đó tôi cảm thấy rất vui, rất háo hức và hạnh phúc vì mình được gặp lại
bạn bè, thầy cô, trường lớp. Ai qua những tháng hè cũng nhớ trường, nhớ lớp
lắm".
Rất nhiều phụ
huynh bức xúc: “Học cả tháng rồi mới khai trường thì quá hình thức. Lễ
khai trường không còn ý nghĩa như ngày xưa..."
Đâu cần học sớm?
Năm học
2016-2017, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chủ trương đúng khiến đông đảo phụ
huynh đồng tình là các trường tổ chức lễ khai giảng năm học vào
ngày 5-9, không mời lãnh đạo phát biểu trong lễ khai giảng.
Trước
đó học sinh các trường đã bước vào chương trình học của học kỳ 1 từ ngày
15-8.
Ông Đỗ Minh
Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết theo quy định của Bộ
GD-ĐT, các địa phương có thể ấn định ngày tựu trường từ ngày 1-8 nhưng TP.HCM
chọn ngày 15-8.
Nguyên nhân của
việc tựu trường rồi mới khai giảng - theo Bộ GD-ĐT - là để giảm tải cho học
sinh. Tức là trong bối cảnh chưa thể thay đổi chương trình ngay thì Bộ điều
chỉnh về thời gian năm học để các trường có điều kiện thuận lợi chuyển tải
kiến thức cho học sinh. Ví dụ: bài A trước đây chỉ dạy 1 tiết nhưng bây giờ
có thêm thời gian các trường có thể kéo dài thành 1,5 hoặc 2 tiết.
Tuy nhiên, việc
tựu trường sớm rồi mới khai giảng theo nhiều phụ huynh là chưa hợp lý.
"Mấy năm nay tôi theo dõi hai con học, năm nào cũng thấy hai cháu ở
hai khối lớp khác nhau thi xong học kỳ 2 vào cuối tháng 4. Cả một
tháng 5 các cháu vẫn đến trường đi học tiếp nhưng học rất ít, chủ yếu là
vô chơi, đến gần cuối tháng 5 mới được nghỉ hè. Vậy có lý do gì mà không
tịnh tiến thời gian học bắt đầu học vào đầu tháng 9 và giãn ra trong
tháng 5?" - bạn đọc Đức Duy nói.
Khai giảng
không phải là ngày tựu trường, một số phụ huynh cho rằng như vậy sẽ làm
mất cảm xúc của học sinh và mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng.
Học sinh
vào lớp 1 sáng 5-9 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Huế - Ảnh: Xuân Đạt
Nhiều trường dạy trước
Giáo sư, tiến
sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục
phát triển tiềm năng con người - cho rằng ngày trước, lễ khai trường là
thời điểm học sinh bắt đầu đi học nên để lại ấn tượng đặc biệt với các em,
nhất là các em vừa chuyển cấp.
Ngày nay, các
trường phải tranh thủ tổ chức học sớm là vì muốn ổn định sĩ số học sinh,
muốn học sinh và phụ huynh làm quen với các nội quy và nắm các khoản đóng góp
trong năm học.
Nhiều trường
tạm thời giảng dạy một số tiết để học sinh được làm quen và chuẩn bị tâm thế
sẵn sàng vào lớp học, số khác lại cho học sinh tập văn nghệ, đội hình đội ngũ
để chuẩn bị cho ngày khai trường. “Do vậy, chúng ta có cảm giác học sinh
không còn hứng khởi trong ngày tựu trường”, ông Kỳ Anh khẳng định.
Theo ông Kỳ
Anh, tốt nhất là khai trường xong thì học sinh mới bắt đầu học nội quy, chấn
chỉnh mọi việc và vào học chính thức. Tuy nhiên, do chương trình học nếu để
đến ngày khai trường mới bắt đầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó nhiều
trường đối phó, thậm chí các sở, phòng giáo dục cũng đối phó để các trường tổ
chức dạy và học trước dù chưa làm lễ khai trường.
PGS.TS Nguyễn
Thành Vinh - trưởng khoa quản lý Học viện Quản lý giáo dục - cho
rằng một số trường vì điều kiện đặc thù tập trung học sinh sớm để tránh
lũ, tránh đông hay ôn tập cho các em là tố, nhưng đa số các trường lại
tổ chức tập trung quá sớm. Nhiều em học sinh thắc mắc “Học mãi rồi mới
khai trường”, thậm chí có trường dạy trước chương trình rất nhiều.
Ông Vinh nhận
định: “Nhiều hiệu trưởng đã làm mất ý nghĩa ngày khai trường. Lẽ ra ngày 5-9
phải đầy phấn khởi, hào hứng nhưng nay, đến chính mình mình còn không vui chứ
nói gì đến trẻ".
Nên khai trường rồi học
Cô Bùi Thị Kim
Duyên - tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp)
- cho rằng thời gian tuần đầu tập trung chủ yếu là sinh hoạt tập thể và công
tác tổ chức lớp học, tuần còn lại nên củng cố nội dung đã học để chuẩn bị cho
chương trình năm học mới, khi các em có sự chuẩn bị thì sẽ bắt nhịp thuận lợi
hơn.
Dù vậy, cô
Duyên cho rằng khai trường rồi mới bắt đầu năm học sẽ tạo được cảm xúc thật
sự, để lại dấu ấn trong học sinh.
Thầy Trần Văn
Tám - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Lập Hạ (Củ Chi, TP.HCM) - cho
rằng nếu học hai tuần rồi mới khai trường thì các học sinh đã quen thầy, quen
bạn, quen trường lớp, sự háo hức cũng bớt đi phần nào. Học sớm thì đến giữa
tháng 5 đã kết thúc chương trình nhưng nhà trường vẫn phải kéo dài đến cuối
tháng để tổng kết. Giáo viên phải dạy, phải quản lý học sinh trong khi các em
lại nô nức được nghỉ hè.
Ông Tám gợi ý:
“Thay vào đó, nếu khai trường rồi vào học những tiết đầu tiên sẽ tạo cảm giác
phấn khởi, mới lạ cho học sinh. Ngày khai trường cũng nên được tổ chức gọn
gàng, tiết kiệm, dành nhiều thời gian hướng đến học sinh”.
Hiệu trưởng một
trường tiểu học ở Hà Nội cũng cho rằng ngày khai trường nên là ngày đầu
tiên của năm học, dù khi đó thầy cô có vất vả hơn trong việc ổn định và quản
lý các em nhưng bù lại mọi người đều có những ấn tượng về ngày khai trường.
Đồng quan điểm,
TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói: “Nếu khai trường sau
khi đã đi học thì ý nghĩa khởi đầu năm học không còn nữa, sự háo hức
giảm đi rất nhiều. Ngày khai trường đúng nghĩa phải là ngày các em được gặp
thầy cô bạn bè, tò mò về lớp mới, được kể về những ngày hè của mình với niềm
vui và sự háo hức”.
(Theo Tuổi trẻ)
VÕ HƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG - MẠNH KHANG -
ĐOÀN CƯỜNG - THANH TRÚC
|
Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét