Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Cổ phần hóa“nửa vời”

Cập nhật lúc 07:27 

 Điều hành công ty là việc của những người chuyên môn và am hiểu thị trường chứ không phải tùy thuộc vào người của Nhà nước. Sao Nhà nước cứ phải nắm nhiều cổ phần, rồi “xí ghế” để rồi làm khó doanh nghiệp? 

Kết quả hình ảnh cho tranh biếm về cổ phần hóa

Mười tháng sau khi Chính phủ chủ trương thoái vốn nhà nước còn lại tại Vinamilk, dù chưa bán nhưng giá cổ phiếu của công ty này đã tăng thêm 40.000 tỉ đồng. Cũng trong thời gian này Vinamilk được tạp chí Forbes châu Á công bố nằm trong top 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những thành quả mà Vinamilk đạt được trong mười tháng qua đủ sức phản bác những lập luận tồn tại hàng thập kỷ nay rằng Nhà nước phải can dự vào hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa để bảo toàn vốn.
Khi Nhà nước bán hết vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, mọi việc sau đó sẽ do thị trường quyết định. Nhà đầu tư không còn lo ngại người của Nhà nước len lỏi “đúng quy trình” vào bộ máy lãnh đạo công ty như từng xảy ra tại một vài tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước nắm nhiều vốn tại Bộ Công thương - người ta gọi đó là cổ phần hóa “nửa vời”.
Ai đã tiếp cận báo cáo thường niên của công ty niêm yết tên tuổi mới thấy mọi thứ rất minh bạch, từ chiến lược kinh doanh, tài chính, đầu tư và nhân sự với tầm nhìn nhiều năm.
Với khối lượng công việc khổng lồ như thế, các cổ đông cần phải tìm ra những người tài năng để điều hành mới hi vọng mang lại lợi tức cao nhất cho nhà đầu tư. Nếu Nhà nước hay bộ chủ quản còn giữ vốn chi phối rồi cài cắm người để nắm quyền lãnh đạo công ty, liệu có nhà đầu tư nào dám bỏ vốn vào?
Nếu có, đó chỉ là những nhà đầu tư lướt sóng, để cùng chơi “trò chơi” với đại diện cổ đông của Nhà nước cài cắm ở đó. Khi đó, khó tránh khỏi những chuyện xài tiền chùa, như sinh nhật bố của sếp đã chi mất hết 500 triệu đồng, đã từng xảy ra ở một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “nửa vời”.
Đừng tưởng những công ty lớn, tên tuổi sẽ tồn tại được lâu dài. Rủi ro kinh doanh thường xuyên xuất hiện, các công ty luôn phải phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước các diễn biến của thị trường.
Điều này trái ngược với phong cách quản trị “xin ý kiến cấp trên” của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần “nửa vời”. Sao Nhà nước cứ phải nắm nhiều cổ phần, rồi “xí ghế” để rồi làm khó doanh nghiệp?
Điều hành công ty là việc của những người chuyên môn và am hiểu thị trường chứ không phải tùy thuộc vào người của Nhà nước. Chính phủ kiến tạo là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng. Nói thì dễ, nhưng nếu không quyết liệt, quá trình bán vốn nhà nước tại các siêu tổng công ty “gà đẻ trứng vàng” sẽ ì ạch.
Không ai phủ nhận cần phải thận trọng khi bán bớt vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng điều phải khẳng định, chỉ cần Nhà nước tuyên bố thoái vốn, thị trường giải quyết những phần việc còn lại dưới sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường và của “ông chủ” là các nhà đầu tư và các cổ đông.
Đó cũng là tạo ra không gian kinh doanh cho hàng loạt doanh nghiệp, tổng công ty lớn. Chỉ có thế mới tạo ra những doanh nghiệp năng động, nền tảng để có thêm nhiều công ty lớn của Việt Nam thành danh trên thị trường thế giới như Vinamilk.
Chấm dứt cổ phần hóa “nửa vời”, Nhà nước có tiền để trang trải, vừa tạo ra cơ hội đầu tư, làm cho thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn. Còn giữ lại, không chỉ lo mất vốn, lâu lâu lại xảy ra những vụ lùm xùm như bổ nhiệm “đúng quy trình”.
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN NGỌC THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét