Giá xăng nặng gánh thuế phí: Tăng và sẽ còn tăng nữa?
Cập nhật lúc 06:47
Mặc dù mức thuế, phí đã chiếm lên đến trên 50% giá xăng bán ra,
nhưng chưa thấy tín hiệu nào cho thấy thuế phí với xăng sẽ giảm, thậm chí còn
có thể tăng lên nữa. Sự thay đổi trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối
với mặt hàng xăng kể từ 1/7 làm cho mỗi lít xăng bán ra, người tiêu dùng phải
trả nhiều tiền hơn.
Một thay đổi nhỏ, giá xăng cõng thêm 200 đồng
Ngày 6/4/2016,
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của uật thuế Giá trị gia
tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Ngày 1/7/2016, Chính
phủ đã ban hành Nghị định 100 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật sửa đổi, bổ sung trên. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Việc sửa đổi bổ
sung lần này về thuế tiêu thụ đặc biệt có những điểm khác biệt cơ bản về giá
tính thuế Tiêu thụ đặc biệt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên giá bán xăng đến tay
người tiêu dùng.
Cụ thể, ở Nghị
định 195 trước đây, thuế Tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng được tính dựa
trên giá nhập khẩu và các khoản chi phí để đưa hàng về cảng Việt Nam, tức giá
nhập khẩu đầu vào. Thế nhưng, theo quy định mới có hiệu lực từ 1/7/2016 tại
Nghị định 100, thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp thuế
tiêu thụ đặc biệt tại đầu ra.
Điều đó có
nghĩa, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên một lít xăng dầu phải “cõng” thêm
3 loại chi phí nữa, đó là chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và
quỹ Bình ổn giá.
Điều này đã tạo
ra sự khác biệt đáng kể với cách tính trước và tác động trực tiếp đến một lít
xăng bán ra, làm giá bán đến tay người tiêu dùng tăng lên.
Giải thích rõ
hơn, đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết: Thuế tiêu thụ đặc biệt với
xăng trước đó tính ở đầu vào, trong khi từ 1/7 tính ở đầu ra, bao gồm lợi
nhuận định mức là 300 đồng, cộng với chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng,
quỹ bình ổn giá 300 đồng nữa. Như vậy, tổng các loại chi phí này là 1.650
đồng. Thuế tiêu thụ đặc biệt tính 10%, nghĩa là mỗi lít xăng bán ra phải gánh
thêm khoảng 165 đồng nữa.
“Điều này đẩy
giá cơ sở mặt hàng xăng tăng lên, như vậy giá bán ra cho người tiêu dùng phải
cộng thêm số tiền ấy vào”, đại diện Hiệp hội xăng dầu giải thích.
Chuyên gia kinh
tế TS. Ngô Trí Long cho rằng: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới là cách
tính dồn, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, phí. Cơ cấu thuế phí hiện đã
chiếm 49-51% trong một lít xăng, cách tính mới càng làm tăng thêm gánh nặng
chi phí cho người tiêu dùng cuối cùng.
“Tính toán sơ
bộ cho thấy, cả năm 2015, tiêu thụ nội địa đạt khoảng 16,4 triệu tấn xăng
dầu. Mỗi tấn xăng dầu quy đổi ra khoảng 1.333 lít, thì nếu chênh lệch thêm 200
đồng, nghĩa là người tiêu dùng phải móc túi chi thêm hơn 4.373 tỷ đồng”, ông
Long tính toán.
Ông Nguyễn Quý
Trung, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cũng thừa nhận việc thay
đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt như trên với xăng làm giá của mặt hàng
này tăng lên khoảng 100-200 đồng/lít.
Ông Trung nói
việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nói riêng và với các
hàng hóa trong Nghị định 100 nói chung là nhằm “tạo công bằng giữa hàng hóa
nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước".
“Theo số liệu
chúng tôi vừa tra cứu, mức giá tăng như thế là không đáng kể và số thu ngân
sách tăng thêm cũng không nhiều”, đại diện Vụ chính sách cho biết.
Xăng dầu còn nặng gánh thuế phí
Tỷ lệ thuế, phí
trong giá xăng dầu Việt Nam hiện khá cao, mua 100.000 tiền xăng người dùng
phải trả hơn 50.000 đồng tiền thuế, phí nhưng mức này vẫn chưa phải là kịch
trần.
Hồi tháng
4/2016, báo cáo bổ sung về tình hình thu chi ngân sách của Chính phủ gửi các
Đại biểu Quốc hội có nội dung sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục
điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Phải nói thêm
rằng, vào ngày 1/5/2015, cùng vì áp lực giá dầu, thuế bảo vệ môi trường cho
xăng dầu đã có một đợt tăng sốc tới 300% lên mức như hiện nay, có nghĩa 1 lít
xăng đã “gánh” tới 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Trước đó, thuế bảo vệ
môi trường đối với mặt hàng xăng chỉ có 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 500
đồng/lít mazut 300 đồng/kg. Riêng dầu hoả vẫn giữ nguyên mức thuế là 300
đồng/lít.
Đến nay, thuế
bảo vệ môi trường với xăng dầu vẫn chưa thay đổi, nhưng cần lưu ý rằng, vẫn
còn dư địa là 1.000 đồng cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng
xăng.
Có một thực tế
là hiện nay, Việt Nam đang bắt buộc phải giảm thuế theo lộ trình các hiệp
định đã ký kết. Lý do này buộc các cơ quan chức năng phải tính đến điều chỉnh
thuế nội địa để bù đắp. Việc thay đổi cách tính thuế như nói ở trên là một ví
dụ.
Tuy nhiên, mức
điều chỉnh thế nào là điều cần lưu ý vì đây là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào
của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh. Mỗi thay đổi liên quan đến thuế, phí
xăng dầu có thể tác động ngay đến chi phí sản xuất của DN, làm giá thành sản
phẩm biến động và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ.
(Theo VietNamNet)
Lương Bằng
|
Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét