Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy



Học thêm giống như một quả táo có độc mà mọi người nhìn vẻ bề ngoài thấy ngon và bổ dưỡng nhưng thực tế nó lại ẩn chứa những điều xấu xa và nguy hiểm!

LTS: Trong khi thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt cấm dạy thêm, học thêm, dư luận vẫn đang phân thành nhiều luồng trái chiều.
Trước thực trạng này một thầy giáo ở miền Bắc đã gửi thư tới tòa soạn nêu ra 12 lý do vì sao nên cấm hoạt động này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Tôi là một giáo viên, hiện đang công tác tại một trường Trung học Cơ sở ở miền Bắc, hôm nay tôi muốn nêu quan điểm của mình về những lí do cần thiết vì sao phải cấm dạy thêm:
1 - Nội dung chương trình dạy chính khóa trong Sách giáo khoa hiện nay ở hầu hết các môn nhiều nội dung còn mang tính hàn lâm, nặng lý thuyết, xa rời thực tiễn và không có giá trị ứng dụng.
Như ở môn Lịch sử (lớp 7, học kì một) học sinh đã phải học về sự tan rã của chế độ phong kiến, sự hình thành giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản.
 
Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ nên chống tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, bớt xén chương trình chính khóa để buộc học sinh phải học thêm (Ảnh: laodong.vn).

Sau khi học xong tiết học này, tôi thấy học sinh không ai thảo luận về nội dung vừa học mà ùa ra sân trường chơi... làm sao học sinh lớp 7 lại có thể quan tâm những vấn đề như vậy?
Hay như môn Toán, sau khi học xong chương trình phổ thông, nhiều kiến thức về parabol, đồ thị, hàm số, giải phương trình bậc một, bậc hai, rồi lượng giác, đạo hàm, tích phân, hàm số logarid… sau này cũng ít khi sử dụng đến.
Tôi cũng làm thêm nghề kĩ thuật cơ khí nhưng chỉ cần sử dụng cộng, trừ, nhân, chia, phải chăng một phần không nhỏ kiến thức đã được học là thừa và không cần thiết?
Ví dụ khác, ở các tác phẩm văn học, học sinh ngoài phải tìm hiểu tác giả, tác phẩm còn phải học quá nhiều thời lượng về câu cú, thủ pháp nghệ thuật… trong khi đó theo tôi, điều quan trọng nhất là phải giáo dục về tư tưởng nhân văn của tác phẩm.
Điều này có nghĩa là học sinh nên được tập trung vào việc cảm thụ vẻ đẹp tư tưởng, vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm từ đó học sinh biết yêu con người, yêu quê hương đất nước và có tinh thần đấu tranh chống lại điều xấu…
Theo tôi, bắt các em nghiên cứu quá sâu, quá sớm về kĩ thuật văn chương trong một tác phẩm văn học là chưa tương xứng với năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ và thế giới quan của các em.
Những nội dung trên nên để vào tiết học tiếng Việt, tập làm văn.
2 – Mục đích đi học thêm của các học sinh phần lớn xuất phát từ phục vụ việc thi cử và thỏa mãn bệnh thành tích trong giáo dục, từ mong ước của các phụ huynh.
Nếu không xuất phát từ nhu cầu ham học hỏi, muốn nâng cao trình độ thì những gì các em thu nhận được từ các lớp học thêm liệu có giúp các em trưởng thành tốt hơn?
3 – Việc học thêm cũng lấy đi rất nhiều thời gian của các học sinh mà đáng ra ở lứa tuổi này các em phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.
Các em cũng nên luyện tập văn nghệ, thể thao hoặc làm những công việc phụ giúp gia đình phù hợp để các em có điều kiện bồi bổ thế giới quan, phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất, sức khỏe, tâm hồn, kĩ năng sống và lao động.
4 – Từ việc học thêm chiếm quá nhiều thời gian của các em dễ dẫn đến các em thiếu đi các trải nghiệm cuộc sống, có thế giới quan méo mó, phiến diện, lười vận động, sợ lao động, một số không nhỏ mắc bệnh béo phì, cơ thể yếu đuối; thậm chí có nhiều em còn bị gọi là “gà công nghiệp”, “kính cận”, “bốn mắt”…

5 – Việc dạy thêm khiến nhiều giáo viên phải cắt xén thời gian, đáng lẽ ra là để nghiên cứu bài vở, soạn giáo án, gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh.
Do đó, hoạt động này cũng khiến các giáo viên phân tâm, chú trọng giảng dạy ngoài nhiều hơn là nâng cao chất lượng trên lớp, những em học sinh yếu kém từ đó cũng mất đi quyền lợi được chăm sóc, chú ý từ các giáo viên.
6 – Việc học thêm dù là bắt buộc hay tự nguyện cũng tốn kém một khoản tài chính không nhỏ đối với phụ huynh học sinh.
Tôi tin rằng, nếu cả xã hội hạn chế được dạy thêm, học thêm, thì những khoản đầu tư này có thể được sử dụng vào những việc thiết thực, hữu ích hơn.
7 - Việc học các cấp ở Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi bóng dáng của việc học lệch.
Lâu nay, ở các năm học chuyển cấp và đặc biệt ôn thi Đại học, Cao đẳng những môn nằm trong nội dung thi như Toán, Văn, Anh (thi tốt nghiệp), khối A, khối B, khối C, khối D (thi Đại học, Cao đẳng) thường được học sinh chú trọng với mục đích nhằm vượt qua những kì thi, kiểm tra sắp đến.
Tình trạng học lệch này có thể tạo ra những thế hệ “chủ nhân tương lai của đất nước” bị “lệch” về trí tuệ và tâm hồn.
Thử tưởng tượng xem nếu một trong số những em này nắm giữ chức trách quan trọng thì dưới tầm hiểu biết hạn hẹp, liệu có đưa ra những quyết sách thiển cận đối với đất nước?
8 – Trong khi nhiều người đồng tình với quan điểm nên bỏ học thêm, dạy thêm thì một số lại lo sợ nếu cấm hoạt động này, các giáo viên sẽ không đủ thu nhập sống trong khi lương chính của họ quá “bèo bọt”.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan niệm này là không thoả đáng do hiện nay, mặt bằng chung thu nhập ở nước ta vẫn còn thấp so với các nước khác. Còn rất nhiều giáo viên mấy chục năm qua không hề dạy thêm mà báo chí đã phản ánh,  họ vẫn yêu nghề và cống hiến đó thôi?
9 – Xét ở góc độ cống hiến cho xã hội, khi những hoạt động này không đạt được giá trị thực chất là nâng cao dân trí, thì việc đông đảo nhân dân lao động phải chi tiền cho hoạt động học thêm, dạy thêm không đạt hiệu quả là không thích đáng.
Theo tôi, đứng về quan điểm xã hội học, hoạt động này không đáp ứng nhu cầu của xã hội.
10 – Việc chấm dứt dạy thêm, học thêm chủ yếu là vì sự phát triển lành mạnh và toàn diện nhân cách của học sinh.
Trong khi đó, từ trước đến nay chúng ta luôn hô hào  “tất cả vì học sinh thân yêu” vậy,  theo tôi cần phải chấm dứt học thêm.
11 – Theo tôi được biết thì nhu cầu học thêm của học sinh chủ yếu có ở các em có học lực tốt; ở các lớp chọn, trường chuyên cũng có một phần do bố mẹ các em thúc ép mà những em thuộc đối tượng này chỉ cần có hướng dẫn một vài buổi là hoàn toàn có khả năng tự học.

Phần  rất lớn các em học sinh thuộc các lớp đại trà, học lực trung bình hoặc số ít đạt mức yếu và  khá thường không có nhu cầu học thêm.
Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn học tập xuất chúng nhưng hoàn toàn không học thêm ở đâu.
12 – Một số người lý luận rằng quy luật thị trường “có cầu ắt có cung”, tôi cho rằng cách lý luận này là thiếu chín chắn vì với những trường hợp ma túy, mại dâm “cầu” rất nhiều tại sao Nhà nước vẫn cấm “cung”?
Như vậy, các nhà quản lý, lãnh đạo không thể căn cứ hoàn toàn vào việc “cung” và “cầu” mà cần tính toán xem điều đó có lợi, hại gì cho sự phát triển chung của xã hội?
Tôi cho rằng dạy thêm học thêm giống như một quả táo có độc mà mọi người nhìn vẻ bề ngoài của nó có vẻ như ngon và bổ dưỡng nhưng thực tế nó lại ẩn chứa những điều xấu xa và nguy hiểm.
(Theo Giáo dục VN) Lê Hoàng

1 nhận xét: